Nét đẹp cồng chiêng nữ

13/11/2019 13:08

Không chỉ ngọt ngào với khúc dân ca, duyên dáng bên bếp lửa, cần mẫn bên khung cửi…, những người phụ nữ Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Giẻ Triêng… vùng Bắc Tây Nguyên còn mang một nét đẹp không kém phần lạ lẫm mà cuốn hút khác. Ấy là nét đẹp trong điệu cồng chiêng say mê.

Đi rẫy đi vườn về, công việc nhà xong xuôi, gần 7 giờ tối, các chị em ở làng Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) rủ nhau đến nhà bà Y Hanh để tập cồng chiêng, chuẩn bị biểu diễn trong một hoạt động văn hóa của địa phương.

Không rộng lắm, nhưng khoảnh sân của nhà nghệ nhân dệt thổ cẩm có tiếng đã trở thành nơi gặp gỡ, tụ họp của các chị em nặng lòng với văn hóa dân tộc. Bà Y Yin cho hay: “Ban đầu, các bà, các chị nhờ thôn trưởng A Phê nhiệt tình chỉ dạy. Khi đã nắm bắt “những đường cơ bản” thì chị em tự tập. Người này bổ sung cho người kia”. Bà Yin đảm nhận “vị trí” chiếc cồng lớn, nhờ chịu khó để ý, miệt mài tập luyện nên nhanh chóng thành thạo. Cộng với “cái máu” văn nghệ chảy sẵn trong người, nên hễ đưa chiếc cồng lên, hòa với tiếng chiêng của chị em là bà “phiêu” luôn trong cả động tác lẫn dáng hình.         

Bộ cồng chiêng truyền thống của người Ba Na phổ biến có 11 chiếc, gồm 3 chiếc cồng và 8 chiếc chiêng. Trong đội cồng chiêng nữ làng Kon Klor, mỗi người thường thạo một chiếc, song nhiều khi cũng có thể đảm nhận ở những vị trí khác nhau trong dàn cồng chiêng. Không thua kém cánh đàn ông, các bài chiêng đều được họ diễn xướng thuần thục và mang phong cách riêng.        

Văn hóa dân gian của đồng bào Ba Na cũng như các DTTS ở tỉnh Kon Tum có bề dày truyền thống, trải qua nhiều thế hệ, luôn được gìn giữ và phát huy trong đời sống cộng đồng. Từ xa xưa, như có một sự phân công “ngầm”, nam giới đánh cồng chiêng, đan lát; phụ nữ thì dệt vải, múa xoang... Trong các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng và gia đình, hình ảnh những chàng trai say sưa đánh cồng chiêng hòa quyện với điệu xoang cuốn hút của các cô gái đã làm thành nét đẹp lâu đời, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nghệ nhân Y Đer dạy đánh chiêng. Ảnh: TN

 

Tuy vậy, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa; cồng chiêng đã được phụ nữ học hỏi, tiếp cận, dần trở thành một nét đẹp trong thời đại mới của các chị em… Cồng chiêng nữ để lại dấu ấn rất riêng, vừa mạnh mẽ, khỏe khoắn, vừa thanh thoát, dịu dàng. Cồng chiêng nữ thêm một lần chứng tỏ khả năng tiềm tàng, đa dạng của chị em, góp phần làm phong phú thêm nét đẹp của di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận.

Để làm quen với cồng chiêng, với phụ nữ không hề dễ. Bởi trước hết, không như xoang nhẹ nhàng, uyển chuyển trong mỗi động tác, đánh cồng chiêng cần sức lực nhất định để có thể mang chiếc cồng (chiêng) và dẻo dai di chuyển. Cùng với đó là khả năng cảm âm và kỹ thuật gõ chiêng (cồng) tạo thành âm thanh tổng hòa của màn diễn xướng.

Cồng chiêng dành cho nữ không bắt buộc nên việc đến với loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này thường xuất phát từ đam mê, yêu thích của chị em. Nghệ nhân ưu tú Y Blưn ở làng Kon Tum Kơ Pâng (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum), được biết đến là một trong số phụ nữ đầu tiên của tỉnh mạnh dạn học đánh cồng chiêng. Tuy không thường xuyên góp mặt trong đội chiêng nữ, song chính kiến thức và thành thạo kỹ năng cơ bản đã giúp bà truyền dạy cho nhiều lớp thanh, thiếu niên trong làng. Và đặc biệt, bà còn dàn dựng các tiết mục cồng chiêng - xoang mang “hơi thở mới” cho các cháu học sinh bằng chính sự sáng tạo, biến hóa không ngừng trên nền tảng các bài chiêng truyền thống.

Việc hình thành và phát triển cồng chiêng nữ cũng gắn liền với những kỷ niệm cuộc đời của Nghệ nhân ưu tú Y Kha ở làng Kon Klốc (xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà). Từ những năm 1997-1998, cuộc sống khó khăn khiến cả làng không giữ nổi một bộ cồng chiêng để giao lưu, sinh hoạt. Đau đáu một nỗi niềm, người cha thân yêu của bà trong lúc ốm đau, bệnh tật đã cố gắng chỉ dạy, bày tập cho con gái từng nhịp chiêng đầu tiên bằng chính những chiếc nắp xoong cũ của gia đình. Được tiếp thu, học hỏi từ cha, nên ngay khi làng được hỗ trợ một bộ cồng chiêng, Y Kha đã là một trong số người đi đầu tập luyện, tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống cho dân làng. “Tinh thông” cồng chiêng cũng đã giúp bà khôi phục lễ hội dân gian và các chương trình văn hóa truyền thống của cộng đồng.

Ở làng Kon Stiu (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà), bà Y Đer không chỉ giỏi xoang, mà còn học hỏi nghệ nhân lão luyện để đan lát mây tre và đánh cồng chiêng. Ban đầu thật là khó, song nhờ chăm chỉ học hỏi, bà đã nắm bắt những bài chiêng cơ bản và sử dụng thành thạo một số vị trí trong giàn cồng chiêng của dân tộc Xơ Đăng (nhánh Tơ Đrá). Những năm qua, bà Y Đer cũng giúp sức cho Nghệ nhân ưu tú A Nian dạy cồng chiêng cho các cháu học sinh trong làng, trong xã.

Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, dòng chảy văn hóa truyền thống được tiếp nối đã lan tỏa niềm say mê, tình yêu của những người phụ nữ các lứa tuổi với cồng chiêng, làm thành một nét đẹp riêng, vừa lạ vừa quen.

Thanh Như

Chuyên mục khác