“Ngày mới” nơi biên giới - Kỳ II: Xóa bỏ “lô cốt” hủ tục cuối cùng

08/10/2021 13:28

Thấy rõ hậu quả nặng nề do phong tục, tập quán lạc hậu đối với người dân, cùng với những kinh nghiệm đúc rút từ những thành công đã đạt được, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nêu cao quyết tâm sớm xóa bỏ những “lô cốt” hủ tục còn sót lại. Quyết tâm ấy được đẩy lên cao độ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận 08-KL/TU ngày 24/2/2021 về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh.

Thượng tá Phạm Văn Lâm - Chủ nhiệm Chính trị BCH BĐBP tỉnh chia sẻ: Chứng kiến đời sống bà con khó khăn, hủ tục và tập quán lạc hậu vẫn còn, chúng tôi hết sức trăn trở và quyết tâm tuyên truyền, vận động xóa bỏ hoàn toàn. Trước khi tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục nào đó, anh em bàn bạc thống nhất cách làm, nhưng hành động thế nào để người dân nhận thức được, để cả cộng đồng chấp nhận từ bỏ một tập tục đã tồn tại bao đời nay trong tư duy cổ hủ của người lớn tuổi có uy quyền trong dòng tộc như già làng, thôn trưởng, người có uy tín thì không hề dễ dàng; phải có quyết tâm, trách nhiệm và đặc biệt phải có được lòng tin, sự cảm phục của dân làng bằng những việc làm cụ thể, gần gũi, thiết thực để mọi người tin, chấp nhận và làm theo.

Với quyết tâm cao, Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo Đồn Biên phòng Đăk Nhoong, Đồn Biên phòng Đăk Blô phối hợp với cấp ủy chính quyền 2 xã nơi đứng chân và Ban nhân dân các thôn triển khai cuộc tổng rà soát, thống kê những phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại, từ đó lên kế hoạch “tác chiến” cụ thể.

Từ thực tiễn, các đơn vị xác định, “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào) là phương châm tiếp tục được đặt ra trong “trận chiến” xóa bỏ những “lô cốt” hủ tục cuối cùng này. Các đồn xây dựng kế hoạch hành động chi tiết đối với từng hủ tục và sát với tình hình thực tế từng thôn, từng đối tượng, theo hướng “dễ làm trước, khó làm sau”.

Gắn bó lâu năm với người dân nơi biên giới, Trung tá Võ Văn Cường - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) chia sẻ: Cái khó ở đây là các tập quán lạc hậu đã “ăn sâu, bám rễ” vào nếp nghĩ của bà con, nhất là đối với người lớn tuổi, người có uy tín trong cộng đồng. Nhiều người không thừa nhận đó là những tập quán lạc hậu đem đến những hậu quả nặng nề, nên khi nói tới là né tránh, không nghe, không tiếp chuyện, xua đuổi thậm chí là chửi bới... Khó khăn là thế nhưng chúng tôi không nề hà, quản ngại khó khăn, quyết tâm làm tốt những giải pháp đề ra để xóa cho được tập quán lạc hậu…

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ hủ tục, chăm lo trồng trọt, chăn nuôi, nuôi dạy con cái. Ảnh: Tất Thành

 

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô giúp người dân chăm sóc cà phê. Ảnh: Tất Thành

 

Trên cơ sở chương trình hành động đã đề ra, các tổ đội công tác tỏa xuống cơ sở phối hợp với cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể xã, trước hết là tuyên truyền, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của già làng, người có uy tín, trưởng thôn; vận dụng linh hoạt các biện pháp tuyên truyền (bằng loa truyền thanh xã, thôn; loa di động đến từng hộ gia đình; tuyên truyền trực quan bằng bảng tin, pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu); áp dụng kinh nghiệm tại 11 xã biên giới và với ngay tại 2 xã Đăk Nhoong và Đăk Plô trong vận động xóa bỏ một số phong tục, tập quán lạc hậu trước kia như: Đưa cán bộ, chiến sĩ là người DTTS tại chỗ hoặc biết nói tiếng địa phương, có kinh nghiệm trong công tác dân vận xuống thôn cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào với dân, vừa nắm tình hình vừa vận động người dân thay đổi nếp nghĩ trước, thay đổi cách làm sau; cử đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn; xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế như nuôi bò sinh sản, trồng sâm dây, cây ăn quả...

Trời chiều biên giới bắt đầu chuyển tối, chúng tôi theo chân Thiếu tá Nguyễn Văn Hội (Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Đăk Nhoong) xuống thôn Đăk Nớ, bởi theo anh thì giờ này bà con mới đi làm rẫy về, mới gặp được để tuyên truyền, vận động và nắm tình hình trong thôn.

Đang chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình, thấy Bộ đội Biên phòng tới nhà, ông A Méo và bà Y Miên niềm nở đón khách. Khi được hỏi về việc gia đình ông “tiên phong” trong việc không bắt con dâu cõng củi hứa hôn, ông A Méo nói mà như “khoe”: Nhờ Bộ đội Biên phòng cả đấy. Bộ đội bảo 2 con có hạnh phúc hay không phụ thuộc vào tình cảm của chúng nó chứ không phải là nhờ cõng nhiều củi đâu. Cõng nhiều củi là phá nhiều rừng lại tốn kém về kinh tế, chỉ khổ 2 đứa sau này phải trả nợ thôi.

Ông A Méo “minh chứng”: Tháng 5 vừa rồi, con trai mình là A Thức cưới vợ, theo tục lệ của dân tộc Giẻ, con dâu Y Bảo phải cõng ít nhất 200 bó củi, nhưng Y Bảo là người dân tộc Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông không có tục cõng củi hứa hôn nên nghe theo lời bộ đội, nhà mình không bắt buộc. Dân làng có người ác ý nói không cõng củi thì không hạnh phúc nhưng mình không còn tin điều đó. Không phải cõng củi, con mình đỡ tốn công sức, đỡ gặp nguy hiểm khi phải đi dài ngày tận trong rừng sâu để kiếm củi. Các con mình hiện đang sống hạnh phúc.

Khi được hỏi về “kỷ niệm không quên” trong vận động quần chúng, Thiếu tá Nguyễn Văn Hội cười hiền: Kỷ niệm thì nhiều lắm nhưng nhớ nhất là chuyện ông A Đom (sinh 1947), ở thôn Đăk Ga bị đau bụng dữ dội, nhưng không đi khám, điều trị mà cứ đau là lại mời thầy cúng trong thôn về cúng bái cầu hết bệnh, làm bệnh càng ngày trở nặng. Nắm được thông tin, anh em trong Đồn liên tục tới tận nhà vận động đi bệnh viện, nhưng ông A Đom nhất quyết không đi còn xua đuổi, chửi bới, đóng cổng, đóng cửa không cho vào nhà mặc dù đang rất quý mến và thân thiết với bộ đội.

“Chúng tôi gặp gỡ trao đổi với già làng, trưởng thôn và nhờ người thân trong gia đình cùng phối hợp kiên trì vận động. Ròng rã hơn 3 tháng, ông A Đom mới chịu xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum điều trị. Lúc đó, bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm loét dạ dày nặng phải phẫu thuật. Ông hiện đang sống khỏe mạnh, vui vẻ, giờ thì quý Bộ đội Biên phòng lắm, coi chúng tôi như con cháu trong nhà” - Thiếu tá Nguyễn Văn Hội kể.

Những phong tục, tập quán lạc hậu “bám chắc như rễ cây rừng xuyên vào đá núi” trong tư tưởng của bà con, như những lô cốt không thể công phá, nhưng sống giữa lòng dân, kiên trì bằng những việc làm cụ thể, các chiến sĩ Biên phòng đã tạo được sự tin tưởng, quý mến của nhân dân, từ đó nhân dân nghe theo, từng bước xóa bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu. Những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, gian nan, thử thách vẫn còn nhiều, nhưng các chiến sĩ quân hàm xanh vẫn chắc một quyết tâm, một niềm tin xoá bỏ hoàn toàn phong tục, tập quán lạc hậu.

Tất Thành - Dương Nương

Chuyên mục khác