Nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số

07/03/2025 13:20

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến ngày 30/6/2025, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Điều đó cho thấy, công cuộc chuyển đổi số đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng, tạo nền tảng để hoạch định bước đi mạnh mẽ hơn.

Tại Phiên họp tổng kết hoạt động Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu gương đi đầu, tiên phong trong nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp luận về chuyển đổi số.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến ngày 30/6/2025, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc.

Chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ cũng phù hợp với chủ đề chuyển đổi số năm 2025 là: “Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số”.

Chuyển đổi số không đơn thuần là ứng dụng công nghệ mà là thay đổi tư duy. Ảnh: T.H

 

Điều đó cho thấy, công cuộc chuyển đổi số ở nước ta đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng, tạo nền tảng để hoạch định bước đi mạnh mẽ hơn.   

Tại tỉnh ta, trong những năm qua, nhất là từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 18/02/2022 về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác chuyển đổi số của tỉnh đã có bước tiến mạnh mẽ.

Nhận thức và hành động về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến, cả trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực thi chính sách lẫn đầu tư hạ tầng số, phát triển nền tảng số.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh được kết nối với Hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ truy cập, thực hiện việc nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến bằng tài khoản duy nhất là tài khoản định danh điện tử - VNeID.

Đã cập nhật, cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và Cổng Dịch vụ công quốc gia là 1.406 dịch vụ công trực tuyến (335 dịch vụ công trực tuyến một phần và 1.101 dịch vụ dịch vụ công trực tuyến toàn trình) còn lại 334 thủ tục hành chính không xác định là dịch vụ công trực tuyến.

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình có phát sinh hồ sơ trực tuyến/Tổng số lượng dịch vụ công có phát sinh hồ sơ đạt 31,07%; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến dịch vụ công trực tuyến toàn trình/Tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt 28,6%.

Toàn tỉnh có 566 tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp xã, thôn với 2.519 thành viên, đủ để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cập nhật, ứng dụng công nghệ vào cuộc sống và sản xuất.

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ cơ sở. Ảnh: TH

 

Không thể phủ nhận, thuận lợi lớn là hiện nay 100% số xã, phường, thị trấn đã phủ sóng thông tin di động; tỷ lệ dân số được phủ sóng băng rộng di động (3G, 4G, 5G) đạt 99,38%; 100% xã, phường, thị trấn có mạng cáp quang; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 58,34%.

Nhưng để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, chỉ đầu tư hạ tầng số là không đủ, mà trước hết phải tính đến yếu tố con người. Bởi sự đổi mới sẽ không có ý nghĩa gì nếu người sử dụng chưa nhận thức đúng, đủ và hạn chế về năng lực.

Hiện nay, chuyển đổi số ở cấp cơ sở đang gặp khó khăn lớn nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ về công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị còn thiếu. Tại cấp xã, phường không có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin nên việc tiếp cận, vận hành hệ thống, hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số còn khó khăn...

Bên cạnh đó, lâu nay, cán bộ, công chức cấp cơ sở vẫn còn quen với môi trường “thực”, xử lý văn bản giấy, nên khi chuyển lên môi trường số, nghĩa là bỏ thói quen cũ, sẽ lúng túng, thậm chí là nảy sinh tư tưởng né tránh, ngại thay đổi.

Hoặc không ít người nghĩ rằng chuyển đổi số chỉ liên quan đến mặt công nghệ,  mà không biết rằng trọng tâm của chuyển đổi số là nhận thức và năng lực của chính mình.

Bởi vậy, để có thể đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề đặt ra không chỉ là đầu tư cho công nghệ mà còn là thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, nhất là cấp cơ sở.

Theo đó, cần nâng cao năng lực tiếp nhận cái mới của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, coi đây là yếu tố cốt lõi để không bị lỗi nhịp với chuyển đổi số.

Đẩy mạnh bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số; nâng cao năng lực khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm dùng chung đã được tỉnh triển khai.

Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển trạng thái cung cấp dịch vụ công từ “xin - cho” sang trạng thái “chủ động - phục vụ”; đẩy mạnh xóa bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình hướng tới dịch vụ số cá nhân hóa, không phụ thuộc địa giới hành chính.            

Thành Hưng

Chuyên mục khác