12/03/2018 07:00
Người ta nói, ôn cũ để biết mới, nhắc lại vài chuyện cũ để thấy quý những gì đã có và đang có hôm nay ở vùng đất kiên cường này, thêm trân trọng nỗ lực và ý chí vươn lên của người Đăk Sao.
Còn nhớ, năm 2010, cũng thời điểm sau tết (Canh Dần), tôi đưa bạn đồng nghiệp ở Báo An ninh thế giới vào thăm Đăk Sao. "Tôi muốn viết gì đó về sự hồi sinh ở vùng rốn lũ" - anh bạn quả quyết, dù tôi đã can ngăn rằng đường còn rất khó đi.
Chuyến đi ấy, dấu tích tàn phá của cơn bão số 9/2009 vẫn còn hiện diện khắp nơi. Những cánh đồng bị san phẳng, lấp đầy bởi sỏi đá. Những sườn núi bị sạt lở, phô ra bộ mặt nham nhở. Những đoạn đường bê tông bị cuốn trôi, nứt vỡ. Vài ba ngôi nhà xiêu vẹo, trơ khung gỗ chưa tháo dỡ. Chứng kiến cảnh tượng ấy, anh bạn tôi đau lòng mà thốt lên rằng: Tan hoang như thế này thì biết bao giờ Đăk Sao mới gượng dậy được?
|
Nhưng có một hình ảnh mà tôi đưa vào bài viết của mình hết sức trân trọng, ấy là những bóng người đang cặm cụi vét bùn, vác đá để khôi phục lại mảnh ruộng của mình. Và đâu đó, giữa gam màu xám đã có những mảng xanh của lúa đông xuân đang vươn lá, đẻ nhánh.
Dù chưa dám chắc về khoảng thời gian Đăk Sao cần có để gượng dậy, nhưng với sự cần cù, nhẫn nại của người Đăk Sao, tôi tin ngày ấy sẽ đến nhanh thôi, bắt đầu từ những mảng xanh nhỏ bé hôm nay.
Không ai tin vào phép màu, nhưng ai cũng tin rằng, ý chí và nghị lực của con người sẽ làm nên những điều kỳ diệu. Cái mốc thời gian mông lung "biết bao giờ Đăk Sao mới gượng dậy được" không ngờ đã hiện hữu chỉ sau 8 năm nỗ lực.
Sở dĩ tôi dám nói như vậy vì sáng xuân nay, khi đi trên tuyến Tỉnh lộ 678, băng qua những đỉnh núi lớp lớp mây mù giăng, vượt dốc Văn Loan quanh co, không khó để nhận ra một Đăk Sao đang vươn lên từng ngày.
Sự vươn lên ấy không ồn ào, mà âm thầm và kiên trì ở từng góc bếp đang tỏa khói; ở từng mái nhà lợp tôn màu vững chãi; ở từng sườn núi, cánh đồng đã được phủ kín bởi màu xanh của lúa, bắp, mì, cà phê, bời lời, bo bo...
Còn nữa, nhà cửa 2 bên đường được sửa sang ấm cúng hơn; đường liên thôn được mở rộng ra, kéo dài thêm. Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất; biết rào vườn trồng cây ăn quả, nuôi gia cầm, đào ao thả cá..., không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà tự tay xây dựng cuộc sống mới cho mình.
Ngay đầu xã, một quán tạp hóa lớn bày đủ loại hàng hóa, từ dầu ăn, mắm, muối cho đến quần áo, giày dép, điện gia dụng, đồ trang trí nội thất. Chủ quán là một người đàn ông xởi lởi, dễ mến, nhưng quyết giấu tên mình khi được hỏi. "Quán tôi phục vụ đủ thứ, bà con không phải đi ra Đăk Tờ Kan hay Đăk Trăm mua hàng nữa"- anh khoe.
Theo như Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã- Nguyễn Ngọc Quyền thì đến nay trên địa bàn xã đã có 42 hộ kinh doanh, buôn bán, chủ yếu là bán tạp hóa và thu mua nông sản. So với các xã thuận lợi thì không đáng kể, nhưng với một xã vùng sâu như Đăk Sao, con số ấy cho thấy đời sống kinh tế ở đây đã có "lối mở", không còn khép kín, tự cung tự cấp nữa. Sự giao thương hàng hóa đã và đang thúc đẩy sản xuất phát triển.
Tôi rất ấn tượng với thông tin nhanh từ Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Quyền rằng hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu năm 2017 xã đều đạt và vượt kế hoạch. Toàn xã đã có 575ha cây hàng năm, trong đó có 228,1ha lúa nước (đạt 124,6% kế hoạch), 109ha lúa rẫy (160% kế hoạch), 88,8ha bắp (109% kế hoạch), 257,7ha mì (226,5% kế hoạch); 705,5ha cây lâu năm, gồm 472ha bời lời, hơn 96ha cà phê xứ lạnh, hơn 43ha bo bo... Tổng đàn gia súc, gia cầm đạt hơn 9.626 con, riêng đàn trâu bò là 2.176 con.
Lĩnh vực y tế, giáo dục có bước phát triển tích cực. Trạm y tế xã đã có bác sĩ đa khoa, được đầu tư xây dựng với 5 giường bệnh. Xã đã hoàn thành chương trình xóa mù chữ, phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, duy trì chất lượng phổ cập Trung học cơ sở; hàng năm tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt trên 90%...
Nghe có vẻ lạ, nhưng phấn khởi nhất là tổng dư nợ ngân hàng trên địa bàn xã đã tăng cao trong năm 2017, đạt hơn 19 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn vốn vay Hội Nông dân và vốn vay Hội Phụ nữ. Như vậy là bà con ta đã thay đổi tư duy, biết và dám vay vốn làm ăn. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo từ việc mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc. Đây thật sự là cuộc "cách mạng" trong tư duy người dân Đăk Sao.
Tất nhiên, nói gì thì nói, Đăk Sao vẫn thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (523/788 hộ, chiếm 66,3%). Vì vậy, bài toán giảm nghèo đang đòi hỏi nỗ lực lớn lao của cả hệ thống chính trị và người dân, mà cần nhất là xác định được hướng đi phù hợp.
Không có được điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển cây dược liệu, trồng rừng nguyên liệu giấy như 7 xã phía đông, nên Đăk Sao đã định hình cho mình hướng phát triển phù hợp, đó là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó giữ ổn định diện tích trồng mì, ưu tiên phát triển diện tích cà phê xứ lạnh, bời lời và chăn nuôi gia súc - Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Quyền cho biết.
Trước cổng UBND xã, tôi gặp một người phụ nữ hai tay xách 2 túi nilon đi trên đường, hỏi rằng "đi đâu về mà nhiều túi thế?”. Chị vui vẻ đáp rằng "đi đổi hàng về". Thì ra là chị Y Pan ở làng Kon Cung đem vỏ bời lời ra bán cho quán tạp hóa, rồi mua bột ngọt, muối về. "Bây giờ hàng hóa trao đổi, mua bán dễ dàng hơn nhiều"- chị phấn khởi nói.
|
Đúng là vậy, nhưng vấn đề là bà con ta phải tích cực tham gia trồng và chăm sóc bời lời nhé, cả cà phê nữa- tôi "vận động". Nhớ rồi. Cán bộ xã cũng nói vậy, bà con mình cũng sẽ làm như vậy- chị Y Pan cười...
Thành Hưng