Ngành GD&ĐT tỉnh: ­­­Sẽ tuyển dụng hết số lượng người làm việc đã được giao

28/09/2023 13:19

Cử tri trên địa bàn tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát chỉ tiêu và  có lộ trình tuyển dụng đội ngũ giáo viên còn thiếu.   
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Đăk Nên, huyện Kon Plông khai giảng năm học 2023-2024. Ảnh: VH

 

Ông Nguyễn Ngọc Sâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Trong thời gian qua, việc tuyển dụng viên chức trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả việc tuyển dụng giáo viên) được UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, địa phương tổ chức tuyển dụng hết số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền giao thuộc thẩm quyền và phân cấp quản lý, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Đối với việc tuyển dụng giáo viên, hiện nay, Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng, nhằm đảm bảo bổ sung kịp thời số lượng giáo viên còn thiếu cho năm học mới 2023-2024 (bao gồm cả 391 giáo viên được Trung ương bổ sung tại Quyết định số 72-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị “về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026” (viết tắt là Quyết định số 72-QĐ/TW)).

Theo báo cáo tình hình chuẩn bị đầu năm học 2023-2024 của Sở GD&ĐT (ngày 10/9/2023), năm 2023, ngành GD&ĐT tỉnh được giao 11.498 chỉ tiêu số lượng người làm việc  trong các đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó, 2.817 chỉ tiêu mầm non, 4.098 chỉ tiêu tiểu học, 3.060 chỉ tiêu trung học cơ sở (THCS), 1.339 chỉ tiêu trung học phổ thông (THPT), 184 chỉ tiêu giáo dục thường xuyên (GDTX). Đến nay, số lượng người làm việc đã tuyển dụng là 10.630 chỉ tiêu; trong đó, 2.499 chỉ tiêu mầm non, 3.797 chỉ tiêu tiểu học, 2.871 chỉ tiêu THCS, 1.314 chỉ tiêu THPT, 149 chỉ tiêu GDTX. Hiện nay, Sở GD&ĐT và các địa phương trên địa bàn tỉnh đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng 868 chỉ tiêu; trong đó, dự kiến tuyển dụng 318 chỉ tiêu mầm non,  301 chỉ tiêu tiểu học, 189 chỉ tiêu THCS, 25 chỉ tiêu THPT,  35 chỉ tiêu GDTX.

Năm học 2023-2024, biên chế giáo viên được bổ sung 391 chỉ tiêu theo Quyết định số 72-QĐ/TW, phần nào đáp ứng được nhu cầu số lượng người làm việc tại các địa phương. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, ngành GD&ĐT tỉnh vẫn còn thiếu 836 giáo viên; trong đó, 437 giáo viên mầm non, 237 giáo viên tiểu học, 140 giáo viên THCS, 22 giáo viên THPT. Cụ thể, thành phố Kon Tum thiếu 113 giáo viên; các huyện Đăk Hà thiếu 104 giáo viên, Đăk Tô thiếu 127 giáo viên,  Ngọc Hồi thiếu 80 giáo viên, Đăk Glei thiếu 139 giáo viên, Kon Rẫy thiếu 74 giáo viên, Kon Plông thiếu 21 giáo viên, Sa Thầy thiếu 49 giáo viên, Ia H’Drai thiếu 100 giáo viên; các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT  thiếu 29 giáo viên.

Để đảm bảo nguồn nhân lực, trong thời gian tới, Sở GD&ĐT phối hợp các địa phương, đơn vị trong tỉnh có liên quan tiếp tục rà soát số lượng  người làm việc trong các đơn vị công lập được giao so với quy mô học sinh để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Trung ương bổ sung số lượng người làm việc cho ngành GD&ĐT tỉnh năm học 2023-2024 và giai đoạn 2022-2026. Đồng thời, tuyển dụng hết số lượng người làm việc đã được giao; điều động, biệt phái và đào tạo văn bằng 2 phù  hợp, nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; bố trí giảng dạy linh hoạt, nhằm đảm dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng đối với các môn Ngoại ngữ, Tin học và các bộ môn mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 và giáo viên mầm non.

Cô và trò Trường Tiểu học Hùng Vương, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy. Ảnh: VH

 

Về ý kiến của cử tri trong tỉnh đề nghị UBND tỉnh “quan tâm giải quyết khó khăn trước mắt đối với giáo viên hợp đồng ngắn hạn do lương thấp”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm trả lời: Hiện nay, việc hợp đồng thực  hiện công tác chuyên môn, bao gồm cả hợp đồng giáo viên ngắn hạn, được thực  hiện theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, ngày 30/12/2022 của Chính phủ “về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập”. Theo đó, tại khoản 2, Điều 8, Nghị định này quy định “Tiền lương trong hợp đồng lao động áp dụng một trong hai hình thức: Áp dụng mức tiền lương theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật lao động hoặc áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức phù hợp với khả năng ngân sách của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trường hợp thỏa thuận áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức, thì các loại phụ cấp được hưởng (nếu có) được tính vào tiền lương; chế độ nâng bậc lương và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến tiền lương thực hiện như công chức, viên chức”.

Như vậy, với các quy định về hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP cơ bản đảm bảo về tiền lương cho giáo viên hợp đồng tốt hơn so với các quy định trước đây. Đồng thời, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 111/2022/NĐ-CP theo đúng quy định.      

Vĩnh Hà

Chuyên mục khác