Ngẫm từ việc phát phiếu điểm danh

06/11/2017 06:05

Mới đây, hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác thông tin đối ngoại, do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, đã thực hiện phát phiếu điểm danh 2 lần/buổi (vào giữa giờ và cuối giờ) đến từng đối tượng. Hình thức điểm danh này tuy là “chuyện nhỏ”, song lại khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Từ việc phát phiếu điểm danh với tần suất có thể nói là “dày đặc”, 4 lần/ngày của Sở Thông tin và Truyền thông, ngẫm lại ý thức của không ít cán bộ, đảng viên trong việc tham gia các hội nghị, các lớp tập huấn được tổ chức trong thời gian qua.

Thực tế, một thực trạng không thể phủ nhận là hầu hết các hội nghị, kể cả các hội nghị quan trọng như hội nghị phổ biến, quán triệt nghị quyết cho Tỉnh ủy tổ chức, đối tượng triệu tập toàn là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Vậy nhưng, tình trạng “đông đủ” vào đầu giờ, “vắng dần” vào cuối giờ vẫn diễn ra khá phổ biến…

Nhờ siết chặt điểm danh nên đến cuối giờ đại biểu tham dự vẫn đông đủ. Ảnh: H.T

 

Mặc dù trong tất cả các hội nghị, Ban tổ chức đều thực hiện công việc điểm danh, nhưng quả thực việc điểm danh chỉ mang tính hình thức, chủ yếu là điểm danh đầu giờ để nắm số lượng đại biểu có mặt so với tổng số đại biểu được triệu tập, chứ chưa chú ý tới việc quản lý sĩ số đại biểu tham dự. Vậy nên mới có tình trạng đợi điểm danh xong là lặng lẽ “biến mất” khỏi hội nghị.

Trở lại với việc điểm danh của Sở Thông tin và Truyền thông, theo hình thức phát phiếu để từng đại biểu trực tiếp ghi họ tên, đơn vị, giờ giấc điểm danh, ký tên vào phiếu vào giữa giờ và cuối giờ mỗi buổi, có nhiều ý kiến cho rằng: cách điểm danh này gây phiền phức, không phù hợp với đối tượng, mất thời gian, tốn giấy tờ…Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, khi ý thức, trách nhiệm của nhiều cán bộ, đảng viên chưa cao, luôn có ý định “trốn” sau khi điểm danh, thì hình thức điểm danh này là công cụ quản lý sĩ số hiệu quả, mà bằng chứng rõ ràng nhất là  hội nghị tập huấn ngày hôm đó, số lượng đại biểu tham dự ổn định từ đầu đến cuối, điều hiếm thấy trong các hội nghị được các cấp, ngành, địa phương tổ chức trước đó.

Kết luận số 1663-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh”, ban hành ngày 24-4-2015, ngoài yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tỉnh thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá nơi làm việc, nơi công cộng; không uống rượu, bia và các đồ uống có cồn khác trước, trong giờ hành chính và giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, còn đặc biệt nhấn mạnh đến việc siết chặt, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

 Việc cán bộ, đảng viên “trốn” khỏi hội nghị sau khi điểm danh (trừ những trường hợp đặc biệt phải về cơ quan giải quyết công việc) là biểu hiện của sự thiếu nghiêm túc, chấp hành chưa nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Bên cạnh đó, việc không có mặt đầy đủ trong các hội nghị, các lớp tập huấn còn ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả tiếp thu các nội dung do báo cáo viên phổ biến, truyền đạt.

 Thiết nghĩ, khi ý thức, trách nhiệm của không ít cán bộ, đảng viên chưa cao thì việc phát phiếu điểm danh như trên trong các hội nghị lớn là việc nên làm.

                                                                                      Hoàng Thúy

Chuyên mục khác