Ngân hàng Chính sách xã hội Kon Tum: ​15 năm đồng hành cùng người nghèo

18/09/2017 17:58

​Với mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội, trong 15 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Kon Tum đã triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi, giúp nhiều hộ gia đình có thêm vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống...

Sau 15 năm hoạt động, đến nay quy mô và chất lượng tín dụng của đơn vị được mở rộng và nâng lên toàn diện. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách.

Tổng dư nợ cho vay đạt 2.064 tỷ đồng, tăng 28,6 lần so với năm 2002, với 63.901 hộ còn dư nợ (tương đương 51% tổng số hộ dân toàn tỉnh).

Kết quả, vốn tín dụng chính sách đã giúp 53.043 hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 38,63% xuống 16,34% (giai đoạn 2006- 2010); từ 33,36% xuống 10,26% (theo tiêu chí mới giai đoạn 2010- 2015); năm 2016 giảm từ 26,11% xuống 23,03% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.

NHCSXH tỉnh giải ngân vốn tín dụng chính sách ở một điểm giao dịch. Ảnh: L.S

 

Thông qua hoạt động tín dụng chính sách đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh bám đất, bám làng, phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức trong vay vốn để vươn lên thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Các chương trình tín dụng chính sách cũng đã tác động tích cực đến vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép với công tác khuyến nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi để tăng năng suất, tăng thu nhập cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho chính quyền các cấp gần dân và sát dân hơn; giúp cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vay vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội tập hợp được đoàn viên, hội viên. Và cũng qua đó, nhiều mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả được nhân rộng, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo của địa phương.

Ông Vũ Phương Thi- Chánh Văn phòng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Trong điều kiện thu ngân sách trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương, hàng năm tỉnh đã bố trí một phần ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đến nay, tổng nguồn vốn của ngân hàng đạt 2.072,1 tỷ đồng, tăng 28 lần so với năm 2002. Trong đó, nguồn vốn Trung ương 2.055 tỷ đồng, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương 17,1 tỷ đồng. Đặc biệt, Kon Tum là tỉnh duy nhất trong cả nước thực hiện chính sách hỗ trợ, cấp bù lãi suất đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số thuộc các xã đặc biệt khó khăn mạnh dạn vay vốn để sản xuất kinh doanh, giảm bớt một phần khó khăn trong việc trả lãi hàng tháng cho ngân hàng. Từ đó, hộ vay phấn khởi, tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước, làm thay đổi nhận thức, tư tưởng của một bộ phận người nghèo có tư tưởng trong chờ, ỷ lại sự hỗ trợ cho không của nhà nước và có ý thức vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống gia đình. 

Đánh giá kết quả 15 năm thực hiện vốn tín dụng ưu đãi, ông Lê Danh Thứ- Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Kon Tum khẳng định: Hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã thể hiện tính ưu việt của Đảng và Nhà nước dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, được các tầng lớp nhân dân đón nhận.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đóng góp quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, hạn chế việc cho vay nặng lãi khu vực nông thôn, cải thiện đời sống, góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn.

Ông Lê Danh Thứ cho biết thêm: Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội Kon Tum phấn đấu đáp ứng cho 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn vay ưu đãi, duy trì tỷ lệ nợ quá hạn dưới mức 0,3%/tổng dư nợ. Đơn vị tiếp tục phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị- xã hội nhằm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân 3-4%/năm (riêng huyện nghèo giảm từ 6-8%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.

                                                                             Dương Lê

Chuyên mục khác