Ngày hội đại đoàn kết

07/11/2022 13:00

Tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc như thế nào để vừa trang trọng, ý nghĩa, vừa vui tươi, thiết thực, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân dường như là một câu hỏi khó mỗi năm.

Thôn tôi đang tích cực chuẩn bị cho Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay, một hoạt động đã được duy trì từ nhiều năm qua, mỗi dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (18/11).

Không thể phủ nhận, nhiều năm qua, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành nét đẹp văn hóa, là ngày vui chung của người dân khắp các vùng miền, trong đó có thôn tôi.

Nhưng sau mỗi Ngày hội, điều đọng lại luôn làm những ai quan tâm phải suy nghĩ, đó là có nhiều người dân trong thôn không tham gia, thậm chí hoàn toàn dửng dưng.

Ngày hội gần đây nhất, 6/11/2021, khoảng 7 giờ sáng, tôi có mặt để dự lễ, hội trường vắng hoe, những lá cờ trang trí  bay phần phật trong gió. 8 giờ, tôi nhìn quanh, vài người lục tục đến.

Và phải đến 9 giờ, Ngày hội mới có thể bắt đầu, với số người dự không quá 1/3 nhân khẩu trong thôn.

Với không ít người dân trong thôn, câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc có vui không” lại khó trả lời, bởi nhiều năm rồi họ không tham gia.

Vì vậy, làm gì để người dân tự giác tham gia Ngày hội đang là câu hỏi khó với các “chức sắc” thôn tôi trong những ngày này.

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc phải thể hiện được tinh thần đoàn kết của toàn dân. Ảnh: T.H

 

Để tìm câu trả lời, trưởng thôn có sáng kiến huy động một số người thành “tổ tư vấn”, trong đó có tôi, để nghĩ cách “kéo” người dân đến với Ngày hội. Cũng họp hành, bàn bạc, tranh luận mấy ngày rồi. 

Tối hôm qua, trưởng thôn lại dạo một vòng, gọi với vào từng nhà thành viên “tổ tư vấn” đề nghị “khẩn trương ra họp".

Tinh thần mà Ban tổ chức quán triệt ngay từ đầu là nội dung, hình thức phải phong phú, sinh động, vui tươi, sáng tạo, chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, Ngày hội cũng phải thiết thực, an toàn, tránh hình thức, không lãng phí và huy động được sự tham gia của cả cộng đồng.

Nói là vậy, nhưng đọc kịch bản (dự kiến) tổ chức Ngày hội, tôi vẫn băn khoăn khi phần lễ còn đơn điệu và hình thức, các khâu cứ… giông giống Ngày hội năm ngoái; thậm chí giống thôn A, tổ dân phố B nào đó, chứ chưa có sự sáng tạo, đổi mới.

Nghĩa là thời gian dành cho báo cáo tổng kết vẫn dài lê thê. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hay trò chơi dân gian bị “đặt sang bên” với lý do thiếu kinh phí; kết thúc phẩn lễ vẫn là một bữa liên hoan thuần túy.

Trao đổi với các bác, các chú trong “tổ tư vấn” thì mới biết, hóa ra ai cũng trăn trở chuyện này và thấy rằng cần đổi mới, sáng tạo trong khâu tổ chức. Nhưng sáng tạo thế nào, cần làm những gì để Ngày hội hấp dẫn, bổ ích và thiết thực lại là những câu hỏi khó.

Mọi người bàn luận khá sôi nổi. Tất nhiên không mất nhiều thời gian về chuyện trang trí nơi tổ chức Ngày hội, treo băng rôn, làm cổng chào và lễ đài, vì đã có “ba rem” rồi. Vấn đề nhiều người bàn nhất là làm sao để phần lễ phải trang trọng, thể hiện tính nghiêm túc; phần hội phải sôi nổi, thân mật, đoàn kết.

Có một số ý kiến đề nghị thi văn nghệ, hoặc tổ chức chương trình văn nghệ; một số ý kiến cho rằng nên tổ chức các trò chơi dân gian,  “bữa cơm đoàn kết”.

Đã từng đi dự Ngày hội đại đoàn kết hàng năm ở nhiều khu dân cư nên tôi cũng hiểu đây là vấn đề mà nhiều nơi gặp phải. Tuy vậy, tôi cho rằng, tùy điều kiện cụ thể mà mỗi khu  dân cư xây dựng nội dung tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân sao cho hấp dẫn, bổ ích và thiết thực.

Dù việc tổ chức ngày hội ở từng khu dân cư có quy mô khác nhau, nhưng trên hết, đó phải là ngày hội để người dân cùng gặp gỡ, trò chuyện để tình làng, nghĩa xóm thêm gắn bó; càng phải thể hiện được tinh thần đoàn kết của toàn dân.

Vì vậy, phần lễ nên đổi mới theo hướng ngắn gọn nhưng trang trọng, nêu bật ý nghĩa của ngày thành lập MTTQ Việt Nam, đánh giá rõ những việc đã làm được và chưa làm được trong năm qua.

Có phần biểu dương những gia đình có thành tích trong lao động sản xuất, nuôi dạy con cái thành đạt, các cụ tuổi cao gương sáng, các cháu học tập giỏi; nhắc nhở những gia đình chưa thực hiện tốt quy ước và phong trào chung của thôn, qua đó động viên khắc phục, sửa chữa.

Nên có các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”; giao lưu bóng đá, bóng chuyền với thôn bạn hoặc tổ chức một số trò chơi dân gian phù hợp để tạo không khí vui tươi trong Ngày hội, tránh tình trạng bà con háo hức rủ nhau đến, nghe diễn văn, ăn uống rồi… về.

Trong tình hình năm nay, trước Ngày hội cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Về phía cấp ủy, chính quyền địa phương, cần quan tâm phân công cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo tham dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở nơi cư trú và địa phương được phân công theo dõi, chỉ đạo. Quan tâm, tạo điều kiện, bố trí kinh phí để các khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đạt kết quả tốt, phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Với nhiều người, đến giờ ra hội trường thôn, ngồi nghe báo cáo, vỗ tay  rồi về có lẽ là phần việc dễ nhất trong một Ngày hội. Đó cũng là thực tế dễ thấy nhất ở không ít Ngày hội do thôn, làng tổ chức.

Nhưng thực tế đó cho thấy, chúng ta chưa làm tốt công tác tuyên truyền cũng như khâu tổ chức, và người dân chưa thấy được quyền lợi, và trách nhiệm của mình để tự giác tham gia vào Ngày hội.

Tôi tin rằng khi khuyến khích sự quan tâm và tham gia tích cực hơn nữa của người dân, ngày hội sẽ ngày càng chất lượng và thể hiện rõ hơn ý nghĩa củng cố khối đoàn kết.

Thay đổi tích cực không tự dưng mà có. Nó chỉ tới khi tập thể và mỗi cá nhân, gồm cả chính quyền, Mặt trận và người dân,  chủ động hướng tới sự thay đổi.

Vì một Ngày hội đại đoàn kết toàn dân thật sự ý nghĩa.   

Thành Hưng 

Chuyên mục khác