Nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân vùng biên

04/05/2018 07:01

​Ngày 15/7/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1133 về thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho mỗi người dân vùng biên giới. Cho đến nay, cán bộ và nhân dân ở vùng biên đã tiếp cận được những kiến thức về pháp luật…

Để chuẩn bị triển khai Đề án trong giai đoạn này, ngay khi kết thúc giai đoạn 1 (2013-2016), ngay từ đầu năm 2017, Ban chỉ đạo Đề án đã biên soạn và phát hành 8 đề cương, 15 loại tờ gấp tuyên truyền pháp luật bao gồm các luật, nghị định mới ban hành có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân trên khu vực biên giới. Các đề cương, tờ gấp này được rút ngắn, gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, hình thức trình bày phong phú, dễ bắt mắt để mọi người dân có thể tiếp cận những kiến thức pháp luật một cách dễ dàng, phù hợp với điều kiện và trình độ dân trí của người dân.

Ngoài việc biên soạn tài liệu, Ban chỉ đạo Đề án chỉ đạo, hướng dẫn các đồn Biên phòng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền 10/13 xã biên giới tiếp tục duy trì hoạt động 10 “Câu lạc bộ tư vấn pháp luật” với 57 thành viên được thành lập ngay từ giai đoạn 1, để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Bộ đội Biên phòng chuẩn bị đưa sách, tài liệu phục vụ phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở

 

Các câu lạc bộ này được đặt tại các phòng đọc của đồn Biên phòng, điểm Bưu điện văn hóa xã, phòng đọc UBND xã … hoạt động nề nếp, duy trì cán bộ trực tiếp dân với hiệu suất làm việc 2 buổi/tuần, nên phát huy tác dụng, kịp thời giải đáp những vấn đề, vụ việc liên quan đến pháp luật khi người dân có nhu cầu tìm hiểu.

Ngoài ra, tại các đồn biên phòng và 13 xã biên giới luôn duy trì hiệu quả hoạt động của 35 ngăn sách, tủ sách pháp luật; mỗi ngăn sách, tủ sách có khoảng 40-60 loại sách và 35-55 loại tờ gấp tuyên truyền pháp luật. Các tài liệu về pháp luật được thống kê, theo dõi, quản lý chặt chẽ; sách được sắp xếp, chia theo ngăn, ô, từng lĩnh vực… để người dân có thể dễ dàng tra cứu khi có nhu cầu tìm hiểu pháp luật.

Ban chỉ đạo Đề án quan tâm xây dựng nguồn nhân lực để triển khai Đề án, trong đó nòng cốt là các báo cáo viên pháp luật của Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Tư pháp và 4 huyện biên giới. Tại các xã biên giới đều có các cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật, được tổ chức và hoạt động thường xuyên, phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh, 163 Tổ hòa giải kiêm Tổ tự quản an ninh trật tự tại các thôn cũng hoạt động thường xuyên, phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể địa phương và đồn Biên phòng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân tại nơi cư trú.

Đại tá Phạm Cảnh Toàn- Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh chia sẻ: “Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các đơn vị, địa phương đều có trình độ, năng lực và kinh nghiệm công tác theo từng lĩnh vực mình phụ trách, thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật…”

Bên cạnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh còn phát huy hiệu quả hoạt động của Đội tuyên truyền văn hóa và 17 Tổ tuyên truyền văn hóa ở các đơn vị Biên phòng.

 Các đội, tổ tuyên truyền này đã xây dựng nhiều chương trình văn nghệ, lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật. Từ đầu năm 2017 đến nay, các đội, tổ tuyên truyền này đã tổ chức biểu diễn được 275 buổi, phục vụ trên 23.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên khu vực biên giới…

Có thể khẳng định, từ khi Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” được khởi động, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên khu vực biên giới được triển khai nghiêm túc, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế.

Cho đến nay, việc triển khai thực hiện Đề án đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống. Điều đó cũng có nghĩa người dân đã ý thức được “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia…

Bài, ảnh: Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác