Nếu một ngày đường phố không tiếng chổi...?

24/05/2018 17:59

​Nếu một ngày nào đó, trên đường phố bỗng không còn tiếng chổi quét rác khua xào xạc nữa, không còn những bóng áo xanh bạc màu cặm cụi quét rác nữa, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Đã bao giờ có người hỏi bạn một câu như vậy chưa nhỉ. Riêng tôi, khi nghe câu hỏi ấy, dù biết đó chỉ là hỏi vui, cũng đã giật mình...

Ấy là một buổi tối tháng 5 đẹp trời, tôi dẫn nhóm bạn học từ xa đến thăm đi dạo phố. Bạn tấm tắc khen: Ở Kon Tum thích thật. Phố xá cứ sạch bong; ít bụi bặm, chẳng mịt mù khói xe, không chen chúc giành đường. Là “con dân” Kon Tum nên nghe người "ngoài tỉnh" khen như vậy, tôi thích mê.

Hơn 8h tối, khi đi ngang qua khu vực Quảng trường 16/3 (hướng đường Trường Chinh), chúng tôi vẫn bắt gặp bóng những công nhân vệ sinh môi trường miệt mài làm việc dưới bóng đèn cao áp vàng quạnh quẽ. Một người hỏi bất chợt: Nếu một ngày nào đó, trên đường phố bỗng không còn tiếng chổi quét rác nữa, không còn những bóng áo xanh bạc màu cặm cụi quét rác nữa, thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ? Hẳn rằng mỗi bước chân ta đi đều đặt trên rác...

Những nhát chổi cần mẫn làm sạch phố phường. Ảnh: T.H

 

Tôi không biết, nếu được hỏi câu ấy, bạn sẽ thấy thế nào, riêng tôi, đã giật mình, không phải vì cái viễn cảnh "mỗi bước chân ta đi đều đặt trên rác" mà cậu bạn thích đùa "tưởng tượng" ra, mà vì từ trước đến nay, cũng như bao người, tôi xem sự hiện diện của những công nhân môi trường, những tiếng chổi khua trên mặt đường mỗi ngày là sự hiển nhiên.

Cũng vì vậy, chưa khi nào tôi thắc mắc rằng, hôm qua, sau cơn mưa lớn, con đường này rõ ràng là ngập đất cát và rác, sao mới sáng sớm đã sạch bong, để thành phố Kon Tum chào đón bình minh bằng một hình ảnh tinh tươm, sạch sẽ như thế này rồi?

Và tôi lại nhớ đến khuôn mặt đẫm mồ hôi của chị Nguyễn Thị Chung - phụ trách khu vực Quảng trường 16/3. Vén sợi tóc lòa xòa trên trán, chị dừng nhịp chổi, nói trong hơi thở: Nghề này vất vả, cực nhọc lắm anh ơi, nhất là những ngày mưa bão, tết nhất... Mỗi buổi sáng, để kịp giờ làm, chị em phải dậy từ lúc 4h sáng lo cơm nước cho chồng và các con, rồi vội vã đến chỗ “tập kết”. Cứ thế, công việc cuốn hết thời gian...

Quét cả quãng đường dài, thi thoảng chị mới dừng lại nghỉ đôi chút. Bàn tay chai sần kéo ngang cái khăn bông đã sờn lau vội những giọt mồ hôi, rồi lại chăm chú làm việc, những nhát chổi cần mẫn vang trên đường, nhịp nhàng, đều đặn. Mùa khô cũng như mùa mưa, tiếng chổi của chị hầu như không nghỉ trên những tuyến phố rợp bóng cây xanh.

Có thể, khi nói ra điều này, sẽ có người cho rằng đó là phân công lao động, nhưng, dù là phân công lao động, thì đó cũng là một công việc gian lao, vất vả, phải chịu nhiều thiệt thòi!

Như lời anh Nguyễn Đình Chương- Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Kon Tum: Đa phần công nhân vệ sinh môi trường là nữ. Họ ở các độ tuổi từ 22- 45, tức là vào quãng thời gian “đẹp”, sung sức nhất của đời người, nhưng phải chấp nhận những hy sinh thầm lặng, ít ai biết. Ấy là khi, chỉ cách nhà mấy trăm mét mà đêm giao thừa "khoán trắng" việc chuẩn bị cho chồng con; ấy là khi nghỉ lễ, thiên hạ nô nức đi chơi, còn mình thì... bám mặt đường, thường xuyên “ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm”.

Mỗi ngày, bình quân thành phố Kon Tum phát sinh khoảng 70 tấn rác các loại, điều gì sẽ xảy ra nếu trong vài ngày lượng rác khổng lồ này không được thu gom và xử lý? Điều đó cho thấy, công việc thu gom rác thải hàng ngày của những người công nhân vệ sinh môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường thành phố.

Và vì vậy, mỗi ngày vẫn có hơn 300 công nhân vệ sinh môi trường ở thành phố Kon Tum đã, đang và sẽ vượt qua những “thị phi” đời thường để làm việc và chính công việc thầm lặng của họ đã góp phần xây dựng thành phố trẻ này ngày một xanh - sạch - đẹp.

Chị Hoàng Thị Mong (Đội vệ sinh 1) - phụ trách khu vực Trung tâm thương mại cho biết: Thu gom rác cũng không phải dễ, ở nhiều tuyến đường, người dân không đổ rác đúng giờ mà tiện lúc nào vứt lúc ấy; ngay cả khi đi vứt rác cũng không đúng vị trí tập kết mà tiện tay ném thẳng ra đường, có khi công nhân môi trường quét phía trước, phía sau đã có rác.  

Công việc quét dọn, gom rác, chuyển đến địa điểm tập kết được bắt đầu từ 18h và thường kết thúc vào thời điểm quá nửa đêm, sau khi xe thu gom đã vận chuyển rác về bãi rác tập trung. Đó là những ngày thường, còn vào dịp lễ tết, mưa bão hay cuối tuần, lượng rác tăng đột biến thì phải làm đến 2 - 3h sáng. Về đến nhà chỉ tranh thủ chợp mắt được vài tiếng đồng hồ lại phải dậy lo buổi sáng đưa đón các con đến trường.

Ngoài ra, công nhân vệ sinh môi trường thường xuyên tiếp xúc với người dân, nhưng không phải ai cũng thông cảm cho cái nghề vất vả này. Chị Doãn Thị Hồng Hạnh (Đội vệ sinh 3) từng kể: Một hôm đang thu gom rác dưới lòng đường, một cô gái trẻ đứng ở tầng ba một ngôi nhà rồi gọi “ê rác” và vứt ngay bịch rác xuống lòng đường, cái túi ni lông bị vỡ, rác vương vãi khắp nơi.

Gặp những trường hợp như vậy tôi thấy buồn lắm. Có nhiều người mình chỉ nhắc họ bỏ rác đúng giờ, đúng điểm quy định nhưng họ cũng tỏ thái độ khó chịu - chị tâm sự.

Cũng theo chị, một vấn đề nhức nhối về rác thải hiện nay là một số tuyến đường trong thành phố có kinh doanh ăn sáng, rác xả nhiều, nhưng lại không mấy người có thói quen quét dọn rác thải ở khu vực mình buôn bán. Vì vậy, nhiều đoạn đường, công nhân môi trường mới quét dọn sạch sẽ lúc đêm, nửa buổi sáng hôm sau đã ngập rác.

"Giá như chính quyền và đơn vị chức năng có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những hộ kinh doanh không đảm bảo vệ sinh môi trường này"- chị Hạnh mong muốn.

Sáng nay, tôi tiễn bạn về trên tuyến đường Duy Tân sạch sẽ, tinh tươm, dù rằng chiều tối qua trời có mưa giông, gió quật ào ào trên những tán cây. Và tôi hiểu rằng, trên mỗi con đường mình qua, mỗi đoạn đường mình tới đều mang dấu ấn của những con người làm những công việc lặng thầm, hữu ích.

Hiểu để trân quý!

Thành Hưng

Chuyên mục khác