Neo lại làng mới

16/08/2017 07:06

​Cuộc đời mỗi người luôn gắn liền với những chuyến đi. Ai rồi cũng sẽ phải bước qua muôn nẻo đường chông chênh, xuôi ngược. Nhưng với một số người dân Lào ở các tỉnh Attapư, Sê Kông, không biết “cái chân” đưa đẩy thế nào họ neo lại ở làng mới Đăk Ba, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi. Và họ đã thành người Việt lúc nào không biết, thi thoảng họ mới nhớ tới bộ tộc, nhớ tới buôn làng quê xưa…

Chúng tôi tới làng Đăk Ba vào một buổi sáng khi khói bếp đầu ngày của bà con vẫn đang vấn vít trên những mái ngói. Làng Đăk Ba chìm trong khung cảnh thật yên bình. Làng Đăk Ba có 199 hộ, trong đó có trên 20 hộ người Lào. Sau nhiều năm di cư tự do hết vùng rừng này đến vùng rừng khác, vô định trong cuộc mưu sinh, cuối cùng những người Lào này đậu lại ở vùng đất xã Đăk Dục, mong muốn được định cư lâu dài.

Đường làng Đăk Ba. Ảnh: L.S

 

Ghé nhà A Kôn, chúng tôi gặp các con của ông là A Trung, Y Thị và mấy đứa cháu ngoại. Ông chậm rãi kể: Tôi là người Lào gốc ở huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông, cùng vợ con đi qua Việt Nam năm 1991. Sang tới đất Việt Nam, vợ chồng tôi tiếp tục vượt núi, băng rừng đi về phía trước để đuổi theo kịp gia đình người chú mà không biết đích đến ở đâu. Được bà con Ngọc Hồi đùm bọc, tôi ở lại làng này. Năm 1995, tôi cùng vợ con được nhập quốc tịch Việt Nam; năm 2003, được chính quyền hỗ trợ tái định cư, chia đất ở, đất sản xuất. Vợ tôi mất năm 2000, nay cả 5 đứa con tôi đã trưởng thành, lập gia đình với con em người Jẻ - Triêng tại đây...

Nói tiếng Việt sõi, ông A Chức ở sát nhà ông A Kôn kể chuyện thật sôi nổi. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã khắc sâu vào tâm trí của hàng triệu người dân và cán bộ, chiến sĩ cách mạng Lào. Năm 1972, ông cũng tham gia Bộ đội Cụ Hồ và về nghỉ năm 1976. Người Việt, người Lào không chỉ chung một chiến hào, mà còn hạt gạo cũng chia đôi; cùng đoàn kết chiến đấu, chống kẻ thù chung để giải phóng đất nước và hôm nay còn thể hiện sâu sắc trên mặt trận xây dựng cuộc sống mới. Ông qua đây cùng con cháu, đôi lúc nhớ làng, nhớ bộ tộc lại về thăm. Nhiều người Lào có dòng tộc ở đây cũng thường qua lại thăm viếng nhau.

Y Thị là thế hệ thứ 2, “bắt chồng” là một chàng trai Jẻ - Triêng làng bên. Những người trẻ như Y Thị đã gắn bó với làng Đăk Ba mà không cần đến một cuộc vận động định canh, định cư khó nhọc nào. Y Thị giờ có 2ha cao su và 0,2ha hồ tiêu. Giữa dân di cư tự do Lào và người dân sở tại không có sợi dây chia cách nào.

Làm việc với Y Xui - cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo của xã Đăk Dục, chúng tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều về nguyên nhân của những người Lào ở làng Đăk Ba không di cư tự do nữa. Họ được hỗ trợ tái định cư, được giải quyết đất sản xuất, đất ở như người dân sở tại. Họ sống hòa nhập với cộng đồng từ việc ăn, ở, học hành đến nét văn hóa cũng nhiều điểm tương đồng nên níu chân họ. Người lạ bước vào làng Đăk Ba không thể nhận ra căn nhà nào là của người Lào vì trong nhà có những trang trí, vật dụng của người Lào có cả những vật dụng, trang trí của người Việt. Nhưng hầu hết người Lào đến sinh sống ở địa phương này là hộ nghèo, thiếu kiến thức sản xuất, canh tác. Đăk Dục có 11 thôn, trong đó Đăk Ba là một trong những thôn nghèo nhất, hiện còn 19 hộ nghèo.

Bà Y Un với nỗi nhớ xa xăm. Ảnh: L.S

 

Chiều muộn, trên đường về, trong tôi cứ suy nghĩ miên man. Dọc tuyến biên giới hai huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei, chuyện nhiều người Lào di cư tự do qua làm ăn sinh sống là câu chuyện chưa hề cũ. Nhưng trên cơ sở gắn kết tình cảm hữu nghị lâu đời của hai dân tộc Việt - Lào, hai Chính phủ đang nỗ lực giải quyết và có chính sách sắp xếp, ổn định những cư dân này.

Lê Sang

Chuyên mục khác