Ngành Y tế: Không để dịch bệnh thủy đậu bùng phát

15/02/2017 18:04

Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Y tế đã ghi nhận 17 ca mắc bệnh thuỷ đậu ở các địa phương. Ngành đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa các huyện cách ly, điều trị đối với các ca đã mắc bệnh; đồng thời tăng cường giám sát, truyền thông phòng, chống thủy đậu trong nhân dân.

Tích cực khống chế

Theo số liệu tổng hợp của Sở Y tế, từ đầu tháng 1 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 17 ca mắc bệnh thủy đậu ở 3 huyện: Kon Rẫy, Đăk Hà và Đăk Glei. Ngày 2/2, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh thành lập đoàn giám sát phòng chống dịch bệnh trên địa bàn 10 huyện, thành phố Kon Tum. Theo đó, các địa phương có ca mắc bệnh thủy đậu, đoàn giám sát của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã kiểm tra, phối hợp tháo gỡ kịp thời khó khăn, nhằm xử lý triệt để các ca bệnh mới phát hiện.

Tại huyện Đăk Hà, tháng 1 vừa qua, Trung tâm Y tế huyện tiếp nhận 7 bệnh nhân nhi (5 trẻ ở Ngọc Réo, 2 trẻ ở xã Đăk Mar) bị bệnh thủy đậu. Trung tâm Y tế huyện đã có báo cáo nhanh tình hình các ca mắc bệnh về Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và chỉ đạo cán bộ, y bác sĩ trực giám sát, cách ly, điều trị đúng phác đồ đề ra cho 7 bệnh nhân. Hiện tại, các ca bệnh được điều trị tích cực, không có biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Phạm Văn Khương - Trưởng phòng Tài chính & Kế hoạch (Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà) cho biết, ngoài công tác chữa trị cho bệnh nhân kịp thời, đơn vị đã chỉ đạo Đội Y tế Dự phòng tăng cường phối hợp nhân viên y tế thôn làng tiến hành phun thuốc khử trùng diệt khuẩn Cloramin B đối với khu vực sinh sống của các trường hợp mắc bệnh; nhắc nhở và giám sát, cách ly bệnh nhân tạm thời chưa đến trường học, nhằm phòng tránh lây lan thành dịch bệnh.

Mặt khác, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch đề nghị chính quyền và các tổ chức đoàn thể cơ sở tăng cường tuyên truyền đến người dân về tác hại của bệnh thủy đậu, cách thức phát hiện bệnh, đưa người bệnh đến các cơ sở y tế điều trị. Người nhà hoặc bệnh nhân không tự ý sử dụng các loại thuốc sẵn có, hoặc mua thuốc trôi nổi ngoài thị trường; cũng như hướng dẫn nhân dân vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ để giảm thiểu mắc các bệnh dịch khi chuyển mùa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Lộc Vương - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh thông tin thêm: Trước và sau Tết Nguyên đán, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch giám sát phòng chống dịch bệnh ở các địa phương. Công tác này thực hiện từ ngày 2/2 và sẽ kết thúc vào ngày 17/2. Theo báo cáo nhanh hàng ngày của đoàn giám sát từ cấp huyện, công tác điều trị, khống chế bệnh thủy đậu được thực hiện khá tích cực, không xuất hiện bất cứ ổ dịch bệnh nào trên địa bàn.

Ông Vương cho rằng, công tác giám sát đã tích cực, tuy nhiên bệnh thủy đậu có biểu hiện lâm sàng với thời kỳ ủ bệnh 14-16 ngày, đôi khi 10-20 ngày. Người mắc bệnh thường có sốt, phát ban dạng bỏng nước ở da và niêm mạc phát sinh những nốt ban. Trường hợp bị bệnh nặng, vi rút có thể làm tổn thương màng não tủy có nước vàng ở bệnh nhân. Do đó, người bệnh khi được phát hiện bệnh cần sớm tuân thủ sự hướng dẫn, điều trị của bác sĩ. 

Cần tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh

Thông tin từ Sở Y tế, đơn vị sẽ sớm có văn bản đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, UBND các địa phương lưu ý về tình hình các dịch bệnh có thể xảy ra theo chu kỳ hàng năm, bao gồm bệnh thủy đậu. Trên cơ sở văn bản này, các đơn vị trực thuộc ngành Y tế tỉnh tiếp tục chủ động phối hợp thường xuyên với chính quyền, tổ chức đoàn thể, cơ quan chức năng tham gia thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhân dân, nhất là công tác giữ gìn vệ sinh cá nhân cho học sinh; khuyến cáo người dân đi tiêm phòng vắc xin thủy đậu và các loại bệnh khác.

Nhiều người dân đưa trẻ đi tiêm phòng các dịch bệnh tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh. Ảnh: M.T

 

Ngay tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, đầu tháng 1 đến nay, thông qua cảnh báo tình hình bệnh thủy đậu trong cả nước đang có chiều hướng bùng phát nên nhiều người đã đưa trẻ em đến tư vấn và tiêm văcxin phòng ngừa bệnh khá đông, khoảng 15 – 20 người/tuần, tăng 10-15 người/tuần so với tháng trước.

Gặp chị Nguyễn Thị Thư ở phường Quang Trung (thành phố Kon Tum) tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh. Chị Thư  bộc bạch: Mấy ngày trước tết, gia đình có đón 1 người cháu ở địa phương khác về chơi. Không may, cháu bé này đã phát bệnh thủy đậu, sau khi về nhà. Sau tết, biết được tin này, gia đình hơi lo lắng, nên đưa con gái đến đây (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh) nhờ bác sĩ tư vấn, tiêm ngừa bệnh thủy đậu cho bé.

Theo chị Thư một mũi tiêm vắc xin phòng bệnh này có giá 575 ngàn đồng, khá đắt so với thu nhập hiện tại 3,5 triệu đồng/tháng của chị. Thế nhưng, vợ chồng chị vẫn cố gắng để phòng các dịch bệnh và đảm bảo sức khỏe, sự phát triển tốt cho con gái.           

Mai Trâm

Chuyên mục khác