“Ngày mới” nơi biên giới - Kỳ I: “Nét chì” còn vương

08/10/2021 06:12

Nhằm giúp nhân dân khu vực biên giới có cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, một trong những mục tiêu quan trọng được Bộ đội Biên phòng tỉnh đề ra là xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, giúp bà con xây dựng lối sống văn minh, tiến bộ. Mục tiêu ấy càng được đề cao khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận 08-KL/TU ngày 24/2/2021 về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Các chiến sĩ quân hàm xanh quyết tâm phấn đấu chậm nhất đến năm 2025, xóa bỏ hoàn toàn các phong tục, tập quán lạc hậu trên tuyến biên giới.

Vượt những cung đường xa, gập ghềnh đồi núi, cùng những “ổ trâu”, “ổ voi”, chúng tôi về với 2 xã biên giới Đăk Nhoong và Đăk Plô của huyện Đăk Glei. Theo khảo sát của Bộ đội Biên phòng tỉnh, đây là 2 xã cuối cùng trong số 13 xã biên giới của tỉnh Kon Tum vẫn còn tồn tại những phong tục, tập quán lạc hậu. Trong sự đổi thay, khởi sắc từng ngày trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của các thôn làng khu vực biên giới, thì những phong tục, tập quán lạc hậu nơi đây như những “nét chì” màu xám còn sót lại trên bức tranh đang sáng lên những gam màu tươi tắn.

Nhờ đã hẹn lịch làm việc trước với Đồn Biên phòng Đăk Nhoong, nên vừa đến nơi, chúng tôi đã được Trung tá Võ Văn Cường - Chính trị viên phó của Đồn tiếp đón. Giới thiệu với chúng tôi về địa bàn xã, anh cung cấp vanh vách các số liệu về nhiều lĩnh vực mà không cần nhìn qua sổ sách.

Xã Đăk Nhoong có 700 hộ, chủ yếu là người Giẻ Triêng (chiếm 97% dân số). Vì điều kiện đặc thù là vùng sâu, vùng xa của khu vực biên giới, nên đời sống bà con còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá cao, chiếm khoảng 14%.

Trung tá Võ Văn Cường dẫn chúng tôi đến thôn Đăk Nớ gặp Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn A Leo. Sau cái bắt tay chắc nịch, dăm ba câu xã giao chào hỏi khách, ông A Leo bắt đầu câu chuyện về những hủ tục còn nặng nề trong thôn: Cứ mỗi lần trong nhà có người đau ốm nặng, gia đình sẽ làm một chiếc quan tài bằng gỗ, bé khoảng một bàn tay. Sau đó họ vào rừng chặt một cây thông, chẻ đôi, khoét rỗng ruột mang về nhà, đặt chiếc quan tài vào trong cây thông rồi ốp lại. Khi các công đoạn chuẩn bị đã xong, họ tiến hành các nghi thức cúng bái, lấy máu gà bôi lên cây thông, sau đó để “bất di bất dịch” trong nhà đến suốt đời…

Ông A Leo cho biết, cho đến hiện tại, gần như 100% số hộ trong thôn vẫn duy trì tục lệ này. Dù không ảnh hưởng nhiều về kinh tế, tuy nhiên, điều đáng nói là, sau khi làm nghi thức, bà con tin rằng bệnh sẽ tự động khỏi mà không cần phải đến bệnh viện hay sử dụng thuốc chữa trị.

Dừng câu chuyện chừng vài giây, ông A Leo lại tiếp tục: Đó là với những trường hợp bệnh nặng, còn khi trong nhà có người hay bị đau ốm, gia đình sẽ cúng dê. Con dê sau khi mổ xong, bà con lấy phần đầu rồi dùng dây rừng buộc lên sừng đem nối với cây nứa. Bước cuối cùng là đặt một đoạn chỉ trắng lên đầu con dê, rồi dùng củi than cháy đỏ để đốt cả sợi chỉ lẫn lông của con dê đến khi cháy hết. Trong suốt quá trình thực hiện nghi lễ, cả gia đình sẽ ngồi xung quanh cây nứa và cầu khấn… Hoàn tất nghi thức, tất cả các thành viên sẽ rời đi khoảng 2 -3 phút, sau đó trở lại lấy đầu con dê đem thui. Phần thịt được gia đình sử dụng để ăn, còn phần xương sọ sẽ lấy treo trong nhà như một cách xua đuổi bệnh tật.

Không chỉ những tập tục trên, theo Trung tá Võ Văn Cường, hiện trên địa bàn xã Đăk Nhoong vẫn còn một số tập tục lạc hậu khác như cúng trời, cúng đất. Các tập tục này gây nhiều tốn kém về kinh tế, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, lao động hàng ngày của bà con.

Gặp gỡ ông A Thơ, trưởng thôn Đăk Nhoong, ông cho biết: Theo tập tục của bà con, cúng trời và cúng đất thường được tổ chức 2 – 3 năm một lần, nhằm cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu. Đối với cúng đất, bà con chỉ cúng theo hình thức tập thể trong làng. Còn với cúng trời, bà con vừa cúng theo hình thức tập thể, vừa theo cá nhân từng hộ gia đình. Lễ vật thường được chọn là trâu hoặc bò, bà con phải cùng nhau đóng góp tới hàng chục triệu đồng để mua, trong khi đời sống của bà con còn rất nhiều khó khăn.

Rời xã Đăk Nhoong, chúng tôi tiếp tục chuyến đi đến xã Đăk Plô. Đây là địa bàn đứng chân của Đồn Biên phòng Sông Thanh và Đồn Biên phòng Đăk Blô. Xã có 441 hộ dân chủ yếu là người Giẻ Triêng (chiếm 98%), tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 21%.

Theo chân Trung úy A Thuốc (Đồn Biên phòng Đăk Blô), chúng tôi đến với thôn Bung Koong để tìm hiểu về tập tục cõng củi hứa hôn của bà con Giẻ Triêng nơi đây.

Củi hứa hôn được chất thành từng khối lớn bên hiên nhà ở làng Bung Koong, xã Đăk Plô. Ảnh: Tất Thành

 

Cốc…cốc…cốc… Nghe tiếng gõ cửa, bà Y Liêng tất tả ra mở cửa. Trông thấy khách lạ, bà khá lúng túng, ngập ngừng, nhưng khi nhìn thấy A Thuốc, bà sớm lấy lại bình tĩnh, đon đả mời mọi người vào nhà.

Từ câu chuyện bên chén trà, chúng tôi biết được, bà Y Liêng mới có con dâu được 3 năm nay. Đó là con trai A Cúc cưới vợ là Y Chim. Cũng giống như tập tục bao đời nay trên mảnh đất này, mỗi khi quyết định chuyện hôn sự, cưới hỏi, nhà gái phải cõng củi dẻ đến cho nhà trai. Căn cứ vào điều kiện gia đình, số lượng thành viên trong nhà trai mà nhà gái sẽ chuẩn bị số lượng củi dẻ tương ứng. Số bó củi chẻ càng đẹp và xếp khéo bao nhiêu, chứng tỏ người phụ nữ càng khéo tay và đảm đang bấy nhiêu.

Bà Y Liêng (thôn Bung Koong) bên đống củi do con dâu Y Chim cõng khi về làm dâu. Ảnh: Tất Thành

 

Dẫn chúng tôi ra bên hông nhà, bà Y Liêng chỉ tay vào chồng củi được che đậy cẩn thận: Tất cả đều là của Y Chim cõng tới đấy. Tổng cộng 200 bó, đều là củi dẻ hết. Bây giờ củi dẻ hiếm lắm, trong rừng cạn kiệt hết rồi.

Cõng càng nhiều củi thì đồng nghĩa với việc phá càng nhiều rừng. Vì vậy tập tục “cõng” củi hứa hôn không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến tài nguyên rừng, còn khiến nhà gái mất thời gian, công sức chuẩn bị, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng khi vào rừng sâu kiếm củi, mà nhà trai cũng tốn kém không ít khi phải “đáp lễ”. Tùy điều kiện gia đình, nhiều thì phải “nướng” (mổ) 1 con trâu, 1 con bò, 3 con heo, 200-300 con gà, 30 thùng bột ngọt, 20 bao muối khiêng qua nhà gái hoặc ít cũng phải “đổi” 50 ngàn đồng cho mỗi bó củi.

Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng tỉnh, đồng bào Giẻ Triêng ở Đăk Nhoong và Đăk Plô có nhiều phong tục, lễ hội giàu bản sắc văn hóa như mừng lúa mới, múa cồng chiêng, mừng khánh thành nhà rông, xây dựng kho lúa truyền thống... Tuy nhiên, ở 2 xã biên giới này vẫn còn tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng tới kinh tế, chưa phù hợp với nếp sống văn hóa mới… cần sớm được xóa bỏ.

Tất Thành - Dương Nương

Chuyên mục khác