Nâng cao ý thức phòng dịch

03/11/2021 06:00

Những ngày vừa qua, việc liên tiếp ghi nhận ca Covid-19 trong cộng đồng khiến ai cũng lo lắng. Nhưng càng những lúc như thế này, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, càng cần sự đoàn kết, nâng cao ý thức của mỗi người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

1. Hơn 1 tuần nay, kể từ khi Kon Tum có ca Covid-19 trong cộng đồng, công tác phòng dịch cơ quan tôi có nhiều thay đổi, theo hướng siết chặt hơn việc tuân thủ các quy định.

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của Trung ương, của tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các cấp như lâu nay, cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan còn triển khai thực hiện nghiêm các phương án phòng dịch do cơ quan đã chủ động xây dựng trước đó.

Mọi người được yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K, không tập trung đông người; mỗi khi hội họp, từng cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Nếu ai đó vì một lý do gì chưa thực hiện đúng quy định đều bị tổ phòng, chống dịch Covid-19 của cơ quan theo dõi, nhắc nhở.

Trong công việc thường ngày, các phòng chuyên môn trong cơ quan cũng đã chọn giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc; các khâu, các bộ phận hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nhau; mỗi phòng tự sắp xếp công việc để bố trí nhân lực làm việc hợp lý, tránh tập trung đông người, nhưng hiệu quả và chất lượng công việc luôn được đảm bảo. Riêng với lực lượng phóng viên thì chấp hành nghiêm quy định của cơ quan trong đi lại, tác nghiệp và phụ trách địa bàn, lĩnh vực.

Trong các lực lượng tuyến đầu chống dịch, báo chí là ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, do đặc thù công việc phải đi lại và tiếp xúc nhiều. Vì vậy, mọi người luôn nhắc nhở và động viên nhau nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức trong công việc cũng như phòng dịch để vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người và cộng đồng, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện cách ly mới được cách ly tại nhà. Ảnh Hồng Lam

 

2. Buổi trưa, H- cô hàng xóm của tôi nhắn tin trên zalo nhóm khu dân cư rằng gia đình cô chuẩn bị đi cách ly tập trung, vì vô tình tiếp xúc phải F0 từ nơi khác.

Thay vì lo lắng, hoảng sợ, các thành viên trong nhóm zalo hết sức bình tĩnh. Là người trong nhóm, tôi hiểu rất rõ nguyên nhân của sự bình tĩnh ấy. Đó là ai cũng biết chắc rằng mình và người thân của mình sẽ không thể trở thành F2, F3 trong trường hợp này, bởi khá lâu rồi, nhất là từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía Nam cho đến bây giờ, bà con trong khu dân cư không còn tụ tập trò chuyện cùng nhau như trước đây; thay vào đó, ai ở nhà nấy, nếu có việc gì cần thăm hỏi thì gọi điện thoại hoặc nhắn tin trên zalo nhóm.

Đặc biệt, từ khi Kon Tum có ca Covid-19 trong cộng đồng, ý thức phòng dịch của bà con càng được nâng cao hơn. Ai có việc phải đi làm hoặc cần thiết mới ra khỏi nhà, còn chưa thật sự cần thiết thì không ra ngoài.

Vợ chồng ông bà B- cạnh nhà tôi đã 65-66 tuổi, hơn tuần nay không ra khỏi nhà. Lương thực, thực phẩm hay vật dụng sinh hoạt trong gia đình đều do con cháu mua đem tới. Qua điện thoại, bà B cho biết, mặc dù đã tiêm được 1 mũi vắc xin nhưng con cái sợ bố mẹ lớn tuổi, sức đề kháng yếu nên cứ dặn đi dặn lại là phải hạn chế ra ngoài.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên việc nâng cao ý thức "phòng bệnh" hơn "chữa bệnh" của bà con nơi tôi ở thật đúng với tinh thần mỗi người dân là một "chiến sĩ"; mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một “pháo đài” chống dịch.

3. Những ngày gần đây, đi trong phố, tôi chứng kiến nhiều hộ gia đình bị gắn biển đỏ trước nhà với dòng chữ "Hộ gia đình đang có người theo dõi sức khỏe tại nhà sau cách ly tập trung" hoặc “Hộ gia đình đang có người cách ly tại nhà". Gia đình cô bạn tôi cũng nằm trong diện này, sau khi người thân của cô vô tình “chạm” phải F0 nên phải đi cách ly tập trung, vậy là cả gia đình ấy bỗng chốc trở thành F2, thuộc diện cách ly tại nhà.

Nhưng thay vì lo lắng, các thành viên trong gia đình bạn rất điềm tĩnh. Trong quá trình thực hiện cách ly, mọi người chấp hành rất nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Nếu cần mua sắm gì bạn nhờ người thân hoặc thuê người bán hàng giao hàng tận nơi và đặt ngay trước cổng nhà rồi ra lấy.

Bạn nói, đã từng có những trường hợp vì chấp hành không nghiêm việc cách ly tại nhà để dẫn đến hệ quả dịch bệnh lây lan ra cộng đồng là điều rất đáng tiếc, ảnh hưởng đến rất nhiều người. Là công dân sống có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, bản thân mình không thể thấy sai mà vẫn cứ làm. Chấp hành nghiêm việc cách ly tại nhà cũng là cách góp phần phòng, chống dịch hiệu quả.

Cách ly là điều không ai mong muốn, nhưng nếu ai cũng nghĩ được như gia đình bạn thì cộng đồng sẽ bớt lo lắng hơn rất nhiều.

Sự thay đổi có thể nhận thấy rõ nhất là đa số người dân đều không hoang mang, hoảng sợ và ý thức được “mỗi người chấp hành tốt quy dịnh phòng dịch” mới có “cộng đồng an toàn”.

Đây cũng là điều kiện tiên quyết để giữ “màu xanh” cho Kon Tum.

Sông Côn

Chuyên mục khác