Nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy trong doanh nghiệp

28/12/2018 07:59

​Cháy, nổ thường để lại thiệt hại nặng nề về tài sản, thậm chí gây thương vong cho con người. Phòng, chống cháy nổ là một yêu cầu hết sức cần thiết đối với mọi người, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trong những ngày cận kề Tết…

Tôi có dịp theo đoàn kiểm tra của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các doanh nghiệp, mới thấy đa số các doanh nghiệp này rất coi trọng công tác phòng, chống cháy nổ.

Ở mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều tuân thủ đúng các quy trình về phòng cháy, chữa cháy; đảm bảo các yếu tố kỹ thuật khi lắp đặt các hệ thống điện, hệ thống vận hành máy móc cũng như thành lập các đội phòng cháy, chữa cháy với phương châm “3 tại chỗ”…

Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp phối hợp với lực lượng chữa cháy cơ sở tổ chức diễn tập tại Công ty xổ số kiến thiết Kon Tum

 

Ông Trần Hoàng Đạo - Giám đốc Truyền tải điện Kon Tum chia sẻ: Điện có nguy cơ cháy, nổ rất cao, hậu quả có thể gây thiệt hại nặng nề về tài sản, nguy hiểm đối với tính mạng con người. Vì thế, công tác phòng, chống cháy nổ được đơn vị chúng tôi xem là nhiệm vụ thường xuyên. Trong quá trình vận hành truyền tải điện, chúng tôi luôn chú trọng đến các yếu tố kỹ thuật, đảm bảo các quy định về phòng cháy, chữa cháy; kiên quyết không để xảy ra sơ suất, dù sơ suất nhỏ nhất có thể dẫn đến cháy, nổ…

Qua tìm hiểu được biết, truyền tải điện là một hệ thống dày đặc các thiết bị bao gồm dây dẫn, công tơ, trạm biến áp…, rất có nguy cơ xảy ra cháy, nổ khi có những yếu tố tác động hay sơ suất về kỹ thuật; khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản bởi giá trị của những thiết bị này rất lớn. Do đó, trong những năm qua, Truyền tải điện Kon Tum đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống cháy nổ.

Truyền tải điện Kon Tum có 5 đơn vị trực thuộc, mỗi đơn vị đều có đội phòng cháy, chữa cháy riêng của mình. Hàng quý, các đội phòng cháy chữa cháy đều được tổ chức luyện tập, tập huấn và hàng năm tham gia diễn tập toàn đơn vị, nên các lực lượng tại chỗ này rất nhuần nhuyễn trong công tác phòng cháy, chữa cháy, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có tình huống cháy, nổ xảy ra.

Không chỉ ở Truyền tải điện Kon Tum, Công ty TNHH Công Danh, cơ sở chế biến gỗ tại Khu Công nghiệp Hòa Bình (thành phố Kon Tum) cũng đặc biệt quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy. Ngoài nhận thức được tầm quan trọng công tác này, doanh nghiệp có nhiều khách hàng “khó tính” - đặt hẳn điều kiện khi giao dịch đó là bắt buộc doanh nghiệp phải đạt các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy như phải có giấy chứng nhận của cơ quan thẩm quyền về phòng cháy, chữa cháy mới ký hợp đồng giao dịch. Bởi vậy, nhiều năm nay, Công ty TNHH Công Danh luôn chú trọng đến công tác phòng, chống cháy nổ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng nhân viên của công ty, xem đó là vấn đề “sống còn” trong quan hệ kinh doanh.

Thượng tá Đặng Việt Dũng - Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) cho biết: Nhìn chung, các cơ sở nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy, nên khi đi vào hoạt động đều xây dựng các phương án chữa cháy; ban hành, niêm yết nội quy, quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy phù hợp với tính chất hoạt động của cơ sở mình. Đặc biệt, ở các cơ sở này đều thành lập đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và cử nhân viên, người lao động tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy…

Qua thực tế đi theo đoàn kiểm tra, tôi được chứng kiến nhiều cơ sở, doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Hòa Bình đã lắp đặt hệ thống chữa cháy vách tường, trang bị máy bơm chữa cháy; các bình chữa cháy xách tay đều được bố trí dọc theo các phân xưởng sản xuất. Ngoài ra, một số cơ sở còn có lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, bể nước, bể cát… tại các phân xưởng sản xuất, nên khi có cháy xảy ra, những công nhân này cũng chính là lực lượng chữa cháy cơ sở, kịp thời dập tắt đám cháy khi mới bắt đầu xảy ra cháy…

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp xem nhẹ công tác này, thậm chí còn lơ là, chủ quan trước mối đe dọa của “giặc lửa”.

Thượng tá Đặng Việt Dũng chia sẻ thêm: Có những doanh nghiệp không tuân thủ các quy trình về phòng cháy, chữa cháy. Ngoài việc thiếu sót về quản lý theo dõi phòng cháy, chữa cháy, các doanh nghiệp này còn chưa tuân thủ đúng các bước, quy trình về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Kiểm tra hệ thống PCCC tại Xí nghiệp may Kon Tum

 

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, một số doanh nghiệp, cơ sở có nhiều sai phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy. Những vi phạm thường gặp đó là doanh nghiệp xây dựng phương án chữa cháy chưa phù hợp so với thực tế; không cử người tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy; không tổ chức học và thực tập phương án chữa cháy theo quy định; không mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật… Thậm chí, có doanh nghiệp khi bị kiểm tra còn thách thức cả cơ quan chức năng khi kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy…

Thượng tá Đặng Việt Dũng nói: Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, Phòng sẽ tăng cường công tác kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các doanh nghiệp. Nếu phát hiện vi phạm chúng tôi sẽ yêu cầu khắc phục. Doanh nghiệp nào, cơ sở nào cố tình không chấp hành, chúng tôi sẽ kiến nghị đình chỉ giấy phép hoạt động.

Mọi hiểm họa cháy, nổ ngoài nguyên nhân khách quan, còn do một phần lỗi của con người bởi sự thờ ơ, vô cảm, thiếu tránh nhiệm đã dẫn đến cháy, nổ. Hãy vì một cuộc sống bình yên, vì hạnh phúc của mọi người, mọi nhà, hãy chung tay tuyên chiến với “giặc lửa”…

Bài ảnh: Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác