Ngày Giỗ Tổ

18/04/2024 06:27

Giỗ Tổ, không chỉ là ngày hội quần tụ của cả dân tộc, còn là ngày để chúng ta, mỗi người dân Việt, khẳng định sức mạnh giống nòi, và sức trường tồn mãnh liệt của văn hóa dân tộc.

Tôi sống cùng bà ngoại từ nhỏ. Bà tôi là một phụ nữ nông thôn điển hình, lúc nào cũng khăn đen quấn đầu, quần áo nâu, đi guốc tre và chỉ ngừng ăn trầu khi đi ngủ.

Điều lạ là gần như cả cuộc đời chưa ra khỏi lũy tre làng, quanh năm đầu tắt mặt tối, sống cực nhọc, lam lũ, đúng như đời nông dân lam lũ, cực nhọc, nhưng bà ngoại là một “kho” ca dao, tục ngữ.

Vì thế, mấy đứa cháu “mê” bà vô cùng. Mỗi tối, sau khi xong việc nhà, cả đám chí chóe giành nhau nằm bên bà để nghe kể chuyện cổ tích. Khi kể, bà thường vận vào những câu ca dao, tục ngữ rất sâu sắc, rất duyên dáng.

Những câu chuyện bà kể, những câu ca dao, tục ngữ bà đọc không chỉ mang đến những giây phút thư giãn mà còn thấm đẫm tình yêu thương và lòng nhân hậu, nghị lực và ước mơ cao đẹp.

Người dân huyện Đăk Hà dâng lễ tại Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023. Ảnh: Trọng Nghĩa

 

Dù đêm đông rét mướt hay trưa hè nóng nực, chúng tôi say sưa nghe bà kể những tích truyện “trăm trứng nở trăm con; 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên non”; Phù Đổng Thiên vương Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, đội nón sắt, nhổ tre đằng ngà đánh tan giặc Ân, sau đó “bay” lên trời, trở thành một trong Tứ bất tử.

Rồi sự tích bánh chưng-bánh dày với chàng Lang Liêu hiếu thảo; cuộc thi kỳ lạ giành công chúa Mị Nương giữa Sơn Tinh với Thủy Tinh, thủy thần thua trận, nên tức giận kéo quân đánh lên núi Tản. Từ đó mới thành “năm năm báo oán, đời đời đánh ghen”.

Chuyện chàng Mai An Tiêm - con nuôi vua Hùng, vì câu nói “Của biếu là của lo, của cho là của nợ” mà bị đày ra đảo hoang. Tại đây chàng đã tìm thấy và để lại cho đời sau giống dưa hấu ngọt lành, ruột đỏ, như tấm lòng son của người con với vua cha.

Những câu chuyện phủ sắc màu lung linh huyền thoại ấy dần hình thành trong tâm hồn chúng tôi hạt giống tín ngưỡng về nguồn cội, về tổ tiên, về dòng giống Tiên-Rồng. Và với tất cả lòng sùng tín thơ ngây, chúng tôi tự hào về điều đó.

Ngày ấy, ở quê tôi, Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 là một ngày lễ trọng. Từ khi còn nhỏ, đám trẻ đã thuộc lòng “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”, hay “Dù đi buôn bán gần xa. Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng Ba mùng Mười”.

Vào ngày Giỗ Tổ, làng tổ chức cúng ở đình làng. Người già khăn đóng áo thụng thành kính thắp nhang trước bàn thờ Tổ, cảm ơn ân đức tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Còn thanh niên hết thi gói bánh chưng, giã bánh dày lại xoay qua thi kéo co, đẩy gậy. Đám nhỏ chúng tôi thì chạy lăng xăng, hò hét váng trời.

Sau lễ cúng ở đình, các gia đình sẽ cúng ở nhà. Ở nhà tôi, khi bố dâng hương thì bà dẫn  sắp nhỏ xếp hàng thành kính cúi đầu phía sau.

Tôi biết, vào ngày này, trong mỗi mái nhà, ở nơi trang trọng nhất, đều có mâm cỗ, dù sang trọng hay đơn sơ, dâng lên tổ tiên, và nén tâm nhang được thắp lên với lòng thành kính, biết ơn.

Chuẩn bị cho lễ Giỗ Tổ. Ảnh: H.L

 

Cứ thế, tín ngưỡng Giỗ Tổ được truyền từ đời này sang đời khác một cách tự nhiên. Từ khi mới sinh ra, những đứa trẻ đã được cha mẹ, ông bà truyền cho lòng tự hào về nguồn cội.

Cùng thời gian, tôi lớn lên, bà ngoại già đi. Khi tôi tốt nghiệp đại học  bà cũng về với tổ tiên. Nhưng những mâm cơm cúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nơi quê nghèo vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi.

Mấy mươi năm lập nghiệp ở quê mới, ngày 10/3 âm lịch hàng năm, tôi vẫn được dự những  lễ Giỗ Tổ, trang nghiêm có, đầm ấm có. Năm thì ở Đăk Hà, năm ở thành phố Kon Tum, có năm thì ở gia đình bạn bè là người Phú Thọ. Những năm còn lại thì ở nhà mình, hoặc trong thôn, trong xóm.

Và tôi nhận thức được rằng, Giỗ Tổ, không chỉ là ngày hội của cả dân tộc, còn là ngày để chúng ta, mỗi người dân Việt, khẳng định sức mạnh và giá trị thiêng liêng của nguồn cội.

Xuất phát từ quan niệm “con cháu ở đâu, ông bà tổ tiên ở đó” của người Việt, nên tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sức lan tỏa vô cùng rộng lớn. Người Việt lập làng ở đâu, sẽ xây đền thờ Tổ Hùng Vương ở đó.

Hiện nay, theo thống kê, trong cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương, trải khắp các vùng miền, từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược.

Từ năm 2007, Quốc hội chính thức công nhận ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là Quốc Giỗ- một trong những ngày quốc lễ chính thức trong năm, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ làm, hưởng lương.

Trải qua thời gian, Giỗ Tổ không chỉ là sự kiện trọng đại trong nước mà đã vươn ra thế giới, đem theo sự tự hào của mỗi người con đất Việt.

Năm 2015, Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu được tổ chức theo sáng kiến của một số nhà khoa học, trí thức, lãnh đạo hội đoàn cộng đồng kiều bào khi về dự “Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX” năm 2015 tại thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt, ngày 6/12/2012, Ủy ban Liên Chính phủ thuộc UNESCO đã công bố danh sách 17 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại, trong đó có “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam.

Cùng với những tín ngưỡng tốt đẹp khác, Giỗ Tổ góp phần đặc biệt quan trọng làm nên văn hóa Việt, trở thành “vòng bảo vệ” vững chãi trước mọi sự “xâm lược” của các trào lưu văn hóa “xấu”.

Tôi chợt nhớ đến lời thơ da diết của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Dặn dò con cháu chuyện mai sau. Hằng năm ăn đâu làm đâu. Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ” (Đất nước).

Những câu thơ tự nhiên như những lời dặn dò, nhắn nhủ nhưng mang theo nhận thức về mối liên hệ vô cùng chặt chẽ, giữa các thế hệ người Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử.

Và hôm nay, 10/3 âm lịch, như những ngày thơ bé, tôi lại đứng trước bàn thờ tổ tiên, thành kính thắp nén nhang thơm với tất cả lòng thành kính, ngưỡng vọng thiêng liêng về nòi giống con Lạc cháu Hồng.

Tình yêu đất nước và lòng tự hào nguồn cội là những thứ tồn tại vĩnh hằng trong mỗi người. Cùng nhau nhớ về tổ tiên, hướng về đất Tổ cũng chính là để nhắc nhở nhau trách nhiệm tiếp tục giữ gìn và phát huy thành quả của cha ông bền vững cho muôn đời sau.       

Hồng Lam

Chuyên mục khác