Ngày đặc biệt ở Chư Tan Kra

30/03/2018 07:00

​Đeo băng tang trên áo, 10 cựu binh Mỹ trầm lặng, nghẹn ngào trước buổi lễ tưởng niệm 50 năm ngày hy sinh của hơn 200 chiến sĩ, thuộc Trung đoàn 209 trong trận đánh tại điểm cao 995 Chư Tan Kra (xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy). Nửa thế kỷ trôi qua, nỗi đau ấy vẫn in hằn trong tâm trí. Cúi đầu trước những phần mộ liệt sĩ, họ ngậm ngùi che đi những giọt nước mắt lăn dài...

Đồng hành tìm liệt sĩ

Tháng 2/1968, Steve Edmunds tham chiến tại Kon Tum. Ngày 16/3/1968, ông bị thương và không tham gia trận đánh tại điểm cao 995 Chư Tan Kra. Việt Nam độc lập, ông về lại Mỹ và làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Sư đoàn 4, Hoa Kỳ đánh tại Việt Nam. Nửa thế kỷ đã trôi qua, thế nhưng suốt từng ấy thời gian, qua những câu chuyện kể của nhân chứng sống, tư liệu lịch sử, ông luôn mang trong mình nỗi ám ảnh trước cảnh tượng khủng khiếp trong trận đánh tại điểm cao 995.

Mùa xuân 2009, ông bất ngờ nhận được email của một người Việt hỏi về trận đánh và thông tin của hố chôn tập thể. “Lúc đấy tôi đã giật mình. Bức email là cơ hội để sửa chữa lỗi lầm, để xoa dịu nỗi đau do chính chúng tôi gây ra. Đọc xong email, ngay lập tức tôi liên lạc với đơn vị và thu thập những thông tin tình báo trong trận đánh” -  Steve Edmunds kể.

Cựu binh Mỹ cung cấp nhật ký chiến trường phục vụ quá trình tìm kiếm liệt sĩ

 

Tháng 10/2009, lần đầu tiên ông trở lại đất nước Việt Nam với những bức ảnh tư liệu chụp trong trận đánh. Ông tìm đến, gởi lại cho Ban Liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 với hy vọng số tư liệu hiếm hoi sẽ giúp tìm được các liệt sĩ đang còn nằm lại vùng chảo lửa ngày nào. Và từ năm 2009 đến nay, mỗi khi có dịp, ông đều đồng hành cùng Ban Liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 đến tận chiến trường xưa, vẽ sơ đồ, tìm những hài cốt liệt sĩ đang còn gởi mình nơi rừng sâu, đất thẳm.

Đến Việt Nam, đi cùng, thấy nỗ lực tìm kiếm của đồng đội, của thân nhân liệt sĩ, ông thêm day dứt, trăn trở. Quay trở về Mỹ, ông tìm cách liên lạc với những cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam nói chung và Kon Tum nói riêng để có thêm thông tin về trận đánh, địa điểm, vị trí… cung cấp cho Ban Liên lạc, phục vụ quá trình tìm kiếm.

Các cựu binh Mỹ trao các di vật lịch sử cho Ban Liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 tại Chư Tan Kra

 

Từ những thông tin của Steve Edmunds nói riêng và những thông tin trên mạng, năm 2016, cựu binh John Cimino – người đã từng tham gia trận đánh tại điểm cao 995 Chư Tan Kra kết nối, đi nửa vòng trái đất, đem theo di vật liệt sĩ (1 chiếc ví, quai dép cao su, một mẩu thơ, bức ảnh kỉ niệm...) trao lại cho Ban Liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209.

Người cựu binh cúi đầu, rưng rức: Năm 2016 - lần đầu tiên sau 48 năm kể từ ngày diễn ra trận đánh tại nơi này tôi mới quay trở lại Chư Tan Kra. Khác với 48 năm trước, lần này tôi sang để làm bạn, để xoa dịu nỗi đau chiến tranh.

Lặng yên trước những phần mộ, nước mắt cựu binh L’Loyd Bedik cứ thế lăn dài. Từng chôn cất những liệt sĩ trong các phần mộ tập thể, ông không muốn nhắc lại những ngày tháng ấy, bởi điều đó luôn khiến ông xót xa, dằn vặt, đau buồn. Ông chỉ nói rằng, nếu thời gian quay trở lại, có cơ hội, ông chỉ muốn trở thành những người bạn thân thiết.

Gieo hạt giống hòa bình

Tháng 3, Chư Tan Kra vẫn nóng như chảo lửa. Nhưng có điều, khác với 50 năm trước, Chư Tan Kra không nóng vì bom, vì đạn mà nóng lên vì tình thương yêu, vì sự tri ân.

Đi một vòng quanh đài tưởng niệm, đeo trên áo tấm băng tang, những cựu binh nghẹn ngào, không nói nên lời. Chắp tay, cúi đầu thắp nhang tại các phần mộ,  ai nấy đều lặng lẽ gởi những lời thì thầm đến với từng liệt sĩ nằm sâu dưới lớp mồ.  

Các cựu binh Mỹ thắp nhang tại các phần mộ

 

Hôm nay, trở lại mảnh đất lửa đúng 50 năm ngày trận đánh khốc liệt xảy ra, cựu binh L’Loyd Bedik vẫn không tin rằng mình có dịp được trở lại nơi này. “Giờ phút này, trong tôi trào dâng một cảm xúc rất đặc biệt. Tôi không nghĩ mình sẽ được chào đón trong vòng tay thân thương của người dân Việt Nam. Tôi rất đau buồn nhưng cũng hạnh phúc lắm! Chúng tôi chỉ mong những gì mình cung cấp sẽ sớm giúp tìm được các liệt sĩ đang còn thất lạc” – L’Loyd Bedik xúc động.

Chiến tranh đã qua đi, là kẻ thù trong quá khứ nhưng buông súng xuống, người Việt và người Mỹ lại trở thành bạn. Giờ đây, tại cứ điểm Chư Tan Kra, những cựu binh Mỹ được chào đón trong những nụ cười hiền hòa, chất phác của người dân đất Việt nói chung và người dân tại mảnh đất Sa Thầy nói riêng.

Những nụ cười đôn hậu vừa xoa dịu nỗi đau nhưng càng làm lòng các cựu binh thêm day dứt. Ám ảnh quá khứ, ngoài việc cùng cung cấp thông tin, cùng tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ, các cựu binh Mỹ còn dặn lòng thường xuyên đến Việt Nam để được sống, được chia sẻ với những mảnh đời còn khó khăn, bất hạnh, với hy vọng sẽ xoa dịu nỗi đau chiến tranh.

Từ năm 2016, cựu binh L’Loyd Bedik đã chọn Việt Nam làm nơi ghi lại những ngày tháng xế chiều của mình. Ông cùng vợ tham gia các lớp dạy học miễn phí ở Đà Nẵng. Ông chia sẻ: Ở Việt Nam, con người thật tuyệt vời. Họ thân thiện, trìu mến. Ở với họ, tôi thấy cuộc sống mình tươi đẹp hơn nhiều. Tôi đang làm một dự án giấy gói hoa tại Đà Nẵng để gắn bó hơn với mảnh đất thân thương này.

Xế chiều, Chư Tan Kra vẫn lặng yên nhìn hoàng hôn buông xuống. Các cựu binh Mỹ chầm chậm bước xuống từng bậc thang... Hương khói vẫn nghi ngút. Những cái vẫy tay, ngoái đầu đầy bịn rịn. “Chúng ta đã rất may không chết trong chiến tranh. Bỏ súng xuống, chúng ta là bạn. Chúng tôi sẽ còn ở đây, sẽ hợp tác tốt nhất để cùng đoàn tìm kiếm các liệt sĩ” – Steve Edmunds khẳng định. 

Bình An

Chuyên mục khác