Nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa

29/07/2023 13:19

Năm học 2023 -2024, các khối lớp 4, lớp 8, lớp 11 trên địa bàn tỉnh sẽ học sách giáo khoa mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Như vậy, trừ các khối lớp 5, lớp 9 và lớp 12 thì các khối lớp trên địa bàn tỉnh đều đã triển khai học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với quyết tâm cao, hạn chế đến mức thấp nhất những vướng mắc, bất cập, ngành Giáo dục tỉnh đã có những định hướng cụ thể để việc dạy và học theo sách giáo khoa mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được hiệu quả.

Cũng như muôn vàn những cái mới khác khi mới bắt tay vào bao giờ cũng có nhiều khó khăn, việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng vậy, đặc biệt với đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới có hơn 53% là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo cao như tỉnh ta.

Phải khẳng định rằng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” là phù hợp với xu thế của sự phát triển. Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông quy định: “Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”.

Đảm bảo sự ổn định trong lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa, tạo thuận lợi cho học sinh, phụ huynh. Ảnh: N.P 

 

Đối với tỉnh ta, theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT và trên cơ sở thực tế của địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày 25/2/2021 về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Quy trình lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện chặt chẽ từ tổ chuyên môn, nhà trường đến Hội đồng cấp tỉnh.

Chuẩn bị cho năm học 2023-2024, để việc lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định, từ đầu năm 2023, Sở Giáo dục và đào tạo đã có công văn yêu cầu các đơn vị triển khai nghiên cứu, tìm hiểu sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 đã được Bộ GDĐT phê duyệt. Theo đó, các cơ sở giáo dục phổ thông tôn trọng ý kiến đề xuất lựa chọn sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn; nghiên cứu các đầu sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt, phân tích, đánh giá về quá trình tổ chức và kết quả đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn, sự phù hợp của các đầu sách giáo khoa với địa phương; tổ chức họp, thảo luận, đặc biệt lưu ý đối với các đầu sách giáo khoa có nhiều tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn. Dựa vào danh mục sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất và kết quả bỏ phiếu kín của các Hội đồng lựa chọn  sách giáo khoa, UBND  tỉnh đã Phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tiến hành công bố công khai và phổ biến rộng rãi sách giáo khoa được lựa chọn để cha mẹ học sinh biết, trang bị cho học sinh.

Phụ huynh, học sinh mua sách giáo khoa chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: NP

 

Với đề xuất điều chỉnh sách giáo khoa của một số đơn vị: Trường THPT Quang Trung (đề nghị thay đổi sách giáo khoa lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2023-2024); Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đăk Glei (đề nghị thay đổi sách giáo khoa tiếng Anh lớp 6 năm học 2023-2024); Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Hồi (đề nghị thay đổi sách giáo khoa tiếng Anh lớp 6, lớp 7 năm học 2023 -2024), phải thực hiện đảm bảo theo Thông tư 25/2020-TT-BGDĐT và Quyết định 134/QĐ-UBND.

Theo bà Phạm Thị Trung – Giám đốc Sở GD&ĐT, từ các quy định và thực tiễn cho thấy, vai trò của sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã khác so với sách giáo khoa hiện hành; các sách giáo khoa khác nhau được biên soạn với ngữ liệu, hình ảnh, cấu trúc khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu là cụ thể hóa chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung giáo dục được quy định trong chương trình. Tuy nhiên, mỗi đầu sách giáo khoa được biên soạn theo mạch kiến thức riêng, một cấu trúc riêng, cách tiếp cận riêng về nội dung và phương pháp. Vì vậy, sự thay đổi sẽ khiến giáo viên gặp khó khăn khi phải điều chỉnh một số vấn đề liên quan để tiếp nối mạch nội dung để tổ chức dạy học cho học sinh. Mặt khác, tính tới thời điểm này các đầu sách giáo khoa giáo dục phổ thông chưa sử dụng đủ nhiều, đủ lâu để đánh giá hết hiệu quả và tác động của một đầu sách trong cấp học. Giáo viên và học sinh cần phải có thêm thời gian sử dụng và đánh giá hiệu quả thực sự của bộ sách đã lựa chọn.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, Sở GD&ĐT đã liên tục có các văn bản chỉ đạo, làm việc trực tiếp, tổ chức hội thảo, cử cán bộ quản lý, giáo viên tập huấn về sách giáo khoa mới. Trong đó, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và các cơ quan quản lý giáo dục hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn sách giáo khoa và sử dụng sách giáo khoa theo quy định. “Việc lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa trong nhà trường cần đảm bảo sự ổn định so với năm học 2022 – 2023, tạo thuận lợi cho học sinh, cha mẹ học sinh; tuyệt đối, không để xảy việc thay đổi các đầu sách mà không đảm bảo quy trình, thiếu công khai, minh bạch, gây xáo trộn, khó khăn cho quá trình trang bị sách giáo khoa của cha mẹ học sinh. Nếu có sự thay đổi, cần đảm bảo sự lãnh đạo của cấp có thẩm quyền trên cơ sở đánh giá những khó khăn, thuận lợi và quy trình đầy đủ” – bà Phạm Thị Trung nhấn mạnh.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác