Nét xuân của người Thái ở vùng biên giới Ia H’Drai

27/01/2020 13:03

Sau gần 5 năm thành lập, huyện biên giới Ia H’Drai đã trở thành quê hương thứ hai của đồng bào nhiều địa phương, trong đó có các cư dân đến từ các huyện Quan Sơn, Bá Thước... (tỉnh Thanh Hóa). Không chỉ chăm lo lao động sản xuất, ổn định cuộc sống trên vùng đất mới, bà con còn tâm huyết giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Thái phía Bắc của Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam tỉnh Kon Tum.

Cũng như đồng bào các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, dịp đón năm mới thường là mùa lễ hội tưng bừng của người Thái. Nét xuân tươi đẹp nhất được gìn giữ và trao truyền cho con cháu của đồng bào Thái trên vùng đất mới Ia H'Drai chính là “Kin chiêng boọc mạy”, tức là hát múa ăn tết dưới cây bông. Năm 2017, Kin chiêng boọc mạy đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ông Hà Văn Trường (xã Ia Đal, huyện Ia H'Drai) - người Thái gốc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho hay: Kin chiêng boọc mạy là hội làng mang nhiều ý nghĩa tâm linh, cầu “ông may bà một”; thể hiện tấm lòng tôn kính tổ tiên, ông bà, cầu trời đất cho mưa thuận gió hòa, dân làng được khỏe mạnh, bình an, may mắn, làm ăn phát đạt, no ấm, hạnh phúc. Bên cây bông sắc màu rực rỡ được chính bà con làm ra từ một số loại cây lá gần gũi trong tự nhiên, mọi người quây quần hát múa tưng bừng trong tiếng chiêng, tiếng trống.          

Nét độc đáo của cồng chiêng dân tộc Thái được chị Hà Thị La ở xã Ia Đal giới thiệu: Giàn chiêng truyền thống của dân tộc Thái gồm 4 chiêng, một trống. Từ xa xưa, vui, buồn với bà con đều có tiếng chiêng, tiếng trống. Dùng khi gặp việc buồn thì chỉ cần có một cái chiêng, một cái trống; trong hội vui, lễ mừng thì kết hợp cả 4 cái chiêng và 1 cái trống.

Hát múa bên cây bông. Ảnh: TN

 

“Trong lễ hội năm mới, mừng Xuân, nhà nào cũng cúng tổ tiên, ông bà. Lễ vật chẳng cầu kỳ đâu, nhưng không thể thiếu gà trống và xôi bảy màu” - chị  Lương Thị Hưng ở thôn 1, xã Ia Dom cho biết.

Không riêng Kin chiêng boọc mạy, mà lễ mừng lúa mới, dựng cây nêu hay một số lễ hội, lễ mừng khác của cộng đồng người Thái đều thể hiện sinh động những nét đẹp văn hóa dân gian đa dạng, đặc sắc; từ nghi thức cúng tế mang tính tâm linh, hình thức tổ chức vừa trang nghiêm vừa gần gũi; đến nét đẹp trang phục, vốn quý âm nhạc truyền thống, các trò chơi dân gian... Riêng múa xòe, múa sạp dân dã đã trở thành “thương hiệu” văn hóa truyền thống quý báu của bà con.

“Múa sạp là vui nhất, đẹp nhất. Cả già trẻ trai gái đều hòa vào đấy, tạo ra không khí của ngày hội lớn, tưng bừng, rộn rã. Không cần phải tập tành gì đâu, chỉ nghe tiếng nhạc là nhảy theo được rồi, chỉ nghe điệu nhạc là gõ cây sạp nhịp nhàng theo luôn…” - chị Hà Thị Lận ở thôn 1, xã Ia Dom cảm nhận.         

Trang phục của phụ nữ Thái với váy thổ cẩm và áo cóm do chính các bà các mẹ các chị các em dệt và may, mang nét đẹp vừa kín đáo vừa duyên dáng riêng; càng tô điểm thêm cho nét xinh tươi, duyên dáng trong điệu múa xòe, múa sạp truyền thống.

Vui múa sạp. Ảnh: TN

 

Chị Lương Thị Hưng ở thôn 1, xã Ia Dom giới thiệu thêm: Áo cóm là loại áo ngắn, có dây buộc sau cổ. Mặc áo cóm thường kèm theo các phụ kiện (thắt lưng, vòng cổ, khăn quàng…) cho thêm sặc sỡ, ấn tượng. Có nhiều màu áo để lựa chọn, không chỉ theo sở thích, mà còn phù hợp với lứa tuổi (già, trẻ), dành cho thanh nữ hay thiếu nữ có chồng.   

Hội Xuân của người Thái ở vùng biên giới thuộc các xã Ia Dom, Ia Đal, Ia Tơi huyện Ia H'Drai không chỉ tưng bừng với chiêng trống, hát, múa; mà càng thêm cuốn hút, rộn ràng hơn với các trò chơi dân gian, mang đậm bản sắc. Tung còn (hay ném còn) là trò chơi dân gian không thể thiếu. Không chỉ tạo cơ hội gặp gỡ, “se duyên” lứa đôi trong những ngày đầu năm vui tươi, phấn khởi; hội tung còn chính là không gian kết nối mọi người trong cộng đồng, cùng hướng về mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, chung tay tạo dựng cuộc sống no ấm, tiến bộ. Chung tay gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống trong cộng đồng dân cư, đồng bào Thái ở huyện biên giới huyện Ia H'Drai góp phần làm đa đạng, phong phú thêm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số DTTS Bắc Tây Nguyên. Theo anh Lữ Văn Quảng - nghệ nhân trẻ hát dân ca nổi tiếng ở xã Ia Dom, được giao lưu, biểu diễn tại các sự kiện văn hóa cũng là dịp giới thiệu, lan tỏa nét đẹp văn hóa của người Thái ở Ia H'Drai đến các dân tộc anh em trong tỉnh.

Thanh Như

Chuyên mục khác