“Ngày mới” nơi biên giới - Kỳ III: Xây dựng thôn làng không phong tục, tập quán lạc hậu

09/10/2021 06:56

Bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng với phương châm “3 bám, 4 cùng”, “gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, những người lính quân hàm xanh đã và đang giúp người dân nơi biên giới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Xác định để giúp nhân dân khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, vấn đề hết sức quan trọng là phải xóa bỏ được các phong tục, tập quán lạc hậu, những năm qua, góp sức cùng cả hệ thống chính trị, cán bộ chiến sĩ BĐBP tỉnh với phương châm “3 bám, 4 cùng”, “gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” đã đẩy mạnh các hoạt động, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Đến nay, cơ bản các xã biên giới đã xóa bỏ hoàn toàn các phong tục, tập quán lạc hậu, chỉ còn lại một vài xã. Bộ mặt nông thôn khu vực biên giới theo đó cũng có bước khởi sắc vượt bậc. Từ trung tâm thành phố Kon Tum đến xã biên giới xa nhất bây giờ cũng chỉ mất vài ba tiếng xe chạy. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên tuyến biên giới không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo từ trên 50% năm 2000, đến nay giảm xuống còn 11,2%. Hiện có 4/13 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới (Đăk Dục, Đăk Nông, Đăk Xú, Pờ Y của huyện Ngọc Hồi), các xã còn lại đều đạt từ 13-16 tiêu chí.

Quyết tâm sớm xóa bỏ hoàn toàn phong tục, tập quán lạc hậu trên tuyến biên giới, đồng thời triển khai thực hiện Kết luận 08-KL/TU ngày 24/2/2021 về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo” trên địa bàn tỉnh của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại chuyến thăm, làm việc với các xã biên giới, các đồn Biên phòng vừa qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào DTTS gắn với thực hiện Cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững trên khu vực biên giới, giai đoạn 2021-2025.

Trung tá Võ Văn Cường và Thiếu tá Nguyễn Văn Hội xuống thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong nắm bắt tình hình thôn và tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu. Ảnh: Tất Thành

 

Đại tá Lê Minh Chính - Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đề ra quyết tâm phấn đấu chậm nhất đến năm 2025, xóa bỏ hoàn toàn các phong tục, tập quán lạc hậu trên tuyến biên giới theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp thiết, phải tập trung thực hiện với quyết tâm cao, Đảng ủy đã đưa vào Nghị quyết lãnh đạo; đồng thời, Bộ Chỉ huy đã ban hành kế hoạch số 2422, ngày 29/7/2021 về tuyên truyền, vận động xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào DTTS gắn với thực hiện Cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững trên khu vực biên giới tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, BĐBP tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo gồm 52 đồng chí do đồng chí Phó Chính ủy làm Trưởng ban để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các đồn Biên phòng quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn các phong tục, tập quán lạc hậu đang còn tồn tại. Đồng thời, thành lập các tổ, nhóm tuyên truyền, vận động là cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trên khu vực biên giới, nhất là cán bộ, đảng viên, đồng bào người DTTS.

Địa bàn triển khai được xác định là toàn diện trên 13 xã biên giới của tỉnh, trong đó tập trung vào 2 xã Đăk Plô và Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei. Thời gian tuyên truyền được duy trì thường xuyên liên tục, tập trung vào các đợt cao điểm, dịp sơ, tổng kết mô hình, phong trào, cuộc vận động tại địa phương.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo 100% đồn Biên phòng tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ các xã biên giới tổ chức phát động thực hiện Cuộc vận động này, đồng thời tuyên truyền, phổ biến nội dung Cuộc vận động đến 100% hộ dân.

2 hình thức tuyên truyền được xác định là tuyên truyền miệng (tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung, kết hợp trình chiếu Powerpoint, video clip minh họa, hoạt động giao lưu, biểu diễn văn nghệ; tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện truyền thanh của xã, thôn (làng), loa di động; thông qua sổ tay tuyên truyền đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân) và tuyên truyền trực quan (bằng hệ thống bảng tin, pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu; triển khai các mô hình, gương cá nhân, tập thể điển hình vận động nhân dân làm theo).

Bộ đội Biên phòng phối hợp với Trưởng thôn Đăk Book, xã Đăk Plô để tuyên truyền, vận động người dân. Ảnh: Tất Thành

 

Căn cứ vào tình hình biên giới, địa bàn, nhân dân và chức năng, nhiệm vụ của BĐBP, Ban Chỉ đạo, cấp ủy, đồn trưởng, chính trị viên, cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên đội công tác địa bàn trên cơ sở kế hoạch chung của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để triển khai thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, tranh thủ và phát huy tốt vai trò của đội ngũ già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, chức sắc, chức việc tôn giáo, đội ngũ cán bộ thôn, xã là người DTTS để làm nòng cốt trong tuyên truyền vận động người dân từ bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chăm chỉ lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững, bởi đây là những người gần gũi, gắn bó và hiểu rõ phong tục tập quán, nếp nghĩ, cách làm của bà con nên nói người dân nghe, làm theo.

Nội dung tuyên truyền, vận động tập trung vào đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của Tỉnh ủy và các cấp, các ngành có liên quan đến công tác dân tộc để nâng cao ý thức, trách nhiệm từ đó thay đổi nhận thức, từ bỏ các tập tục không phù hợp với nếp sống văn hóa mới, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.

Đồng thời, hướng dẫn các đồn Biên phòng tham mưu, phối hợp xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; phát huy vai trò của cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy, HĐND, cán bộ tăng cường xã, đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn (làng) và đảng viên phụ trách các hộ gia đình.

Chủ động tham mưu, phối hợp với địa phương thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Gắn tuyên truyền, vận động xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu với thực hiện có hiệu quả các phong trào, chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế, giảm nghèo của BĐBP đang triển khai trên khu vực biên giới như: Phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, “BĐBP chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Chương trình “Nâng bước em tới trường”; Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”; “Đảng viên đội công tác địa bàn tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn (làng), kết nghĩa giúp đỡ hộ gia đình trên khu vực biên giới vươn lên thoát nghèo”, “Đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình trên khu vực biên giới”; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp người DTTS kết nghĩa, giúp đỡ hộ gia đình người DTTS nghèo...

Sau những ngày mưa dầm dề, sáng nay nơi biên giới Đăk Glei trời trong xanh, nắng vàng như mật. Xe chúng tôi lướt nhanh về thành phố, ngang qua những cánh đồng lúa chín vàng óng, trĩu hạt đang chờ thu hoạch. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự tận tâm, tận lực, bền bỉ, kiên trì của các chiến sĩ quân hàm xanh, những phong tục, tập quán lạc hậu dù có như “rễ cây rừng xuyên vào đá núi” trong tiềm thức của đồng bào các DTTS ở huyện Đăk Glei nói riêng, trên toàn tuyến biên giới Kon Tum nói chung cũng sẽ nhanh chóng được xoá bỏ, cuộc sống của đồng bào nơi “phên dậu” của Tổ quốc càng thêm ấm no, hạnh phúc hơn.

Tất Thành - Dương Nương

Chuyên mục khác