Nét xuân nơi căn cứ năm xưa

31/01/2020 06:14

Năm mới Canh Tý đã về, năm ghi dấu kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum tự hào đã có nhiều đóng góp, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vẻ vang của dân tộc, cùng cả nước giành thắng lợi vào ngày 30/4/1975 lịch sử. Đón mừng xuân mới, chúng ta cùng về thăm lại những vùng căn cứ kháng chiến năm xưa, trong niềm phấn khởi, lạc quan trước đổi thay ở những nơi này.

Công việc dù bộn bề nhưng chị Y Mỹ Hạnh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Đăk Glei vẫn thu xếp cùng chúng tôi “về nguồn”, thăm lại Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei. Đường về xã Đăk Choong thênh thang, râm mát. Đứng trong sân khu di tích trên đồi cao, gió vi vút thổi.

Năm 1927, âm mưu thôn tính toàn bộ Tây Nguyên nên thực dân Pháp mở đường 14 từ Kon Tum lên Đăk Tô- Đăk Pek- Đăk Glei. Năm 1932, Pháp xây dựng nhà tù Đăk Glei, ban đầu giam giữ thường phạm người địa phương, sau giam giữ tù chính trị ở Kon Tum bị bắt lên làm đường 14. Sau năm 1939, nơi này được biến thành “căng an trí” để giam cầm các chiến sĩ cộng sản mang án chung thân. Các chiến sĩ cộng sản, các nhà hoạt động cách mạng đã bị giam cầm tại đây như ông Lê Văn Hiến, Chu Huy Mân, Trần Văn Trà, Tố Hữu... đã thắp lên ngọn lửa của tinh thần đoàn kết, ý chí giải phóng dân tộc ở vùng cực Bắc Tây Nguyên. Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH- TT&DL) công nhận ngày 30/12/1991, là một trong số di tích đầu tiên được công nhận sau ngày tỉnh Kon Tum được thành lập lại. Di tích này đã được trùng tu, tôn tạo, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng của tỉnh Kon Tum.

 “Cán bộ, nhân dân xã Đăk Choong rất tự hào vì địa bàn xã là nơi ghi dấu di tích lịch sử cách mạng ngục Đăk Glei. Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm chỉ đạo mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống kiên cường của các chiến sĩ cộng sản ngục Đăk Glei năm xưa; động viên, khích lệ tinh thần yêu nước, ra sức phát triển kinh tế  - xã hội, xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp”  - ông A Nhã, Chủ tịch UBND xã Đăk Choong chia sẻ.

Ngục Đăk Glei ghi dấu các chiến sĩ cộng sản bị giam cầm. Ảnh: TN

 

Qua trung tâm xã Đăk Choong chưa đầy 10 cây số, đường vào xã Xốp, xe bon bon chạy. Sang xuân, màu vàng của hoa dã quỳ còn vương lại cho lòng thêm phấn chấn. Xốp Nghét là một trong số 7 thôn/làng của xã. Chúng tôi đã may mắn gặp ông A Nghem - thân nhân một cán bộ của làng kháng chiến Xốp Dùi năm xưa. “Ông nội mình là A Chen, bà nội là Y Lây. Ông bà mình đi theo cách mạng từ sớm, là gia đình cơ sở cách mạng tiêu biểu của làng kháng chiến Xốp Dùi. Ông không ở nhà mấy đâu, toàn làm chòi ở trong rừng để tập hợp thanh niên xây dựng căn cứ ở đấy thôi. Thường tối ông mới về làng họp bà con, phổ biến, tuyên truyền cho mọi người chủ trương của Đảng, cách mạng; vận động, tổ chức phong trào…” - ông A Nghem kể.

Được biết, làng kháng chiến Xốp Dùi là mô hình làng kháng chiến đầu tiên được hình thành ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng và trở thành hình mẫu trong phong trào đấu tranh giữ làng của đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ mô hình điểm này, sau đó, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Xốp, huyện Đăk Glei đã xây dựng 9 làng kháng chiến, đóng góp nhiều công sức trong hai cuộc kháng chiến. Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày 22/12/2015, lễ công bố quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với di tích làng kháng chiến Xốp Dùi đã được tổ chức. Xã Xốp tự hào về những đóng góp, hy sinh của cán bộ, nhân dân địa phương trong kháng chiến đã được ghi nhận và quyết tâm phát huy truyền thống của cha ông, đoàn kết xây dựng vùng căn cứ cách mạng năm xưa ngày càng ổn định và phát triển.

“Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo bà con phát huy mọi nguồn lực, nhất là vốn từ Chương trình 135 và các dự án đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn để phát triển cây cà phê, cây bời lời và từng bước chuyển sang trồng cây dược liệu, tăng thu nhập, giảm nghèo”- Chủ tịch UBND xã Xốp - A Ruổi phấn khởi cho biết. 

Song song với ổn định canh tác khoảng 500 ha cây lương thực thực phẩm các loại, xã Xốp hiện đã trồng được 190 ha cà phê xứ lạnh, 2 ha sâm dây và khoảng 2 sào sâm Ngọc Linh. Trên cơ sở tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa mà trọng tâm là phát triển cây cà phê xứ lạnh và cây dược liệu, xã phấn đấu trong nhiệm kỳ công tác khóa mới (2020-2025), tiếp tục kéo giảm gần 40% hộ nghèo hiện còn, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Ông A Nghem và làng kháng chiến Xốp Dùi hôm nay. Ảnh: TN

 

Xã Ngọc Tem từng là nơi H29 gây dựng căn cứ, công tác trong khoảng 15 năm kháng chiến chống Mỹ, từ 1960 đến 1975. Đồng bào dân tộc địa phương đi du kích, vào bộ đội, tham gia xây dựng lực lượng kháng chiến, đồng thời tận dụng địa hình rừng núi, nơi có sông suối để trồng tỉa, đóng góp lương thực nuôi cán bộ, bộ đội. Sau ngày giải phóng, đồng bào Ngọc Tem đoàn kết một lòng theo Đảng, theo cách mạng, chăm lo sản xuất, chung tay xây dựng cuộc sống mới.

Bà Y Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem cho biết: Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt gần 970 kg lương thực có hạt, tăng hơn 130 kg/người so với năm 2015. Xã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới. Tất cả 12 thôn đều có nhà văn hóa gắn với bảo tồn nét đẹp truyền thống của người Ka Dong, H’Rê trong sinh hoạt cộng đồng. Những năm qua, mỗi năm, bình quân xã giảm hơn 5% hộ nghèo, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 25% vào năm 2020.

Nền cũ nhà làm việc của cơ quan H29 tại xã Ngọc Tem. Ảnh: TN

 

Khu di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông nằm ở độ cao 1900 m so với mặt nước biển. Vượt qua đoạn đường dốc hơn 3 cây số để đến nơi, nhưng nơi đây luôn là điểm đến có sức hút đối với các cựu chiến binh, du khách gần xa và nhất là đối với các em học sinh với mong muốn trở về nguồn cội của cách mạng, tìm hiểu truyền thống, khám phá thiên nhiên đã hình thành, gắn bó với mảnh đất và con người qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Chúng tôi may mắn gặp ông A Duân - già làng Pu Tá, xã Măng Ri; nguyên là giao liên, làm liên lạc cho Tỉnh ủy Kon Tum trong giai đoạn từ tháng 4/1964 đến đầu năm 1965.  Già A Duân rất vui mừng vì khu căn cứ Tỉnh ủy năm xưa vẫn được giữ gìn, bảo vệ cẩn thận, một số điểm đã được quy hoạch để trồng sâm Ngọc Linh. Loài “thuốc giấu” của đồng bào Xơ Đăng thưở nào đã trở thành “Quốc bảo”, kỳ vọng được đầu tư bằng nhiều nguồn lực và theo lộ trình để giúp người dân địa phương giảm nghèo, phát triển kinh tế. Trong đó, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ dân, người lao động địa phương được bà con nhiệt tình ủng hộ.

Khu di tích lịch sử căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum tại xã Măng Ri. Ảnh: TN 
 

Kon Tum, vùng Bắc Tây Nguyên kiên cường trong kháng chiến, là nơi ghi dấu nhiều di tích lịch sử cách mạng. Cùng với Ngục Kon Tum, Ngục Đăk Glei, căn cứ Tỉnh ủy, căn cứ H29; có thể kể đến di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, chiến thắng Plei Kần, chiến thắng Măng Bút, chiến thắng Đăk Pek, di tích lịch sử và danh thắng Măng Đen, di tích lịch sử cách mạng căn cứ kháng chiến Đăk Ui, làng kháng chiến Xốp Dùi, di tích lịch sử phân xưởng luyện gang - quân giới khu 5 tại xã Đăk Kôi - Kon Rẫy… Có dịp đến những nơi này, chúng ta càng cảm nhận một cách chân thực và sâu sắc sự đổi thay rất đỗi tự hào, sức sống mới vô cùng đáng trân trọng từ những mảnh đất đầy gian khổ, hy sinh năm xưa.

Thanh Như

 

 

 

 

 

 

Chuyên mục khác