Nặng gánh mưu sinh

22/10/2017 18:00

Nặng gánh nặng mưu sinh, lo toan cuộc sống gia đình, với không ít người phụ nữ, ngày 20/10 cũng giống như bao nhiêu ngày bình thường khác.

4h sáng, bên ngoài chợ trung tâm thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) đã tấp nập kẻ mua, người bán. Ẩn hiện dưới màn sương mù dày đặc, ánh đèn điện công lộ mờ mờ, ảo ảo, chị Trần Thị Thu (40 tuổi, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) loay hoay lấy hàng do các mối quen mang tới từ sáng sớm.

Hải sản tươi sống từ vùng biển các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng chở lên, đủ loại. Nào là cá tươi, cá hấp, cá khô, mực tươi, mực hấp, tôm, cua biển... Còn thịt heo, thịt bò, thịt gà được các lò mổ thủ công tại địa phương cung cấp. Các loại rau, củ, quả từ thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà chở lên.

Chị Thu tranh thủ mua thêm vài bó rau xanh để bán lại cho người dân vùng sâu. Ảnh: Q.Đ

 

Sắp xếp các loại thực phẩm tươi sống, rau củ đâu vào đấy trong 2 chiếc giỏ to, chị vội vàng ăn vội tô bún riêu giò cho ấm bụng, rồi khởi đầu một ngày mưu sinh khi trời vừa hửng sáng.

Bươn chải kiếm tiền để chăm lo cho cuộc sống gia đình, hơn 15 năm nay, ngày nào cũng như ngày nấy, kể cả trời mưa hay trời nắng (trừ những lúc ốm đau), với chiếc xe máy cà tàng, “cái chợ di động của chị” rong ruổi trên các nẻo đường đồi núi heo hút, đến tận các thôn làng ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn 2 huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei để buôn bán, trao đổi hàng hóa, cung cấp thực phẩm tươi sống, đặc biệt là các loại thủy hải sản cho người dân.

Chị chia sẻ: Nhà có 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Ông xã công việc bấp bênh, việc làm lúc có lúc không, lại thường xuyên đau yếu, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu nên mọi chi tiêu trong gia đình đều do một mình tôi gánh vác là chính. Công việc mỗi ngày của tôi bắt đầu từ hơn 3h sáng, đến 9-10h tối mới về tới nhà. Tắm rửa, ăn uống xong xuôi, lo ngủ lấy lại sức để sáng sớm mai bắt đầu một ngày làm việc mới.

Tuy công việc vất vả nhưng mỗi ngày, chị cũng kiếm được 400-500 nghìn đồng. Bán xong thực phẩm mang theo, chị mua chuối, bắp, bí, dưa và các loại đặc sản của bà con địa phương, về nhà bán lại cho các mối quen để họ đi bán lẻ.

Khi chúng tôi hỏi chị ngày 20/10 là ngày gì, chị bẽn lẽn trả lời không biết, chỉ nhớ mang máng là ngày phụ nữ gì đó.

“Đi làm mệt mỏi, khổ cực nhưng điều hạnh phúc nhất của tôi là các con chăm học, biết bảo ban lẫn nhau, vâng lời cha mẹ. Chồng cũng thương yêu vợ con, chăm lo việc nhà, không rượu chè bê tha như một số người đàn ông khác.” - chị Thu bày tỏ.

Tương tự như khu chợ đêm ở huyện Ngọc Hồi, khoảng từ 2-5h sáng mỗi ngày, khu chợ đầu mối bán rau, hoa, củ, quả trên trục đường Lê Hồng Phong và đường Trần Hưng Đạo (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) luôn luôn tấp nập người mua, kẻ bán.

Trải tấm ni lông rộng khoảng 2m2 xuống vệ đường, cẩn thận vuốt lại cho phẳng, đầu vẫn còn quấn chiếc khăn kín tai, vừa cởi bỏ chiếc áo lạnh dày cộp, chị Lê Thị Thảo (45 tuổi, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) bắt đầu xếp từng bó rau (rau  muống, rau dền, rau mồng tơi, rau cải...) mua từ các nhà vườn. Vừa xếp rau, chị vừa tính nhẩm để trả tiền hàng cho các chủ bán rau.

Chị Thảo cho hay, đã gần 20 năm nay, chị bán rau ở chợ Kon Tum. Trước đây, khi thì bán ở dọc đường Hoàng Văn Thụ, khi thì ở đường Ngô Quyền, lúc thì chuyển qua đường Lê Hồng Phong. Sau này, khi khu vực sân vận động cũ được chính quyền cho phép lập chợ tạm, chị đăng ký 1 chỗ ngồi và buôn bán ổn định ở đây từ đó đến nay.

Chị Thảo (áo xanh, ngồi đếm tiền trả cho khách) vất vả mưu sinh ở chợ tạm Kon Tum. Ảnh: Q.Đ

 

Trò chuyện với chúng tôi, chị Thảo cho biết: Hằng ngày, chị phải thức dậy từ 3 - 4h sáng, chạy xe máy 5km ra chợ đêm mua rau từ các nhà vườn rồi bán lẻ lại cho khách. Bán đến khoảng 9-10h30 (tùy từng ngày, đắt hay ế), lại phải tính toán, tất bật đi mua đồ ăn để kịp về nhà chuẩn bị bữa cơm trưa cho gia đình. Thu nhập mỗi ngày khoảng 200.000 đồng, cũng tạm đủ cho những bữa cơm đạm bạc của 6 thành viên trong gia đình.

Một mình chị đi chợ mua bán rau để nuôi bố mẹ chồng già, 2 đứa con đang đi học, trong đó có 1 đứa đang học đại học. Chồng chị hành nghề chạy xe ôm, thu nhập không được bao nhiêu, cả gia đình chỉ trông nhờ vào chị là lao động chính.

Lăn lộn trong nghề viết lách đã gần 30 năm, chúng tôi nhận thấy phần lớn những người phụ nữ nghèo, nặng gánh mưu sinh đều cho rằng, ngày 20/10 đối với họ không hề có điều gì đặc biệt. Thậm chí với nhiều người, khoảng thời gian đó còn là thời điểm mà họ phải tất bật, vất vả hơn những ngày thường vì còn tranh thủ mua thêm hoa tươi bán để kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó.

Họ rất đáng trân trọng và rất đẹp, đẹp trong lao động và đẹp vì đức hy sinh tần tảo, với niềm hy vọng vào ngày mai tươi sáng của các con. Với họ, có thể phải vất vả hơn một chút, phải thức khuya dậy sớm hơn một chút nhưng quan trọng hơn cả là làm sao cho chồng, cho các con có bữa ăn tươm tất hơn, cuộc sống đủ đầy hơn...

Quang Định

 

Chuyên mục khác