Nâng cao chất lượng tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ

22/06/2018 18:02

​Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Làm tốt công tác này chính là góp phần quan trọng vào xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…

Trong những năm qua, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ được cấp ủy, chính quyền các cấp hết sức quan tâm, lãnh đạo, xem đó là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nên đã tập trung giải quyết tốt những vướng mắc, tồn tại ngay tại cơ sở.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của công dân trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự ngày càng cao. Người dân đã nhận thức đúng đắn về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc là cao cả, thiêng liêng, chấp hành nghiêm túc. Vì vậy, trong những năm qua, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ trên địa bàn tỉnh đều đạt chỉ tiêu, đảm bảo chất lượng. Riêng năm 2018, toàn tỉnh đã giao nhận 803/803 công dân, đạt 100% chỉ tiêu, đảm bảo chất lượng về sức khỏe, trình độ học vấn, đảng viên và đoàn viên…

Đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy tặng hoa cho các tân binh trong ngày giao quân tại huyện Kon Rẫy năm 2018

 

Đại tá Trương Quang Nhạn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ: Để đạt được những kết quả trên chính là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, các đơn vị nhận quân trong việc thực hiện đồng bộ, có tính thống nhất cao, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, cơ quan quân sự các cấp làm tốt chức năng tham mưu giúp UBND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn Luật, bảo đảm nguyên tắc, công khai, dân chủ trong tuyển quân.

Cũng theo Đại tá Trương Quang Nhạn, để mọi công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ nhận thức đầy đủ việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, các địa phương đã nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Nghĩa vụ quân sự; vận dụng, kết hợp khéo léo giữa tuyên truyền, giáo dục thường xuyên với tuyên truyền, giáo dục có trọng tâm, trọng điểm, nhất là vào trước và trong mỗi giai đoạn tuyển quân…

Các địa phương, đơn vị lồng ghép nội dung Luật Nghĩa vụ quân sự vào trong chương trình giáo dục quốc phòng - an ninh chính khóa, các hoạt động ngoại khóa ở các trường THPT trở lên; các hoạt động gặp mặt tọa đàm, nói chuyện truyền thống, giao lưu văn nghệ… với nhiều hình thức phong phú, vừa giáo dục, vừa nâng cao trách nhiệm đối với công dân lên đường nhập ngũ.

Trước khi công dân lên đường nhập ngũ, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình và công dân trúng tuyển an tâm tư tưởng, sẵn sàng lên đường nhập ngũ.

Các quân nhân đang phục vụ trong quân ngũ, gia đình thân nhân đều được hưởng chế độ bảo hiểm y tế bao cấp. Khi các gia đình có con em đang tại ngũ gặp khó khăn, đều được cấp ủy, địa phương kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ để họ an tâm, động viên con em tiếp tục phục vụ tốt trong quân đội.

Cũng theo đại tá Trương Quang Nhạn, những quân nhân khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương được giới thiệu học nghề, được cấp thẻ học nghề và được hỗ trợ mọi mặt cũng như tạo mọi điều kiện tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương… Cụ thể, riêng năm 2018, các địa phương đã tổ chức đón tiếp 517 quân nhân trở về trang trọng, chu đáo và cả 517 quân nhân này được cấp thẻ học nghề, được giới thiệu học nghề, việc làm.

Có thể nói, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ trong những năm qua, nhất là trong năm 2018 được triển khai thực hiện khá đồng bộ. Việc gọi công dân nhập ngũ công khai, dân chủ, công bằng, đúng Luật, đủ chỉ tiêu và đảm bảo chất lượng…. đã đưa công tác tuyển quân ở các địa phương đi vào nề nếp.

Bài và ảnh: Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác