Ngã ba biên vọng tiếng trống chèo

20/02/2020 13:11

Hơn 20 năm rời quê nhà Thái Bình đến ngã ba biên giới sinh sống, lập nghiệp, người dân thôn Ngọc Hải, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi gìn giữ niềm đam mê hát chèo như gìn giữ nếp quê. Trong tâm thức của họ, chèo là món ăn tinh thần không thể thiếu. Đêm đêm, chỉ cần ngồi bên nhau, cùng cất lên những làn điệu chèo quen thuộc là mọi nỗi niềm như tan biến, giúp họ có thêm niềm vui để bắt đầu một ngày mới đầy hứng khởi.

Vào Kon Tum học… hát chèo

“Ai về thăm xã Pờ Y, ghé thăm cửa khẩu quê tôi đẹp giàu. Đập tràn nước chảy rì rào, tưới tiêu, cà, lúa một màu xanh tươi. Đêm trường tiếng mẹ ru hời, nuôi con khôn lớn xây đời tương lai…”. Giữa trưa, từng câu hát chèo ngọt ngào, đậm tính tự sự nơi ngã ba biên như thu hút, níu chân khách đường xa. Theo những giai điệu mượt mà, ghé vào hội trường thôn Ngọc Hải, xã Pờ Y, chúng tôi đắm chìm trong những làn điệu chèo do những người dân nơi đây biểu diễn.

Sự xuất hiện của đoàn khách khiến cả nhóm bất ngờ. Vội ra hiệu ngưng hát, bà Đào Thị Tam đon đả đón khách rồi niềm nở: “Những ngày nông nhàn, chúng tôi lại hát chèo. Bây giờ chúng tôi đang tập luyện để tham gia Hội thi Tiếng hát người cao tuổi sắp tới”.

Bên chiếc bàn cũ kĩ, nhấp chén trà đặc, miên man trong từng câu chuyện, những người đã qua 60 năm cuộc đời kể lại ký ức học hát chèo như một niềm tự hào. “Dù Thái Bình nổi tiếng là cái nôi của hát chèo nhưng thật ra đến khi vào Kon Tum lập nghiệp, chúng tôi mới tập hát chèo. Trải qua rất nhiều khó khăn, câu lạc bộ mới được như ngày hôm nay đấy! Nhờ có câu lạc bộ này, chúng tôi vừa giữ được nếp quê, vừa thắt chặt tình đoàn kết và có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống” - bà Tam mở đầu câu chuyện. 

Rời quê lúaThái Bình từ những năm 90 của thế kỷ trước, vào quê mới lập nghiệp, những người xa lạ bỗng gắn bó với nhau như máu mủ ruột thịt. Thuở ấy, những ngày hội, bà con lại rủ nhau đi xem chèo ở các làng, các xã khác. “Nhiều lần đi xem về, chúng tôi nghĩ mình xuất thân từ quê chèo mà không biết hát chèo thì tệ quá. Vậy nên chúng tôi bàn bạc, tập hợp lại và câu lạc bộ chèo Ngọc Hải thành lập từ đó” - bà Tam nhớ lại.

Không trống chèo, không phách, không đàn nhị, thời gian đầu, câu lạc bộ chỉ hát vo (hát không theo nhạc, theo phách). Đêm đêm, 13 thành viên, mỗi người tự nghe đài rồi hát theo. Người này hát được lại hướng dẫn người kia, cứ thế, thời gian trôi qua, tất cả các thành viên đều thuộc hết 36 làn điệu chèo.

Hát vo một thời gian, nhận thấy “phi trống bất thành chèo”, câu lạc bộ liền nhờ người đánh trống chèo ở xã Đăk Xú về hướng dẫn lại cách đánh trống chèo, gõ phách; nhờ người ở làng Iệc (xã Pờ Y) về dạy thổi sáo.

 Cầm chiếc trống con, ông Nguyễn Hữu Nghĩa thành thục đánh hồi trống rung để mở đầu điệu chèo; ông rù trống, rụp trống, cắc trống lúc khoan lúc nhặt, kết thúc điệu chèo với trống giã đám. Thành thạo là thế nhưng ông vẫn khẳng định việc học đánh trống chèo không hề dễ.

“Hồi đó tôi phải tập trung cao độ để học theo. Chắc do mình quá yêu chèo nên học theo cũng nhanh. Trăm hay không bằng tay quen, ngày ngày tập luyện nên nhanh thành thạo” - ông Nghĩa nói.

Câu lạc bộ Chèo thôn Ngọc Hải thường xuyên có mặt trong các hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương. Ảnh: HT

 

Không chỉ chú trọng vào khâu đánh trống, để việc hát chèo bài bản hơn, ông Vũ Hải Dương cũng mày mò học thổi sáo; ông Tô Đình Nhì cũng chú tâm học kéo đàn nhị. Và rồi, niềm đam mê chèo đã chiến thắng khó khăn, Câu lạc bộ Chèo thôn Ngọc Hải dần hoàn thiện hơn. Từ việc hát vo, các thành viên dần học cách hát theo trống, phách.

“Ngày lo đồng áng, tối đến chúng tôi lại tập trung cùng nhau đàn, hát. Lúc đầu, chưa biết cách vào nhạc, trống, nhị, sáo phải “chạy” theo tiếng hát. Tập luyện nhiều thành quen, bây giờ chúng tôi hát theo trống, theo phách được rồi” – bà Trần Thị Thu – thành viên trong câu lạc bộ phấn khởi chia sẻ.

Truyền lửa đam mê

Sau hơn 20 năm gắn bó, với sự đam mê, cố gắng của các thành viên, Câu lạc bộ Chèo thôn Ngọc Hải đã chuyên nghiệp hơn trước. Máu say chèo có sẵn, dựa trên các làn điệu chèo, các thành viên bắt đầu sáng tác, dàn dựng các hoạt cảnh chèo.

“Vì chèo có chất mộc mạc, tinh tế, giản dị, có tính tự sự, trữ tình nên chúng tôi sáng tác dựa trên hiện thực đời sống. Mới đầu cũng gặp nhiều khó khăn, về sau đồng lòng góp ý, chỉnh sửa, việc sáng tác đơn giản hơn. Nỗi nhớ quê, sự đổi thay trong đời sống, khởi sắc của vùng quê mới đã được chúng tôi gửi gắm vào các làn điệu chèo. Đến bây giờ chúng tôi đã sáng tác được rất nhiều tác phẩm như Gửi quê hương mới Ngọc Hồi, Ca ngợi quê hương Pờ Y, Nam Bắc một nhà, xây dựng nông thôn mới…” - bà Tam nói.

Bên cạnh việc chú trọng vào tiếng hát, câu lạc bộ còn may áo dài, thuê trang phục biểu diễn cho phù hợp với từng bài. Nhờ đó, từ chiếu chèo mộc mạc giữa thôn, các làn điệu chèo như chinh phụ, lới lơ… của Câu lạc bộ Chèo thôn Ngọc Hải đã thường xuyên có mặt trong các hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương. Nhiều tác phẩm đã được lựa chọn đi dự thi tại các cuộc thi cấp huyện, tỉnh và đã đạt nhiều thành tích cao.

Không dừng lại ở việc sáng tác, với mục đích gìn giữ nét đẹp của nghệ thuật chèo, năm 2014, các thành viên trong Câu lạc bộ Chèo đã hướng dẫn, truyền dạy, thắp lửa đam mê nghệ thuật chèo cho các thế hệ con, cháu. “Đến nay đã có 5 cháu ở độ tuổi thiếu nhi biết hát chèo và 5 thành viên từ 30-40 tuổi cũng tập hát. Hát chèo không đơn giản nên khi các cháu theo học, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi” – ông Nghĩa bộc bạch.

14 tuổi theo ông, bà trong câu lạc bộ học hát chèo, dẫu chưa thể hiểu hết được cái hay, tinh túy trong từng làn điệu, lời ca, nhưng được sự chỉ dẫn tận tình, 2 em Đỗ Thị Huế, Trần Thị Nhung đã biết cách hát, cách luyến láy, lấy hơi, ngắt nhịp từng câu, từng chữ của những làn điệu chèo cổ, chèo mới. Và bây giờ, các em có thể tự tin cùng các ông, bà tham gia biểu diễn tại các chương trình giao lưu ở huyện, tỉnh.

Hay em Bùi Văn Sĩ, được nghe các ông bà hát chèo mà trong em nhen nhóm niềm say mê, yêu chèo từ lúc nào không hay. Trong các chương trình văn nghệ tại trường, không chọn những bài hát sôi động, em Sĩ chọn biểu diễn chèo. “Có lần em biểu diễn và đạt giải nhất tại trường. Em rất thích chèo. Em mong muốn bản thân cũng như nhiều bạn khác có thể lưu giữ điệu chèo ở mảnh đất Tây Nguyên này” – Sĩ chia sẻ.

Chiều muộn, các thành viên câu lạc bộ vẫn miệt mài tập luyện. Pờ Y giờ đây không chỉ có tiếng chiêng cồng ngân vang mà còn vang vọng tiếng trống chèo. Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, tiếng chèo đã góp phần làm đa dạng thêm sắc màu văn hóa truyền thống vùng đất ngã ba biên giới.          

Hoài Tiến

Chuyên mục khác