Náo nức ra quân

20/02/2024 18:08

Nghề nghiệp đã cho tôi cơ hội được dự nhiều lần ra quân đầu năm. Và phải nói rằng, tôi mê vô cùng những buổi ra quân đầu năm ấy. Khí thế lắm. Náo nức lắm.
Từ ngày mùng 5 Tết, người dân xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà) đã ra đồng chuẩn bị đất trồng rau màu. Ảnh: TH

 

Đã thành thông lệ, hay đúng hơn là thành một nét đẹp hàng năm, sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, các địa phương, đơn vị tổ chức ra quân đầu năm. Năm nay, các huyện, thành phố đồng loạt tổ chức ra quân đầu năm gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh vào sáng 11 tháng Giêng, tức ngày 20/2.

Mục đích của các hoạt động ra quân đầu năm là tạo khí thế sôi nổi, thi đua yêu nước, hăng say lao động, sản xuất ở cấp, ngành, đơn vị, địa phương ngay từ những ngày đầu xuân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên, học sinh tham gia các hoạt động tích cực, sôi nổi, tạo hiệu ứng lan tỏa, làm động lực thúc đẩy triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới.

Nghề nghiệp đã cho tôi cơ hội được dự nhiều lần ra quân đầu năm. Và phải nói rằng, tôi mê vô cùng những buổi ra quân đầu năm ấy. Khí thế lắm. Náo nức lắm.

Cũng có những ý kiến hai chữ “ra quân” có vẻ như đã bị lạm dụng quá mức, bị “hô biến” thành một hình thức hô hào, biểu dương lực lượng, gây tốn kém tiền của và thời gian.

Điều này cũng khó trách. Bởi trong một năm có biết bao nhiêu cuộc “ra quân” được tổ chức. Ngày an toàn giao thông thì ra quân lập lại an toàn giao thông; Ngày môi trường thì ra quân làm vệ sinh môi trường; Ngày phòng cháy chữa cháy thì ra quân phòng cháy chữa cháy. Dịp tết ra quân trấn áp tội phạm.

Nói chung, rất thường có những cuộc ra quân! Và đôi khi, nó bị “hô biến” thành một hình thức hô hào, biểu dương lực lượng gây tốn kém tiền của và thời gian.

Trên thực tế cũng đã có những buổi ra quân, sau bài phát biểu khai mạc của lãnh đạo, đại diện chính quyền, ban ngành, đoàn thể cầm cuốc bổ vài cái, cầm xẻng xúc vài nhát để quay phim, chụp ảnh xong là đi, để lại phía sau buổi ra quân chệch choạc, bà con hò nhau làm tý rồi cũng tản mát dần. Nhưng sau đó, những con số trên báo cáo vẫn rất... tốt đẹp.

Nhưng cả những người khó tính nhất cũng không thể bắt bẻ, hay phản đối một điều rằng, có những cuộc ra quân là nét đẹp, mang lại ý nghĩa thực sự, đem lại khí thế mới, quyết tâm mới cho cả một hành trình dài phía truớc.

Đó là ra quân đầu năm!

Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945 đến nay, trải qua 79 mùa Xuân, nét đẹp khai xuân (hay ra quân đầu năm như cách gọi ngày nay) vẫn được duy trì.

Hàng năm, sau Tết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước vẫn dự lễ ra quân đầu năm ở các địa phương, doanh nghiệp. Chủ tịch nước dự lễ tịch điền (cày ruộng) tại một số địa phương, phát động toàn dân tích cực hưởng ứng, tham gia “Tết trồng cây”.

Xuân Giáp Thìn này, chiều mùng 6 tháng Giêng, tức ngày 15/2, trong ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hiệu quả cao tại tỉnh Hải Dương. Và Thủ tướng đã trực tiếp điều khiển máy cấy để cấy lúa trên cánh đồng, trong tiết trời lất phất mưa xuân.

Hình ảnh ấy có sức lay động trái tim hơn triệu lời nói. Đây cũng là cách để động viên, khích lệ toàn dân bước vào một năm mới với niềm tin mới, thắng lợi mới.

Tôi lại nhớ đến những giọt mồ hôi trên gương mặt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong những buổi ra quân đầu năm ở các thôn, làng.

Không phải bài phát biểu chuẩn bị sẵn nặng hô hào, không phải chiếc xẻng có cán được cuốn giấy xanh đỏ đẹp đẽ mà chính những giọt mồ hôi lăn dài ấy có sức lan tỏa mạnh mẽ, truyền lửa cho mọi người trong ngày ra quân đầu năm.

Ngay sau Tết, bà con nông dân tập trung chăm sóc cà phê. Ảnh: TH

 

Tất nhiên, dù không có lễ ra quân, thì bà con nông dân cũng ra đồng chăm bẵm cây trồng từ khi hương vị Tết còn níu kéo trong nhà. Người trồng cà phê nô nức rủ nhau kéo máy, rải ống bước vào mùa tưới; người trồng cao su đi dọn thực bì phòng cháy; người trồng lúa đi lấy nước, bón phân, làm cỏ.

Tôi đã được dự những buổi ra quân đầu năm hừng hực khí thế, nhưng lại ở tận... vùng sâu. Không cờ hoa, không biểu ngữ, không băng rôn kẻ khẩu hiệu hô hào, nhưng bà con tập trung từ rất sớm, hăng hái làm việc và làm vượt kế hoạch đề ra của buổi ra quân.

Như xóm tôi, từ ngày 8 tháng Giêng cũng tổ chức ra quân nạo vét mương thoát nước, phát cỏ, dọn rác. Từ các con hẻm, từng ngôi nhà, mọi người vội vã tập hợp. Không loa phóng thanh rộn rã, không cờ và băng rôn phấp phới, nhưng mọi người đều hớn hở, háo hức tham gia.

Khi tôi vừa dừng xe trước cổng, chị trưởng thôn đã dúi vào tay cái cuốc, băm bổ: “Này cậu, sao còn lơ ngơ đứng ở đó? Cuốc đây, xắn tay áo vào làm đi”. Mọi người cười xòa. Không khí náo nức mà hòa hợp.   

Người dân thì vậy, cơ quan hành chính thì sao? Sau kỳ nghỉ Tết, trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới (mùng 6 Tết), tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, không khí làm việc đã trở lại bình thường, nghiêm túc, an toàn, vì dân phục vụ.

Bạn bè gần xa hào hứng chia sẻ hình ảnh ngày đi làm đầu tiên. Náo nức lắm. Tất nhiên, bên cạnh sự náo nức ấy vẫn thấy rõ sự chỉn chu, nghiêm túc trong công việc, với đồng phục chỉnh tề, với tất bật sổ sách, giấy tờ.

Tại thành phố Kon Tum, ngay từ sáng sớm của ngày làm việc đầu tiên, từ các cơ quan hành chính, sự nghiệp đến các doanh nghiệp nhà nước, không khí làm việc đã trở lại nhộn nhịp, nghiêm túc. Ở trụ sở UBND thành phố Kon Tum, cán bộ, công chức đã có mặt đông đủ, bắt tay vào làm việc bình thường; tập trung nắm bắt tình hình trong dịp Tết, triển khai các hoạt động ra quân đầu năm ở các xã, phường.

Cán bộ lãnh đạo thành phố đã sớm xuống các cơ sở xã, phường để kiểm tra, nắm bắt tình hình công việc đầu năm. Tại bộ phận giải quyết các thủ tục hành chính, cán bộ, công chức luôn thường trực để kịp thời giải quyết các công việc của công dân.

Nhưng khi mà năm cũ đã khép lại cùng những vui buồn cũ, xuân mới, năm mới đã mở ra với bao hy vọng và niềm tin thì cũng rất cần buổi ra quân đồng loạt với khí thế thi đua tưng bừng, phấn khởi lắm chứ.

Hơn nữa, một lễ ra quân đầu năm trên toàn tỉnh cũng là để đưa khẩu hiệu “đầu năm vất vả để cuối năm thong thả” thành hiện thực; để dẹp bỏ những thói quen không còn phù hợp.

Thành Hưng

Chuyên mục khác