Ngân vang cồng chiêng

11/02/2021 13:13

Không nhộn nhịp những khúc nhạc xuân hiện đại, Tết càng đến gần, từ đầu làng đến cuối xóm lại vang lên tiếng cồng chiêng rộn ràng. Dưới mái nhà rông, ai nấy đều nô nức tập, chuẩn bị thật kỹ để nổi cồng chiêng hòa đón một năm mới với nhiều niềm vui, hy vọng.

Mặt trời ló rạng, người dân làng Kon Jơ Dreh, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum đã tất bật dọn dẹp nhà cửa, nấu rượu ghè, chuẩn bị bánh trái để gác lại một năm cũ, sẵn sàng đón năm mới.

Trong mái nhà sàn, già A Khăl đưa 2 bàn tay run rẩy lấy chiếc khăn tỉ mẩn lau từng chiếc cồng chiêng. “Mình nói để mình làm cho mà ông ấy không chịu đâu, vì quý chiêng, phải tự tay lau chùi. Chiều nay mọi người tới tập đánh cồng chiêng để đón Tết, dù không đánh được nhưng A Khăl rộn ràng trong lòng lắm” – bà Y Hắt, vợ già A Khăl vừa dọn nhà, vừa đon đả nói.

6 năm nay, kể từ khi bị tai biến, việc đi đứng, ăn uống, nói năng… với già A Khăl trở nên khó khăn. Thế nhưng, điều làm già tiếc nhất lại là việc không thể tham gia đánh cồng chiêng với mọi người. Bà Y Hắt nói rằng, ông A Khăl mê chiêng đến độ mất ăn, mất ngủ. Cách đây mấy chục năm về trước, cơm không đủ ăn, ông vẫn chắt chiu, bỏ ra 15 triệu đồng để mua 1 bộ cồng chiêng. Vừa rồi, có người đến trả 100 triệu đồng, ông nhất quyết không bán, giữ như báu vật.

Già A Khăl hướng dẫn chị em trong làng đánh cồng chiêng. Ảnh: HT

 

Phải khó khăn lắm già Khăl mới có thể bước được một bước. Thế nhưng, chỉ cần nghe nhịp cồng chiêng vang lên, già vẫn dò dẫm xuống các bậc cầu thang gỗ đã mục để được nghe, được thấy, được hòa cùng đội cồng chiêng của làng.

Cũng bởi niềm đam mê cồng chiêng đã ngấm vào máu nên dù không thể tự cầm và đánh cồng chiêng như thời trai trẻ, nhưng già A Khăl vẫn cùng với già làng A Khiu truyền đam mê cho lớp thanh niên, phụ nữ trong làng. Nhọc nhằn trong từng câu nói, già A Khăl mỉm cười tự hào: “Làng mình giờ có tới 4 đội cồng chiêng, đội thanh niên, đội phụ nữ, đội thiếu niên, đội trung niên. Vợ mình, con mình, cháu mình, mấy đứa đều biết đánh cồng chiêng”.

Tay già đánh không được, làm sao để chỉ cho mọi người? Thấy chúng tôi băn khoăn, già liền chậm rãi: “Mình không đánh được nhưng mình nghe nhịp chuẩn lắm. Chỉ cần ai sai, mình phát hiện và nói, hướng dẫn họ sửa liền. Vì việc đi lại khó khăn nên mình nhắn bà con tới tận nhà tập. Mình quý bộ cồng chiêng này lắm, mình không bán nhưng luôn cho dân làng mượn tập luyện”.

Khi thời khắc giao thừa càng đến gần, già A Khăl càng hồi hộp. Vừa lo lau cồng chiêng cho sạch sẽ, mỗi ngày, già còn ngóng trông mọi người tới tập để nổi chiêng, nổi cồng trong những ngày Tết. Nhìn về mái nhà rông cao sừng sững, già vui mừng nói rằng, sắp tới đây, bên bếp lửa bập bùng tỏa hơi ấm, bên ghè rượu say nồng, dân làng sẽ chào đón năm mới bằng âm thanh rộn ràng của cồng chiêng. “Năm mới, tôi nguyện ước rằng bà con sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Tôi mong tiếng chiêng cồng sẽ mãi vang vọng, sẽ được tiếp nối từ đời này sang đời sau, từ thế hệ này sang thế hệ khác” – già A Khăl bộc bạch.

Rời làng Kon Jơ Dreh cũng là lúc trời ngả chiều. Về nhà rông của làng Kon Trang Mơ Nây, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, bà con vẫn đang hăng say tập luyện cồng chiêng để trình diễn thật hay trong ngày xuân. Vừa hướng dẫn cả đội, già làng A HLơn chạy ra đón khách rồi dõng dạc nói: “8h đêm 30 Tết, cả làng sẽ tập trung tại nhà rông để đốt lửa, uống rượu ghè rồi đánh cồng chiêng vào thời khắc giao thừa. Hơi ấm của ngọn lửa, âm vang của tiếng cồng chiêng sẽ thể hiện niềm vui, niềm hân hoan để bà con cùng chào đón năm mới. Trong thời khắc thiêng liêng,tiếng cồng chiêng âm vang sẽ mang lại tinh thần phấn khởi, thể hiện sự đoàn kết, niềm mong mỏi một năm mới bình an, hạnh phúc, mùa màng bội thu”.

Dân làng Kon Trang Mơ Nây tích cực tập luyện chuẩn bị cho đêm giao thừa. Ảnh: HT

 

Nghe lời của già làng, nghĩ về sự rộn ràng trong năm mới, bà con như được tiếp thêm động lực. Gió thổi phần phật, cả đội, ai nấy đều nỗ lực sắp xếp lại đội hình, tập cho nhuần nhuyễn.

Không ai nhớ đội cồng chiêng của làng được thành lập từ năm bao nhiêu. “Phải mấy thế kỉ rồi. Từ đời ông, cha mình truyền lại. Rồi thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, người này mất, người khác lại nối tiếp. Bởi vậy, trong đội, có người gần 70 tuổi, có người 30 tuổi, 20 tuổi, có cháu 13 tuổi… Cứ thế, đội cồng chiêng luôn hiện hữu, có mặt trong hầu hết các lễ hội, sự kiện quan trọng của làng” – nghệ nhân A Đuk cho hay.

Miên man trong từng câu chuyện, nghệ nhân A Đuk và già làng A HLơn thở phào nhẹ nhõm: “Ba năm nay, ngoài đội cồng chiêng chính, làng mình đã truyền dạy cồng chiêng cho phụ nữ và thiếu niên. Bây giờ đội cồng chiêng nữ, đội cồng chiêng thiếu niên đều thành thục rồi”.

Nhớ lần trước, ngồi trong nhà rông, nghệ nhân A Đuk trăn trở, lo sợ sau này cồng chiêng bị mai một. Thế mà giờ đây, chỉ sau một thời gian, các đội cồng chiêng càng phát triển, khơi dậy niềm đam mê truyền giữ cồng chiêng. “Đó là một quá trình vượt qua khó khăn đấy, không đơn giản đâu” – nghệ nhân A Đuk chia sẻ.

Thời gian đầu, nhóm thiếu niên trong làng không chịu học cồng chiêng. Cả đội 15 thành viên, chỉ có 5 cháu đi tập đều, còn lại, già làng và nghệ nhân cứ phải vận động, kêu gọi rồi đến tận nhà để chở đi tập. “Nhiều lúc dạy cũng bực mình lắm. Các cháu cứ nói chuyện, không tập trung, đánh lạc nhịp. Rồi các cháu còn phiên từ nhạc cồng chiêng đánh sang nhạc hiện đại, nhiều trò lắm. Sau này, cùng với già làng, mình cứ vừa dạy vừa dỗ, vừa thủ thỉ, cuối cùng các cháu cũng nghe theo. Bây giờ, các cháu đi tập đều đặn, đánh được 6-7 bài rồi”- nghệ nhân A Đuk vui mừng kể.

Tôi đọc được trong ánh mắt của A Doen – cậu học trò 13 tuổi niềm đam mê cồng chiêng. Chẳng kể trưa nắng, sớm tối, thời gian nghỉ học, A Doen luôn cùng với cả đội tập luyện. A Doen nói rằng chỉ cần nghe thấy tiếng chiêng cồng, tinh thần đã thấy rộn ràng, phấn khởi. Bởi sự đam mê và siêng năng nên A Doen đánh rất thành thục và có thể hướng dẫn cho các bạn cùng trang lứa đánh theo.

Hoàng hôn buông dần, người dân dần về nhà sau một ngày tập luyện vất vả. Trong những lời nói, câu chuyện, mọi người đều động viên nhau cố gắng nhớ bài, nhớ nhịp để đánh vào đêm giao thừa.

Nghĩ đến hình ảnh tiếng cồng chiêng vang vọng, những cái nắm tay thật chặt đong đưa theo điệu xoang truyền thống, mọi người lại cười vang, tất cả hòa chung một niềm phấn khởi, hân hoan, mong muốn một năm mới bình an, hạnh phúc./.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác