Ngày hội văn hóa các dân tộc 2019: Đa dạng sắc màu văn hóa

02/12/2019 06:01

Diễn ra trong 2 ngày 27-28/11 tại huyện Kon Plông, Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum năm 2019 có sự tham gia của 9 đơn vị với trên 200 nghệ nhân của 28 dân tộc anh em; trong đó có 7 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Mâm và H’rê.

Kon Tum là một tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Truyền thống ấy được kết tinh thành nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn từ bao đời nay. Ngày hội văn hóa là nơi hội tụ, tỏa sắc, khoe hương của những bản sắc văn hóa ấy, tạo nên bức tranh đa dạng, phong phú về văn hóa thêm rực rỡ, sống động.

Tại Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum năm 2019, các đoàn nghệ nhân đã trình diễn hàng chục tiết mục đàn hát dân ca, hát giao duyên, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, các bài cồng chiêng múa xoang..., tái hiện các nghi lễ, lễ hội truyền thống, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc; phản ánh một cách sinh động về cuộc sống, lao động, sản xuất và đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Các nghi lễ, lễ hội đều thể hiện văn hóa, đời sống của từng dân tộc qua mỗi làn điệu, lời ca; từ đó, giới thiệu những văn hóa riêng, độc đáo của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đến với bạn bè, du khách tham dự sự kiện Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum năm 2019.

Đoàn nghệ nhân dân tộc Ba Na Rơ Ngao huyện Đăk Hà biểu diễn tại Ngày hội. Ảnh: QĐ

 

Tiết mục đàn hát giao duyên của đoàn nghệ nhân huyện Kon Rẫy. Ảnh: QĐ

 

Đó là màn trình diễn hòa tấu nhạc cụ chiêng treo “Mừng nhà rông mới” của đoàn nghệ nhân dân tộc Ba Na ở huyện Đăk Hà. Hay là lời tỏ tình, thể hiện tình yêu đôi lứa trong đêm trăng giữa đại ngàn của cặp đôi nghệ nhân A Nhỡ và Y Triêng của đoàn nghệ nhân dân tộc Ba Na ở huyện Kon Rẫy.

Khán giả còn được thưởng thức những giai điệu ngọt ngào, yêu thương qua màn trình diễn của đoàn nghệ nhân dân tộc Xơ Đăng ở huyện Kon Plông với 2 tiết mục, hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Mừng hội làng” và hát dân ca “Tình yêu”. Trong khi đó, đoàn nghệ nhân dân tộc Kinh của thành phố Kon Tum đem đến cho người xem 2 tiết mục “Làng quan họ quê tôi” và  “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang”.

Tình yêu quê hương, đất nước, lòng biết ơn đối với Đảng, Bác Hồ đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, mang lại hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc cũng được các nghệ nhân thể hiện qua các tiết mục đàn, hát dân ca. Đó là, hát dân ca “Ca ngợi quê hương Đăk Glei”, hòa tấu nhạc cụ “Nhớ ơn Đảng, Bác Hồ” của đoàn nghệ nhân dân tộc Giẻ - Triêng ở huyện Đăk Glei; hay tiết mục hát dân ca “Mời rượu” của đoàn nghệ nhân dân tộc Thái ở huyện Ia H’Drai; hòa tấu nhạc cụ “Chim đầu đỏ” của đoàn nghệ nhân dân tộc Giẻ - Triêng ở huyện Ngọc Hồi; hòa tấu nhạc cụ “Mừng lúa mới”, hát dân ca “Gặp em trên rẫy” của đoàn nghệ nhân dân tộc Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông; hòa tấu nhạc cụ “Đi làm dân vận” của đoàn nghệ nhân dân tộc Gia Rai ở huyện Sa Thầy...

Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Đến với Ngày hội, người dân các dân tộc của các huyện, thành phố mang những giá trị văn hóa tinh túy, thực chất và tốt đẹp nhất của dân tộc mình để cùng giao lưu.

Mặt khác, Ngày hội là dịp để các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, từ đó nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình; góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống; cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng ổn định, phát triển phồn vinh, thịnh vượng.

Trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa các dân tộc, tối 27/11, UBND tỉnh tổ chức Lễ vinh danh, trao tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” cho 31 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản phi vật thể của tỉnh Kon Tum.

Quang Định

Chuyên mục khác