Ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Kon Plông: Nỗ lực vượt khó, ổn định công tác dạy và học

03/10/2019 06:01

Gần 1 tháng triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thầy trò các trường học trên địa bàn huyện Kon Plông nỗ lực vượt khó “dạy tốt, học tốt”, duy trì sĩ số học sinh ở mức cao (trên 96%), cố gắng thực hiện tốt sứ mệnh “gieo chữ” trồng người trên vùng đất còn nhiều gian khó.

Chúng tôi đến thăm Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Măng Cành trong một ngày trời mưa lất phất. Cô giáo Trần Thị Thảo, người có thâm niên dạy học ở huyện Kon Plông 15 năm, trong đó có 10 năm gắn bó với ngôi trường này chia sẻ: Đa số các em học sinh ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ lo làm nương rẫy kiếm sống nên ít quan tâm tới việc học của con em. Vì vậy, các thầy cô giáo phải lặn lội đến từng nhà phụ huynh tuyên truyền, vận động các em đến lớp. Nhiều em chưa rành tiếng phổ thông nên giáo viên đặc biệt quan tâm dạy dỗ, nắn nót từng con chữ để học sinh hiểu và nắm bắt bài học.

Nhà ở thôn Kon Tu Rằng 2 - cách trường học 15km nên mỗi sáng sớm, phụ huynh em Y Xe (lớp 5A) phải chở con đến trường học, sau đó đi làm rẫy, cuối buổi chiều lại đến đón con về. Y Xe nói, vì gia đình nghèo nên em phải lo đi học, tìm kiếm con chữ để sau này đi làm giúp đỡ cha mẹ và nuôi sống bản thân.

“Ở trường, các thầy cô nhiệt tình dạy dỗ, quan tâm từng miếng ăn, giấc ngủ cho học sinh. Em tự hứa với lòng mình sẽ phấn đấu học thật tốt, nghe lời thầy cô dạy bảo để sau này lớn lên trở thành người có ích cho xã hội” - Y Xe bộc bạch.

Cô giáo Trần Thị Thảo, Trường PTDTBT Tiểu học Măng Cành tận tình dạy từng con chữ cho học sinh. Ảnh: QĐ 

Thầy giáo Trần Thông - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Măng Cành cho biết: Năm học này trường có 31 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 232 học sinh, tăng 5 em so với năm học trước, trong đó có 130 học sinh bán trú. Nhiều em gia đình khó khăn nên nhà trường vận động các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, quần áo. Thầy cô ở đây rất tâm huyết với nghề, cố gắng vượt qua khó khăn, tích cực vận động học sinh đi học và nhiệt tình giảng dạy, chăm lo cho các em nên việc duy trì sĩ số học sinh chuyên cần đạt trên 98%. Hiện tại, công tác dạy và học ở trường đã đi vào nề nếp.

Rời Trường PTDTBT Tiểu học Măng Cành, chúng tôi đến thăm Trường THCS Măng Đen. Hiệu trưởng Hoàng Ngọc Đăng vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: Năm học 2019-2020, trường có 7 lớp với 154 học sinh, tăng 4 em so với năm học trước. Về cơ bản, trường có đủ giáo viên dạy các bộ môn, cơ sở vật chất chưa đảm bảo dạy 2 buổi/ngày (hiện chỉ có 50% số lớp được học 2 buổi/ngày), trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học như phòng máy vi tính, phòng thực hành. Tuy còn khó khăn, nhưng tập thể nhà trường cố gắng vượt qua, ổn định công tác dạy và học, duy trì sĩ số học sinh chuyên cần ở mức cao (99%). Hy vọng rằng bước sang học kỳ 2, trường chuyển sang cơ sở mới, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị được đầu tư mới và đồng bộ, trường sẽ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ gieo chữ trồng người cho các em học sinh.

Năm học 2019-2020, huyện Kon Plông có 30 đơn vị trường học, bao gồm 10 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 9 trường THCS và 2 trường TH-THCS, trong đó có 18 trường PTDTBT; 373 lớp học (mầm non 107 lớp, tiểu học 189 lớp, THCS 77 lớp) với tổng số 6.509 học sinh (5.672 học sinh DTTS), trong đó có 2.105 học sinh (509 học sinh mầm non, 1.085 học sinh tiểu học, 511 học sinh THCS) con hộ nghèo được hưởng Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ; tổng số học sinh bán trú có 2.083 em, bao gồm 1.104  học sinh THCS và 979 học sinh tiểu học.

Một tiết học của cô và trò Trường THCS Măng Đen.Ảnh: QĐ 

Thầy giáo Nguyễn Minh Cường - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện cho biết: Ngành GD-ĐT địa phương có nhiều khó khăn. Cụ thể, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy và học, khu nội trú, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ăn cho học sinh tại các trường đều được đầu tư xây dựng từ năm 2000 nên đến nay đã xuống cấp và hư hỏng. Mặt khác, nhiều hộ dân ở huyện thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, phải bươn chải trong cuộc sống nên ít quan tâm đến việc học hành của con cái. Nhiều em học sinh ở xa trường, khi đi học, nhà trường phải chăm lo bữa ăn trưa cho các em (các đối tượng học sinh này không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước) nên các trường có những áp lực nhất định, nhưng vì học sinh thân yêu, các thầy cô đều khắc phục khó khăn để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Tuy gặp nhiều khó khăn như thế, nhưng ngành GD-ĐT huyện Kon Plông kịp thời chỉ đạo, động viên các trường phải cố gắng vượt qua bằng mọi cách có thể; chỉ đạo các trường làm đồ dùng dạy học tự tạo từ những vật liệu sẵn có ở địa phương để phục vụ một phần công tác dạy học; thầy cô giáo các trường đến từng nhà vận động, tuyên truyền để cho cha mẹ quan tâm đến việc học của con em nhằm duy trì sĩ số học sinh chuyên cần…

Trưởng Phòng GD-ĐT Nguyễn Minh Cường cho hay: Trong thời gian tới, ngành GD-ĐT huyện Kon Plông chú trọng đổi mới quản lý việc thực hiện chương trình, kế hoạch, chất lượng giáo dục theo hướng phân cấp, giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường; thực hiện kỷ cương, nề nếp trong dạy học, kiểm tra, đánh giá; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; tăng cường bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới phù hợp với kế hoạch của Bộ GD-ĐT; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS, thực hiện tốt các chương trình dạy ngoại khóa, dạy kỹ năng sống cho học sinh; thực hiện tốt Đề án giáo dục nghề nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông...         

Quang Định

Chuyên mục khác