Ngày việc làm

22/05/2023 06:01

Một công việc tốt có thể làm thay đổi cuộc sống một cá nhân, một gia đình. Và những công việc phù hợp có thể thúc đẩy cả cộng đồng, xã hội cùng phát triển.

Ngày việc làm năm nay thu hút 37 doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh đăng ký, với nhu cầu tuyển dụng hơn 3.200 vị trí việc làm trong tỉnh, ngoài tỉnh và làm việc có thời hạn ở nước ngoài (trình độ đại học 163 việc làm, cao đẳng 384 việc làm, trung cấp và sơ cấp 670 việc làm, lao động phổ thông 1.987 việc làm).

Trong đó, các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 941 người, ngoài tỉnh 1.063 người, làm việc có thời hạn ở nước ngoài hơn 1.200 người.

Nhưng vào ngày diễn ra (17/5), chỉ có 12 doanh nghiệp, đơn vị trực tiếp tham gia tuyển dụng lao động. Các doanh nghiệp, đơn vị còn lại ủy quyền cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trực tiếp tư vấn, giới thiệu và tuyển hơn 2.100 việc làm.

Tỷ lệ lao động tự tìm việc ở nông thôn cao, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng việc làm. Ảnh: H.L

 

Không khó để nhận thấy sự háo hức, mong chờ tìm được việc làm phù hợp ở nhiều người. Theo thống kê, có hơn 350 đoàn viên, thanh niên, người lao động có nhu cầu tìm việc tham gia Ngày việc làm.

Tuy nhiên tỷ lệ lao động được tuyển dụng ngay tại sự kiện không cao như kỳ vọng. Đây là tình hình chung của Ngày việc làm mỗi năm.

Đơn cử Ngày việc làm năm 2022, trong số 570 lao động được các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn trực tiếp chỉ có gần 20% lao động phỏng vấn thành công, được tuyển dụng, với 8 lao động đáp ứng yêu cầu xuất khẩu lao động (tại Đài Loan); 60 lao động được tuyển dụng đi làm việc tại tỉnh Bình Dương.

Tôi từng khuyến khích cháu mình- một sinh viên ngành Lâm sinh mới ra trường- tham gia Ngày việc làm năm 2022, thay vì chỉ “sục sạo” trên mạng. Do nể ông chú (là tôi), nên cháu đến Ngày việc làm với tâm lý “thử xem sao”.

Nhưng rõ ràng cơ hội dành cho cháu không nhiều. Bởi bên cạnh những tiêu chuẩn chung về trình độ, bằng cấp, sức khỏe, nhân thân, hầu hết nhà tuyển dụng đều có những yêu cầu riêng cho các vị trí, kể cả lao động phổ thông.

Như trong lĩnh vực nông nghiệp, trước đây tuyển dụng nhiều nhân công phổ thông, dùng sức lực là chủ yếu, thì nay đòi hỏi có khả năng vận hành máy móc, các hệ thống tự động ở các trang trại nông nghiệp công nghệ cao; khả năng tham gia và xử lý thông tin thị trường, khách hàng, sử dụng mạng xã hội như một công cụ kinh doanh.

Việc làm là nền tảng căn bản cho phát triển, mang lại nhiều lợi ích to lớn, có vai trò quan trọng trong quá trình giảm nghèo. Nhưng tôi cho rằng, để có thể tìm được việc làm tại các sự kiện, như Ngày việc làm chẳng hạn, người lao động cần nhiều thứ hơn là chỉ đến điền phiếu nhu cầu tìm việc và phấp phỏng chờ.

Bởi không thể phủ nhận thị trường việc làm hiện nay đang có sự chuyển dịch rõ rệt về hình thức và chất lượng việc làm. Kèm theo là gia tăng nhu cầu tuyển dụng từ các lĩnh vực đòi hỏi tay nghề cao, thay vì tuyển dụng lao động phổ thông, hoặc có tay nghề trung bình.

Cần tiếp tục có cơ chế, chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm tốt hơn. Ảnh: HL

 

Những việc làm đòi hỏi “tay nghề thấp”, hay lao động phổ thông, chỉ yêu cầu trình độ học vấn cơ bản là có thể đảm nhiệm được công việc, nhưng đã giảm so với các năm trước.

Điều đáng mừng là, chất lượng nguồn cung lao động trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang dần chuyển biến tích cực, với tỷ lệ lớn được trang bị kiến thức và kỹ năng,  trình độ học vấn cao, trong đó có nhiều sinh viên sắp tốt nghiệp, hoặc thợ lành nghề.

Ngay cả những lao động có nhu cầu tìm việc phổ thông hay xuất khẩu cũng đã có kinh nghiệm và kỹ năng ở lĩnh vực mình đăng ký.

Lực lượng lao động hơn 326 nghìn người (tính đến cuối quý IV năm 2022), với gần 324 nghìn người có việc làm (chiếm 99,33%) đang là nền tảng để làm nên sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Chất lượng lao động tăng, năng suất lao động được cải thiện đi cùng quá trình chuyển đổi sang dịch vụ, chế biến, mức lương tăng đã dẫn tới tỉ lệ nghèo giảm nhanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong những năm gần đây, dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tại, dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, một thực tế đáng lưu ý là lao động nông nghiệp và tự tạo việc làm còn khá phổ biến. Ví dụ, hiện nay lao động có việc làm ở khu vực nông thôn chiếm phần lớn, với 223.895 người (69,18%).

Đa số trong đó làm việc trong nông hộ, doanh nghiệp nhỏ của gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác. Nhiều lao động không có công việc thường xuyên hoặc chỉ làm theo thời vụ.

Không hề lý thuyết khi nói rằng, một công việc tốt có thể làm thay đổi cuộc sống một cá nhân, một gia đình. Và những công việc phù hợp có thể thúc đẩy cả cộng đồng, xã hội phát triển.

Nhưng để tạo ra một thị trường lao động phong phú, có nhiều việc làm tốt, điều quan trọng là chính quyền và ngành chức năng cần xác định rõ những loại việc làm nào có lợi nhất cho phát triển trong hoàn cảnh đặc thù của mỗi địa phương. Đồng thời hiểu rõ thách thức về việc làm cụ thể cho từng vùng.

Từ đó có các chính sách về việc làm, đào tạo lao động phù hợp. Như ở nông thôn, ưu tiên đào tạo nghề, tăng năng suất lao động cho các nông hộ, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác.

Còn ở thành thị, ưu tiên nâng cấp hạ tầng, tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cao tay nghề cho lao động đi kèm các chính sách an sinh xã hội phù hợp khác.

Mặt khác, quan tâm đầu tư vào dạy nghề, nâng cao kỹ năng cho người lao động dưới các hình thức như tư vấn chính sách, hỗ trợ chi phí đào tạo, thông qua đó để tạo việc làm có chất lượng và thu nhập ổn định. 

Về phần mình, người lao động cần quan tâm hơn đến sự phù hợp giữa trình độ với vị trí việc làm mình hướng tới. Tích cực tự trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, bởi bên cạnh trình độ văn hóa, nhà tuyển dụng thường chú ý đến khía cạnh “đã được đào tạo nghề hay chưa”.

Như vậy, tỷ lệ tuyển dụng tại Ngày việc làm hẳn sẽ được cải thiện đáng kể.

Hồng Lam

Chuyên mục khác