20/06/2018 07:05
Nghề báo đi nhiều lắm. Nhưng với riêng tôi, có những chuyến đi không đơn thuần chỉ là để tìm đề tài, thu thập tư liệu viết bài mà qua đó còn giúp tôi có những cái nhìn mới về nghề, về cuộc sống để trưởng thành hơn, biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn…
Còn nhớ, năm 2009- khi ấy tôi mới chập chững bước chân vào làng báo, tôi đã có một chuyến đi để mà thương mà nhớ. Năm đó, nhiều địa phương trong tỉnh phải hứng chịu trận bão lịch sử. Và, tôi đã có dịp được đến với vùng rốn lũ Tu Mơ Rông trong những ngày mưa lũ.
Trước khi khởi hành, nghe các bậc “tiền bối” cảnh báo “chuyến đi xa và vất vả đấy”, nhưng tôi nghĩ, mọi người đi được thì mình đi được. Mang theo sự háo hức, nhiệt tình của một “tân binh”, tôi lên đường đi Tu Mơ Rông.
Vừa đặt chân đến Tu Mơ Rông, trước mắt tôi là một khung cảnh hoang tàn, đổ nát, núi lở, đường sạt, nhà cửa của người dân đều bị lũ cuốn trôi..., thật là ngoài sức tưởng tượng. Để vào được các xã Đăk Sao, Đăk Na, chúng tôi phải cuốc bộ mấy tiếng đồng hồ. Tôi xót xa khi nghe những chuyện kể về việc bị mất người thân một cách tức tưởi chỉ trong chớp mắt; thương cảnh người dân thiếu ăn, thiếu nước, không có chỗ ở… Suốt dọc đường đi, tôi gặp những chàng lính trẻ dầm mình trong mưa rét để cõng gạo, nước tiếp tế cho dân, những đoàn từ thiện khắp nơi mang gạo, muối, mì tôm đến với người dân vùng lũ...
Vốn sinh ra ở một vùng quê đồng bằng Bắc bộ, tôi không bao giờ tưởng tượng ra rằng những trận lũ ở miền núi lại có sức tàn phá ghê gớm đến vậy, mà đây lại là trận lũ lịch sử. Cuộc sống của người dân ở miền núi vốn đã khó khăn nay càng trở nên khó khăn hơn bội phần. Chuyến đi ấy thực sự đã giúp tôi mở rộng được tầm mắt, tôi học được nhiều điều về cuộc sống mà trong tất cả những trang sách, những bài giảng tôi đã học suốt 4 năm đại học không hề có.
Người ta thường nói, phụ nữ “liễu yếu đào tơ”. Tuy nhiên, với những nữ nhà báo, nhất là những người làm báo ở một tỉnh miền núi như Kon Tum, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, địa hình trắc trở, thì không phải khi nào các nữ nhà báo cũng “được phép yếu đuối”. Là một phóng viên, hằng ngày, tôi làm bạn với con ngựa sắt trên các cung đường. Đường xa, đường khó tôi đều không nản, tôi chỉ sợ gặp rủi ro trên đường.
Tôi còn nhớ như in kỷ niệm một lần tác nghiệp vào năm 2011. Lúc bấy giờ, tôi được phân công đưa tin bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp ở xã Mô Rai (huyện Sa Thầy)- đây là địa phương nằm trong diện tổ chức bầu cử sớm.
Hôm ấy, trời mưa tầm tã, nhưng 3h sáng tôi phải thức dậy để lên đường. Một mình với con ngựa sắt vượt quãng đường gần 90 cây số mà quá nửa là đường đất, đường rừng. Trong chuyến đi ấy, không may lúc về tôi còn bị ngã và hỏng xe giữa đường. Vừa đau, vừa khổ sở, vừa tủi thân vì không biết cầu cứu ai khi ở giữa rừng núi, điện thoại thì không thể liên lạc được. Phải mất khoảng gần 2 tiếng ngồi vạ vật bên vệ đường, tôi mới may mắn gặp được mấy anh công nhân từ xã Mô Rai ra huyện giúp tôi sửa xe và hộ tống trên đường về.
Một chuyến đi khác cũng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp về những người tiên phong đi kiến thiết vùng đất mới. Đó là chuyến đi đến vùng biên giới Nam Sa Thầy (giờ là huyện Ia H’Drai) vào năm 2014. Khi đó, điều kiện về cơ sở hạ tầng, cuộc sống của người dân nơi đây còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
Thời tiết nóng hầm hập, cái nắng chang chang như muốn thiêu đốt con người, vậy mà hầu như cả vùng Nam Sa Thầy khi ấy chưa có điện lưới. Vào đến xã Ia Đal, tôi và cô bạn đồng nghiệp mồ hôi nhễ nhại, lại ngồi trong khu nhà làm việc bốn bề thưng tôn, mái lợp tôn càng làm tăng thêm độ nóng nực. Theo thói quen, cô bạn tôi nửa đùa nửa thật hỏi anh Chủ tịch xã “Anh, cho em xin 500 gió được không?”. Bỗng anh bật cười rồi phân trần: “Em quên đây là biên giới xa xôi à. Bọn anh mỗi ngày chỉ được bật máy phát điện vài tiếng đồng hồ để in ấn tài liệu, xử lý công văn giấy tờ, sạc pin máy tính, điện thoại, bơm nước thôi... còn mọi nhu cầu khác thì đành chịu”.
“Đói điện” đã khổ, “đói nước” còn khổ sở hơn. Hôm sau ra đến xã Ia Tơi, trong lúc “trà dư tửu hậu”, tôi được nghe các anh em cán bộ xã kể về tình cảnh nước ăn thì phải mua từng bình, nước dùng để sinh hoạt thì phải bơm từ suối cách nơi ở cả gần cây số về để lắng rồi chia nhau dùng, phải tiết kiệm từng ca nước. Người dân trong vùng cũng vậy phải gánh nước từ sông, suối về rồi xây bể lắng để dành dùng; không ai dám trồng rau vì không có nước tưới.
Chuyện đường sá cũng khổ sở không kém. Nghe những người dân trong vùng kể rằng, nhiều khi nông sản trên rẫy thu hoạch xong nhưng trời mưa, đường lầy lội không có cách nào đưa ra đành phải bỏ luôn. Rồi chuyện mua bán lương thực, thực phẩm cũng vậy, nó “luôn chập chờn” theo thời tiết và độ khó của đường sá...
Giữa bao la núi rừng, con người phải đối diện với sự thiếu thốn mọi mặt và sự vắng vẻ đến rợn người, nhất là khi màn đêm buông xuống. Tôi thầm nghĩ, nếu ở đây chắc mình sẽ không sống nổi. Vậy mà họ - những cán bộ, công nhân, người dân vùng đất ấy ai cũng vui vẻ, lạc quan, yêu đời, góp phần xây dựng vùng “phên dậu” của Tổ quốc.
Nghề báo là vậy, cuộc đời là những chuyến đi và còn rất nhiều chuyến đi đã để nhớ, để thương trong tôi. Có những chuyến đi, tôi “bội thu” tin, bài, ảnh chất lượng, được bạn đọc đón nhận, song cũng không hiếm chuyến đi “trắng tay” bởi nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, có một điều tôi chắc chắn rằng thời gian công sức mà mình bỏ ra không hề uổng phí bởi mỗi chuyến đi đã giúp tôi có thêm nhiều hiểu biết về những vùng đất, con người nơi tôi đến.
Vì vậy, cho dù có cực khổ, tôi vẫn luôn thầm cảm ơn nghề báo đã cho tôi có những chuyến đi; mỗi vùng đất tôi đến, mỗi con người tôi gặp, mỗi hoàn cảnh tôi được tiếp xúc…đều luôn mới mẻ, giúp tôi hiểu hơn về cuộc đời để trưởng thành hơn, vững vàng hơn.
Thuỳ Hương