30/12/2020 06:04
Ngoài nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về giao thông vận tải, năm nay ngành GTVT đã triển khai được khá nhiều công việc. Các dự án đầu tư xây dựng cơ bản kết cấu hạ tầng giao thông được Sở thường xuyên chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo hoàn thành khối lượng của năm. Các dự án được Sở triển khai năm nay là Dự án tuyến tránh thành phố Kon Tum, Quốc lộ 14C, 24, Dự án nâng cao độ và mở rộng tuyến tránh thủy điện Plei Krông trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Tân Cảnh-Kon Tum; sửa chữa nâng cấp Tỉnh lộ 675; sửa chữa, khắc phục hư hỏng đường Sa Thầy - YaLy - thôn Tam An (xã Sa Sơn)-Ya Mô-làng Rẽ (Mô Rai), huyện Sa Thầy (Tỉnh lộ 674)…Cùng với đó, ngành GTVT cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, chương trình hành động trong lĩnh vực giao thông vận tải, đảm bảo TTATGT…
|
Phải khẳng định rằng, đây là năm khó khăn và vất vả nhất đối với ngành GTVT trong 10 năm qua. Bởi ngay từ đầu năm, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến hoạt động dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều nhà xe phải dừng chạy, cắt tài, giảm chuyến, thậm chí có thời điểm ngừng hoạt động vì thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, do dịch bệnh, nhu cầu đi lại của người dân cũng hạn chế nên sản lượng vận tải hàng hóa và hành khách giảm mạnh (đặc biệt là 6 tháng đầu năm), do đó doanh thu vận tải cũng giảm theo. Trong năm 2020, vận tải hành khách bằng xe taxi giảm từ 18%-25% sản lượng, xe buýt giảm từ 20% - 25% sản lượng, xe khách tuyến cố định giảm từ 15%-20% sản lượng. Vận tải hàng hoá giảm từ 18%-22% sản lượng; doanh thu vận tải, kho bãi ước tính giảm 25% so với năm trước. Nhiều doanh nghiệp vận tải giảm doanh thu, thậm chí thua lỗ; hàng trăm lao động bị mất việc làm.
Tuy nhiên, một điều ghi nhận là với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của ngành, cùng với sự nỗ lực, năng động vượt khó của các đơn vị doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh nên đã không có doanh nghiệp nào ngừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản. Doanh nghiệp vận tải vẫn duy trì hoạt động, thậm chí một số doanh nghiệp như Minh Quốc, Việt Tân, Tân Anh…còn chủ động mở rộng địa bàn hoạt động, mở các tài, chuyến về các tỉnh, thành phố có số lượng khách đông, vừa để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, vừa góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, vượt qua khó khăn, đứng vững trên thị trường.
|
Đặc biệt, năm nay hệ thống hạ tầng giao thông phải gánh chịu sự ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Ảnh hưởng của 5 cơn bão (6, 7, 8, 9, 10) liên tiếp làm nhiều tuyến đường như Quốc lộ 24, 14C, 40B, đường Trường Sơn Đông và các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, liên xã…bị sạt lở nặng với hàng trăm nghìn mét khối đất đá tràn mặt đường gây ách tắc giao thông, hư hại nền, mặt đường. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn khắc phục, giao thông được đảm bảo. Đó là điều không dễ dàng nếu không có sự chỉ đạo, sự quyết tâm và sự tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm không ngại khó, ngại khổ của đội ngũ cán bộ, công nhân của ngành GTVT.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hùng- Giám đốc Sở GTVT cho biết: Ngay từ đầu năm, Sở đã xây dựng phương án phòng, chống bão lụt đối với các tuyến được giao quản lý theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, thường xuyên duy trì công tác trực bão lũ. Khi xảy ra bão lũ, tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng tổ chức ngay công tác khắc phục để đảm bảo giao thông trên các tuyến. Sở liên tục có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị ký hợp đồng với Sở thực hiện công tác quản lý, sửa chữa cầu đường triển khai thực hiện công tác phòng, chống bão lụt đảm bảo giao thông.
Một điều đáng ghi nhận đối với ngành GTVT trong năm 2020, ngay sau khi có bão đổ bộ vào đất liền ảnh hưởng đến tỉnh ta, Sở đã phân công lãnh đạo Sở, các phòng ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc thành các đoàn công tác đi đến tất cả các tuyến đường kiểm tra, huy động nhân vật lực máy móc, vật tư đảm bảo giao thông tại các điểm bị sạt lở nặng. Tất cả các điểm sạt lở phía ta luy dương đã được đơn vị quản lý đường huy động máy móc, công nhân san, ủi, hốt đất đá để đảm bảo giao thông sau vài giờ đồng hồ.
|
Đơn cử như Tỉnh lộ 676 từ trung tâm huyện Kon Plông đi các xã Đăk Ring, Đăk Tăng, Măng Bút, Đăk Nên có hàng trăm điểm sạt lở rất nguy hiểm, gây ách tắc giao thông nhưng lãnh đạo sở đã trực tiếp đi hiện trường kiểm tra và chỉ đạo triển khai công tác khắc phục. Hoặc trên Tỉnh lộ 673 đi các xã Đăk Choong, Mường Hoong Ngọc Linh (huyện Đăk Glei), ngoài hàng trăm điểm sạt lở ta luy dương còn có 4 điểm sạt lở ta luy âm, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Sở và sự nỗ lực khắc phục khó khăn, không quản hiểm nguy, tập trung khắc phục sạt lở, chỉ sau thời gian ngắn, tuyến đường đã thông, giao thông đi lại thuận lợi.
Hay do mưa nhiều, nước lớn đã cuốn trôi chiếc cầu sắt trên tuyến đường độc đạo vào xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy), khiến giao thông bị cắt đứt hoàn toàn; 3/4 thôn với gần 1.500 hộ dân bị cô lập. Đây là tuyến đường thuộc huyện Kon Rẫy quản lý nhưng ngay sau sự cố xảy ra, Sở GTVT đã chủ động mượn dàn cầu thép Benlay (dài 120m) của Bộ GTVT, nhanh chóng vận chuyển về tỉnh và giao cho Công ty Cổ phần Xây dựng và quản lý công trình giao thông Kon Tum tiến hành lắp đặt tại vị trí cầu sắt bị cuốn trôi. Không quản ngại mưa gió, dưới sự chỉ đạo của Sở, Công ty Cổ phần Xây dựng và quản lý công trình giao thông Kon Tum đã huy động máy móc, nhân lực ngày đêm thi công, và chỉ sau hơn một tháng đã hoàn thành lắp đặt cầu thép phục vụ việc đi lại của người dân.
Đó là những nỗ lực đáng khen đối với ngành GTVT trong công tác khắc phục hậu quả của bão lũ đảm bảo việc đi lại của cán bộ và nhân dân trên địa bàn.
“Nhìn lại năm 2020 thì đây là một năm khá bận rộn, vất vả và cả khó khăn đối với ngành. Dịch bệnh ảnh hưởng nặng tới sự phát triển của ngành. Đặc biệt năm nay, vất vả nhất là đối với công tác khắc phục hậu quả của thiên tai. Dù khó khăn, vất vả, nhưng đội ngũ người làm giao thông thấy chúng tôi vui vì đã góp phần bảo đảm an toàn cho người dân đi lại trước trong và sau bão…” - Ông Nguyễn Hữu Hùng chia sẻ.
Văn Phương