Ngày 8/3 thanh thản

11/03/2018 18:00

​Phải rất cố gắng, tôi mới có thể tập trung suy nghĩ để viết được ít dòng về ngày 8/3 của các cô giáo vùng sâu. Họ đón ngày vui này bằng cách làm tốt hơn những công việc quen thuộc hàng ngày...

1. Trước đó, vào 6h sáng, nhóm bạn của tôi tụ tập ở quán cà phê bàn chuyện thăm hỏi cô giáo của con nhân dịp 8/3. Đại khái cũng là chuyện mua gì tặng cô của con? Hay là “đi” phong bì cho tiện?

Sau khi tham khảo nhiều ý kiến khác nhau về những món quà ý nghĩa tặng giáo viên của con, cuối cùng mọi người lại quyết định chọn phong bì với lý do thuyết phục "vừa đỡ tốn thời gian, công sức chọn quà, giáo viên lại có thể mua được thứ mình muốn".

Nói rộng hơn, mấy ngày qua, dân tình cứ sốt xình xịch lên với chuyện đón ngày mùng 8/3 như thế nào. Các mạng xã hội như zalo, facebook tràn ngập lời chúc hay và hoa đẹp. Những kế hoạch tổ chức "hoành tráng" được chia sẻ, những chuyến đi được chuẩn bị chu đáo...

Và sau ngày 8/3, các trang mạng xã hội lại tràn ngập những chia sẻ thú vị về một ngày "vui hết biết" của chị em. Ai chẳng muốn làm "một nửa của thế giới" vui vẻ trong ngày dành riêng cho họ?

Bản thân tôi không cho rằng chuyện tặng phong bì hay nhận phong bì là "cơ chế thị trường", làm hoen ố truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Bởi bì thư, hay quà tặng, nếu là để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã bỏ công sức dìu dắt con em mình thì vẫn đáng quý.

Tôi cũng nghĩ chuyện có một kế hoạch chu đáo để tổ chức ngày 8/3 thật vui cho phụ nữ là điều nên làm. Lẽ dĩ nhiên, loại trừ sự "khoe mẽ" hay quá đà, làm ảnh hưởng đến công việc chung

Nhưng ngồi nghe mọi người bàn chuyện, tôi lại nhớ về ngày mùng 8/3 năm ngoái ở huyện Ia H'Drai. Ngôi trường tiểu học nằm dưới tán rừng, thỉnh thoảng lại có em học sinh đi học muộn, hớt hải chạy vào.

Cùng những đồng nghiệp khác, cô Hiền đến lớp từ 6h30' để đón học sinh, giống như mọi ngày. Hôm nay cô phải dạy 2 tiết Toán, 1 tiết Chính tả, 1 tiết Âm nhạc. "Mùng 8/3 ấy à, có khác gì ngày thường hả anh.  Không thể cho các em học sinh nghỉ học để tổ chức hoạt động cho ngày này được"- cô nói.

Cô chia sẻ: Ngày vào Ia H'Drai nhận công tác, nhìn rừng núi âm u, nhà cửa lác đác bên sườn núi, trường lớp tạm bợ, dụng cụ dạy học thiếu thốn, số học sinh thường xuyên bỏ học khá nhiều, em định... về nhà bán hàng. Nhưng được sự động viên của các anh chị đi trước, em tặc lưỡi "thôi thì cứ thử xem sao", ấy vậy mà tình yêu nghề, yêu trò giữ chân em lại đến bây giờ.

“Không có ai tặng hoa, cũng chẳng có quà nhân ngày Quốc tế Phụ nữ nhưng em cảm nhận rất rõ tình cảm chân thành của các em học sinh và phụ huynh nơi đây, nên càng phải cố gắng làm tốt hơn” - cô tâm sự.

Ngày mùng 8/3 năm nay, qua zalo, cô nói sẽ về thành phố Kon Tum thăm nhà, tranh thủ đặt mua ít đồ dùng học tập, tôi gọi điện hẹn gặp, nhưng cô cáo bận, hẹn dịp khác. Cô tất tả về lại Ia H'Drai ngay trong ngày 8/3, dù có bao lời mời ở lại bởi "không thể gửi các em lâu được".

2. Ngôi nhà lợp tôn nằm bên đường bê tông, nhìn ra dòng suối Đăk Song bài trí đơn giản, nhưng ấm cúng. Trên cái bàn đóng bằng gỗ tạp là trang giáo án soạn dở với những nét bút xanh, đỏ, bên cạnh là bó hoa rừng cắm trong trong chiếc ly nhựa mất quai. Chắc của học sinh tặng - tôi nghĩ.  

 Nhìn cái bàn ấy, tôi không tránh khỏi suy nghĩ về sự thiệt thòi của những cô giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa trong ngày tôn vinh phụ nữ. Không quà tặng đắt tiền, không kế hoạch tổ chức hoành tráng, không đi chơi xa, họ vẫn đang miệt mài với công việc.

Rồi tôi thấy, bó hoa rừng đã có phần héo hon ấy vụt trở nên rực rỡ bên trang giáo án. Nó là biểu hiện của tình cảm chân thành mà học sinh và người dân nơi đây dành cho các cô giáo từ miền xuôi lên dạy học.

Cô Đinh Thị Hường kể: Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, em xung phong vào dạy học tại xã Xốp (huyện Đăk Glei). Ngày đầu tiên nhận trường, nhận lớp cũng là ngày cơn bão số 9 ập đến. Mưa bão giăng giăng, đường sá bị hư hỏng nặng, em và đồng nghiệp phải bỏ xe, đi bộ vượt núi, băng qua những rẫy mì, rẫy bắp để đến trường.  

Thời điểm ấy, do cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân xã Xốp vẫn quan niệm “con chữ không làm no được cái bụng như làm ruộng, làm rẫy”, nên học sinh vắng học, nghỉ học thường xuyên. Để duy trì sĩ số, không kể ngày hay đêm, mọi người phải bám làng, bám hộ, phối hợp với già làng, trưởng thôn vận động gia đình cho con em đến trường.

Không thể tính được cô Hường và đồng nghiệp đã đi bao đêm, vượt bao suối, bao đồi mới có được tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh gần 100% như hiện nay. Chỉ biết người già nói “sương đêm trên ngọn Xi Mon sau làng cũng không nhiều hơn mồ hôi thầy cô giáo”...

Các thầy, cô giáo còn tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình từng học sinh để giúp đỡ kịp thời những trường hợp quá khó khăn, khi thì quyển vở, cây bút, cái cặp, thậm chí là đôi dép, bộ quần áo... Một phần là mua từ tiền lương tháng, còn lại là vận động bạn bè hỗ trợ.

Cũng vì thế mà các cô giáo đã thành con gái của làng, của xã. Có trái bí ngon, mụt măng tươi, dân làng cũng đem đến "để cô giáo ăn, có sức dạy chữ". Họ thường lo cô giáo vất vả quá, chuyển về xuôi mất.

Càng trân trọng tình cảm chân thành của người dân nơi đây, các cô giáo càng yêu nghề, yêu trẻ hơn. Cô Đinh Thị Hường đã gắn bó với xã Xốp gần 10 năm, và dự định sẽ lâu hơn nữa, một phần vì thấy mình có trách nhiệm với vùng căn cứ cách mạng này, một phần cũng vì tình cảm quý mến ấy.

Bó hoa trên bàn này là do mấy em học sinh lớp 5 tặng đấy. Gớm, cũng biết tặng quà cho cô giáo ngày 8/3, ngày thường mướt mồ hôi với lũ tiểu quỷ ấy - Hường cười thanh thản.

Và ngày 8/3 trôi qua như vậy, ngày mai, những ngày tháng tiếp theo, cô Hường và bao nữ đồng nghiệp vẫn miệt mài với nghiệp "gieo chữ, trồng người" ở vùng sâu mà không phải lo nghĩ làm thế nào để "trả nợ" hay đau đầu vì chuyện "bên nặng bên nhẹ" như người ta vẫn rỉ tai nhau nơi phố thị.

Cho đến ngày mùng 8/3 năm sau!

Thành Hưng

Chuyên mục khác