Ngăn chặn tín dụng đen “hậu Covid”

17/06/2020 13:03

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía. Tất nhiên, không thể đòi hỏi các giải pháp phát huy hiệu quả trong ngày một ngày hai, nhưng chỉ cần được triển khai tích cực, chúng sẽ giúp rất nhiều người thoát khỏi “bẫy” tín dụng đen đang giăng xung quanh.

Bẵng đi khá lâu, tôi mới gặp lại D. ở một quán cà phê. Cậu ta là người chuyên cho vay nặng lãi ở các chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum. Do có một thời gian, D. thuê nhà trọ ở xóm tôi nên quen biết.

Không dữ dằn, bặm trợn, xăm trổ đầy người, ăn nói bạt mạng như người ta thường thấy ở những “kẻ cho vay nặng lãi”, D. trắng trẻo, thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ, thường tỏ ra hào phóng, dễ tạo lòng tin, nên có không ít khách hàng.

Nhưng phía sau "vỏ bọc" ấy, D. có rất nhiều thủ đoạn dụ "con mồi" sập bẫy. Và dưới "trướng" của D. là những đàn em "cho vay nặng lãi" đúng nghĩa. Chỉ cần có lệnh của D., chúng có thể làm bất cứ chuyện gì để ép nạn nhân phải vay, phải trả những khoản nợ với lãi suất cắt cổ.

Hơn một năm nay làm ăn bết bát lắm anh. Công an "dí" quá, nên em phải dạt về quê, mới vào được ít hôm. Bữa nay có hẹn với bạn hàng - cậu ta xởi lởi.

Tôi chợt thấy lo lắng khi nhìn thấy nụ cười dễ mến ấy. Rất có thể một người buôn bán nhỏ nào đấy đã sập bẫy.

Cách đây hơn một năm, khi thâm nhập thực tế để viết loạt bài về tín dụng đen, tôi đã tận mắt chứng kiến sự hoành hành của những đối tượng như D.   

Theo  rà soát của Công an tỉnh vào tháng 4/2019, toàn tỉnh có 20 cơ sở biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng (tín dụng đen), trong đó có 11 cơ sở không đăng ký với khoảng 50 đối tượng nghi vấn cho vay lãi nặng dưới hình thức dán tờ rơi quảng cáo, hầu hết các nhóm đối tượng đều từ các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An…) vào địa bàn tỉnh để hoạt động.

Sau đại dịch Covid- 19, nhiều trường hợp gặp khó khăn về tài chính, trở thành nạn nhân của tín dụng đen. Ảnh: HL

 

Núp bóng dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh cầm đồ, công ty tài chính mọc lên như nấm sau mưa, các đối tượng này dùng nhiều thủ đoạn ép buộc, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất, chuyển hóa việc vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp...

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các cấp, ngành chức năng và các đoàn thể triển khai nhiều biện pháp cụ thể.

Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh (báo cáo số 162/BC-UBND ngày 12/6/2020), trong hơn 1 năm qua, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện, triệt phá 3 tụ điểm hoạt động tín dụng đen; khởi tố 3 vụ việc, bắt 4 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, thu giữ nhiều vật chứng, tài liệu có liên quan. Phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 1 vụ (2 đối tượng) về hành vi dán tờ rơi quảng cáo cho vay tiền dưới hình thức cầm cố giấy tờ xe mô tô; răn đe, giáo dục đối tượng chuyên đi thu tiền góp hụi.

Theo một lãnh đạo Công an thành phố Kon Tum, lực lượng chức năng còn triển khai các biện pháp xác minh vai trò các công ty, doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hoạt động trung gian tiền tệ, hoạt động cấp tín dụng khác... để chủ động phòng ngừa và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Một trong những giải pháp nữa được đánh giá đem lại hiệu quả thiết thực là mở rộng các kênh tín dụng chính thống nhằm tăng khả năng và mức độ tiếp cận của người dân.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kon Tum triển khai các giải pháp mở rộng và triển khai các hình thức cho vay, sản phẩm dịch vụ ngân hàng đa dạng với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng và hợp pháp của nhân dân. Tính đến ngày 31/3/2020, dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 2.132 tỷ đồng với 16.323 khách hàng còn dư nợ.

Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được triển khai, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng và hợp pháp của nhân dân, góp phần ngăn chặn, đầy lùi hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 31/5/2020, dư nợ cho vay đạt 580 triệu đồng với 22 hộ vay vốn.

Tín dụng đen núp bóng vay trả góp xuất hiện trở lại với phương thức ''tiếp thị tận nhà''. Ảnh: HL

 

Là người có thời gian dài theo dõi hoạt động tín dụng đen, tôi cho rằng sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị đã đem lại kết quả đáng ghi nhận trong cuộc chiến với tín dụng đen. Chưa dám nói là đẩy lùi hoàn toàn, nhưng chỉ riêng việc hàng loạt cơ sở cầm đồ, cho vay tài chính đóng cửa, các đối tượng cho vay nặng lãi thu mình lại hoặc “lặn” mất tăm, không còn hoành hành bá đạo, ngang nhiên phát tờ rơi, quảng cáo trên đường cũng là thành công bước đầu.

Tuy nhiên sau đại dịch Covid- 19, cuộc sống của nhiều người trở nên khó khăn, nhu cầu vay tiêu dùng, vay vốn làm ăn lớn lại là cơ hội để hoạt động tín dụng đen rục rịch tái diễn. Theo thông tin mà chúng tôi có được, hiện trên địa bàn tỉnh có 15 cơ sở và 29 đối tượng nghi vấn cho vay lãi nặng.

Không ai biết còn bao nhiêu cơ sở nữa đang âm thầm hoạt động, chưa bị “điểm mặt”. Sự trở lại của D. (và tất nhiên sẽ có nhiều kẻ như D.) là một dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy điều đó.

Hôm nay, khách hàng của D. là một phụ nữ buôn bán rau củ ở chợ. Cô là một bà mẹ đơn thân, nhặt nhạnh bằng đủ mọi cách để nuôi một đứa con nhỏ và trả tiền thuê căn phòng trọ hơn mười mét vuông.

Dịch bệnh khiến công việc nuôi sống hai mẹ con phải ngưng lại, chút ít tiền dành dụm được cũng tiêu pha hết. Khi hết cách ly xã hội, cô muốn vay tiền để mở lại sạp hàng, nhưng việc tiếp cận nguồn vay chính thống không hề dễ dàng, lại mất nhiều thời gian. Qua giới thiệu của bạn hàng, cô liên lạc với D, nghe “quảng cáo” vay tiền dễ dàng, chỉ cần nộp bản sao chứng minh nhân dân, nhận tiền ngay; nếu vay 1 triệu thì mỗi ngày trả lãi 20.000 đồng.

Cô không biết lãi suất như vậy là cao hay thấp, chỉ nghĩ “nếu vậy cũng như mỗi ngày mình mua 2 tờ vé số thôi mà” nên quyết định gặp D. để vay 2 triệu đồng.

Tôi biết rõ rằng, người phụ nữ này không phải là trường hợp duy nhất “sập bẫy” của D. Và câu chuyện của cô cho thấy, cuộc chiến với tín dụng đen thời “hậu Covid” vẫn không kém gian nan, thậm chí còn khó khăn hơn, vì các đối tượng có phương thức hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp, không dễ nắm bắt, xử lý.

Thay vì ồ ạt mở cửa hàng cầm đồ, công ty tài chính hay dán tờ rơi quảng cáo, những người làm nghề như em rút vào hoạt động bí mật, mở rộng hệ thống chân rết để tiếp cận khách hàng (chủ yếu là người lao động, buôn bán nhỏ), phát tờ rơi tận cửa, quảng cáo trên mạng xã hội- D. nói không dấu giếm.

Ngay trong báo cáo số 162/BC-UBND của UBND tỉnh cũng nhận định, hiện nay, một số địa bàn vẫn xuất hiện tình trạng dán tờ rơi quảng cáo, rao vặt liên quan đến hoạt động cho vay một cách tràn lan, chưa được xử lý triệt để. Điều này cho thấy kết quả triệt phá các tụ điểm, điều tra xử lý tội phạm chưa đạt hiệu quả cao; tỷ lệ khởi tố vụ án, truy tố, xét xử so với tổng số vụ, việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen được phát hiện và tiếp nhận còn thấp.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía. Trong đó, Công an tỉnh cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm hoạt động tín dụng đen. Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật; tổ chức tháo dỡ, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt liên quan đến kinh doanh tài chính, cho vay lãi nặng; nắm bắt nhu cầu vay vốn của các hộ gặp khó khăn để kịp thời giới thiệu nguồn vay chính thống, lãi suất thấp; vận dụng linh hoạt các quỹ hỗ trợ của các hội, đoàn thể để giúp người dân vay vốn làm ăn.

Đặc biệt, hiện nay có nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo và cận nghèo vay với lãi suất rất thấp; các đối tượng khác cũng được cho vay từ nguồn này với mục đích giải quyết việc làm, nước sạch, lãi suất thấp hơn của ngân hàng thương mại. Vì vậy, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội cần phát huy vai trò, tiến hành khảo sát nhu cầu vốn của các cá nhân, hộ gia đình chịu thiệt hại do dịch bệnh Covid- 19, xác định rõ đối tượng được vay vốn.

Tất nhiên, không thể đòi hỏi các giải pháp này phát huy hiệu quả trong ngày một ngày hai, nhưng chỉ cần được triển khai tích cực, chúng sẽ giúp nhiều, rất nhiều trường hợp như người phụ nữ bán rau củ nọ thoát khỏi “bẫy” tín dụng đen đang giăng xung quanh.

Tôi tin vào điều đó!

Hồng Lam

Chuyên mục khác