Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh vượt khó đi lên

12/02/2023 06:26

Khi tỉnh Kon Tum được thành lập lại, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh phải đối mặt với tình trạng hệ thống cơ sở trường lớp tạm bợ, đường sá đi lại hiểm trở, giáo viên thiếu trầm trọng. Nhưng nhờ được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự quyết tâm phấn đấu của cán bộ, giáo viên và đóng góp, ủng hộ của người dân nên sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà từng bước đi vào ổn định, khởi sắc và có được những thành quả rất đáng tự hào như ngày nay.

Tháng 10/1991, tỉnh Kon Tum được thành lập lại trên cơ sở chia tách tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Lúc này, toàn tỉnh chỉ có 109 trường và có đến 108 thôn, làng trắng về giáo dục. Trường lớp tạm bợ, đội ngũ giáo viên thiếu trầm trọng. Tình trạng mù chữ tái diễn trong vùng đồng bào, nhất là địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa.

Trước những bộn bề khó khăn ấy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và ngành GD&ĐT tỉnh phát huy hết khả năng, thực hiện đồng bộ các giải pháp để từng bước kiện toàn mạng lưới giáo dục.

Điều kiện cơ sở vật chất ngày càng đảm bảo cho công tác dạy và học. Ảnh: Đ.V 

 

Để bảo đảm cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và phát triển đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng phục vụ, phát triển sự nghiệp giáo dục, ngành GD&ĐT tỉnh tranh thủ nguồn đầu tư của Trung ương, của tỉnh và của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, của Bộ GD&ĐT để xây dựng trường lớp. Đồng thời, tận dụng nhà rông, các hội trường thôn làng và huy động sức dân để mở các lớp học. Nhằm giải “bài toán thiếu giáo viên” ngành tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên tại chỗ theo hình thức công đoạn, cử tuyển sinh viên ngành Sư phạm và tuyển dụng đội ngũ giáo viên ngoài tỉnh; trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên THPT bằng các chính sách đặc thù của tỉnh để thu hút sinh viên ngành Sư phạm, luân chuyển, vận động đội ngũ giáo viên vùng thuận lợi tình nguyện về vùng sâu, vùng xa dạy học. Công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, đi học chuyên cần và tuyên truyền người trong độ tuổi tham gia các lớp xóa mù chữ, lớp bổ túc văn hóa được tỉnh quan tâm chỉ đạo.

Nhà giáo Thái Quang Nhạn - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Lúc bấy giờ, rất nhiều học sinh ham học, nhưng vì cơ sở vật chất không có, giáo viên không có, đời sống của người dân thì lại rất khó khăn nên không ít học sinh đành bỏ học; học sinh đi học có khi phải ngồi dưới đất nghe giáo viên giảng bài. Nhiều lớp không có bảng đen phải lấy cánh cửa làm bảng. Không có phấn viết, giáo viên phải lấy củ mì khô làm phấn viết lên cánh cửa. Học sinh đi học không có giấy bút để viết.

Bà Y Xuôi- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhớ lại: Khi mới tách tỉnh, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đều gặp nhiều khó khăn. Tôi được phân công theo dõi khối văn hóa- xã hội. Lúc này, tỉnh rất trăn trở và đặc biệt quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục tới vùng sâu, vùng xa để có trường lớp học và xóa mù chữ, phổ cập giáo dục.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia ủng hộ của người dân, sự nghiệp giáo dục của tỉnh đã từng bước có chuyển biến, phát triển mạnh mẽ về mọi mặt so với sau khi chia tách tỉnh.

Chất lượng giáo dục ngày càng khởi sắc. Ảnh: ĐV

 

Đến năm học 2000- 2001, số trường học trên toàn tỉnh tăng lên 171 trường. 100% huyện, thị xã có trường phổ thông dân tộc nội trú. Số trường học tạm bợ, tranh tre, mái lá giảm dần. Năm 2000, tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2009 được công nhận phổ cập THCS.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 133 trường mầm non (110 trường công lập và 23 trường ngoài công lập); 91 trường tiểu học; 56 trường tiểu học và THCS; 54 trường THCS; 25 trường THPT. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở đào tạo, gồm Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Trung tâm GDTX tỉnh, 8 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 102 Trung tâm học tập cộng đồng. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 99,7%. Toàn tỉnh hiện có 189 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi được giữ vững và phổ cập THCS được duy trì. Tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 và mức độ 2 tăng. Số xã, phường, thị trấn và huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 được giữ vững. Công tác xây dựng xã hội học tập tiếp tục được quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 11.863 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, tăng hơn 10.500 giáo viên.

Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Trung chia sẻ: Chúng tôi rất tự hào về những kết quả của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã đạt được trong hành trình vượt khó đi lên. Đồng thời, chúng tôi nhận rõ trách nhiệm của thế hệ kế cận ngày nay là cần phát huy hơn nữa những kết quả đã được các thế hệ nhà giáo đi trước dày công vun đắp để đưa giáo dục tỉnh nhà phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH ở từng giai đoạn.

“Trong thời gian đến, ngành GD&ĐT tỉnh sẽ tham mưu các cấp có thẩm quyền triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển đội ngũ nhà giáo đảm bảo đủ về  số lượng và chất lượng. Đặc biệt là phát huy tinh thần tự học, sáng tạo của mỗi nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo, đổi mới căn bản, toàn diện về GD&ĐT trên địa bàn tỉnh. Tranh thủ nguồn đầu tư từ cấp trên, huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất và triển khai sử dụng có hiệu quả các chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm hỗ trợ học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục trong điều kiện hiện nay của tỉnh”- Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Trung cho biết thêm.   

Đắc Vinh

Chuyên mục khác