Ngày hội nhỏ, niềm vui lớn

21/04/2018 07:37

​Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ V này, hàng loạt các hoạt động: ngày hội đọc sách, kể chuyện theo sách, viết về cuốn sách em yêu… đã được các cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức thu hút đông đảo các độc giả - đặc biệt ở lứa tuổi học sinh tham gia.

Những ngày hội sách

Sáng 18/4, 100% học sinh (837 em) của Trường Tiểu học Ngô Quyền (thành phố Kon Tum) háo hức tham gia ngày hội đọc sách với chủ đề “Sách vừa là bạn, vừa là thầy” do nhà trường phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức.

Trong ngày hội này, nhà trường đã chuyển gần 900 bản sách từ thư viện nhà trường xuống tận các lớp để không chỉ các em học sinh mà các thầy cô giáo, nhân viên và các sinh viên đang thực tập tại trường cùng trải nghiệm ngày hội với các em.

Đồng thời, cũng tại ngày hội này, Thư viện tỉnh đã giới thiệu với các em học sinh trong trường các mô hình sách đẹp, nhiều ý nghĩa tạo cho các em niềm hứng khởi với sách.

Các em họ sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền háo hức tham gia Ngày hội sách

 

Cô Đặng Thị Kim Loan – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ V, ngoài ngày hội đọc sách do nhà trường phối hợp Thư viện tỉnh tổ chức thì nhà trường còn tổ chức Hội thi kể chuyện theo sách cấp trường vào ngày 16/4. Hội thi đã có 10 em tham gia (mỗi khối 2 em). Điều đáng mừng là qua hội thi, các em đã kể nhiều câu chuyện hay, sinh động, mang lại nhiều cảm xúc cho không chỉ các học sinh mà còn cả thầy cô giáo. Có em còn biết vận dụng để rút ra bài học cho bản thân từ những câu chuyện kể nên mang tính giáo dục rất cao.

Không chỉ ở những vùng thuận lợi, hưởng ứng Ngày Sách năm nay, lần đầu tiên, Trường THCS Đăk Blô, huyện Đăk Glei cũng đã tổ chức Ngày hội đọc sách với chủ đề “Sách niềm tin và trí tuệ”.

Theo thầy Trần Nhật Lam - Hiệu trưởng nhà trường, trường có 76 em học sinh ở 4 lớp của 4 khối 6, 7, 8, 9. 100% các em là người dân tộc thiểu số. Để tổ chức được ngày hội này, nhà trường đã phân công giáo viên chủ nhiệm chọn học sinh và cùng với các em chọn cuốn sách để giới thiệu, kể.

“Học sinh nơi đây còn nhút nhát, e dè. Để các em đứng trước đám đông, kể được câu chuyện diễn cảm, đi kèm với sự biểu cảm của gương mặt, của  động tác là vô cùng khó khăn. Các thầy cô giáo chủ nhiệm đã hướng dẫn cho các em từ chọn sách, cách thể hiện, biểu cảm; rồi tập cho các em cách giới thiệu, kể chuyện trước lớp để làm quen. Đến sáng 16/4 – khi nhà trường tổ chức ngày hội, các em đã dạn dĩ, đứng giới thiệu trước toàn trường một cách mạch lạc, xúc cảm” – thầy Lam kể.

Được sự hướng dẫn, động viên, hỗ trợ của các thầy cô, lần đầu tiên, 4 em học sinh ở 4 khối lớp giới thiệu 4 cuốn sách trước toàn trường.

“Để lại nhiều cảm xúc nhất trong ngày hội này không chỉ cho các em học sinh mà còn cho cả các thầy, cô giáo trong trường là phần giới thiệu cuốn sách “Lính Trường Sơn kể chuyện Trường Sơn” do em Y Ngõng, học sinh lớp 8 thể hiện. Cảm xúc có thể một phần xuất phát từ những câu chuyện kể trong cuốn sách này vốn là câu chuyện chân thực của nhà báo Phạm Thành Long – trước đây là một người lính – rất phù hợp với lối kể chuyện thật thà của các em học sinh nơi đây; nhưng, phần khác có lẽ vì chúng tôi như đang được hòa trong không khí sống động của những người lính Trường Sơn kể về Trường Sơn – nơi mà chúng tôi cũng như các em đang sinh sống, học tập, giảng dạy” – thầy Lam nói.

Và tất nhiên, theo thầy Lam, vì lần đầu tổ chức, vì số lượng các em tham gia còn ít nên nhà trường không trao giải, chỉ tặng các phần quà bánh cho các em liên hoan vui ngày hội. Nhưng, niềm vui lớn, giá trị lớn mang lại qua ngày hội này là không chỉ giúp các em tạo thói quen đọc sách để nâng cao kiến thức mà còn giúp các em dần hình thành văn hóa đọc.

Phía sau ngày hội

Quy mô đa dạng, phù hợp điều kiện tổ chức và đối tượng là điểm chung mà những ngày hội đọc sách, những hội thi kể chuyện theo sách, những đợt trưng bày chuyên đề về sách, những ngày hội bạn đọc… do các trường học, phòng Văn hóa thông tin các huyện, thành phố, các thư viện tổ chức trong dịp này

Và không thể phủ nhận rằng, những ngày hội đọc sách nhỏ như vừa kể đã góp phần giúp sách lan tỏa, len lỏi sâu hơn trong đời sống, thúc đẩy nhu cầu mua sách, đọc sách của người dân – đặc biệt là các em học sinh, lứa tuổi đang cần sự bồi đắp về tri thức và nhân cách.

Vấn đề được đặt ra là, phía sau những ngày hội này, niềm đam mê, tình yêu với sách có được thắp lửa?

Thực tế, có những nghịch lý vẫn tồn tại. Khi trên bục, các bạn say sưa với những câu chuyện kể, thì bên dưới, vẫn có không ít học sinh chẳng mấy mặn mà, thầm thì kể những câu chuyện ngoài lề.

Khi cán bộ các thư viện, giáo viên, nhân viên các trường nỗ lực đưa sách xuống tận lớp học thì không ít em lại cầm một vài cuốn sách lên một cách chiếu lệ, lật lật dăm ba trang, rồi hững hờ đặt xuống.

Khi nhà trường phát động ủng hộ sách với thông điệp “Tặng một cuốn sách để được nhiều cuốn sách” để tăng số lượng đầu sách ở thư viện nhà trường nhưng chẳng mấy em học sinh sau tiết học tìm đến.

Khi ở vùng sâu, vùng xa, người dân, các em học sinh ít có điều kiện tiếp cận internet, sách, báo giấy vẫn là người bạn tin cậy cho mọi người thì để xây dựng được một tủ sách, một thư viện trường học với số đầu sách phong phú vẫn là chuyện khó.

Khi trong gia đình, bố mẹ chẳng mảy may nghĩ đến chuyện đọc sách, mua sách thì để con trẻ đến với niềm đam mê đọc sách là điều xa vời.

Và, khi các ngày hội khơi gợi niềm đam mê đọc sách này chỉ mới dừng lại ở đối tượng học sinh, sinh viên và tập trung ở các vùng thuận lợi; còn ở vùng sâu, vùng xa và các đối tượng khác dường như còn khiêm tốn… thì việc nâng cao tri thức, vun đắp đạo đức xã hội thông qua đọc sách, xây dựng thói quen đọc sách không thể là chuyện một sớm, một chiều.

Những ngày hội đọc sách vì thế cần được tổ chức cho nhiều đối tượng, không chỉ dừng lại ở những vùng thuận lợi mà cần lan tỏa tới các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Và, từ những hiệu quả đã đạt được, những ngày hội đọc sách cũng cần thêm những cách làm sáng tạo để thắp lửa niềm đam mê sách trong mỗi người, đặc biệt là giới trẻ.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác