Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân

04/03/2025 06:15

Những năm gần đây, ngành y tế tỉnh đã có sự đầu tư về trang thiết bị y tế hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ bác sĩ nhằm phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, nhất là ở những nơi vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn.

Hiện đại hóa trang thiết bị

Để hiện đại hóa trong công tác chuyên môn và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên địa bàn, ngành Y tế tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như: Hệ thống X-quang kỹ thuật số (CT-Scanner 32 lát cắt, 128 lát cắt); Hệ thống lọc thận; Hệ thống chụp cộng hưởng từ MRI; Hệ thống ECMO (tim phổi nhân tạo); các thiết bị hồi sức cấp cứu; các thiết bị nội soi chẩn đoán và phẫu thuật nội soi phẫu thuật cho các bệnh viện, nhất là tuyến tỉnh.

Từ đó, đã phát triển nhiều dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh mới để phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh như: Phẫu thuật tán sỏi thận qua da; phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối; phẫu thuật nội soi khớp vai; phẫu thuật nội soi mũi xoang; nội soi chẩn đoán và can thiệp đường tiêu hóa; phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ; kỹ thuật ECMO; phẫu thuật dị dạng lồng ngực và các bệnh lý mạch máu, bướu cổ; phẫu thuật điều trị bệnh lý cột sống bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu.

Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Ái- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sau khi hoàn thành nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ bệnh viện hạng II lên bệnh viện hạng I quy mô 750 giường bệnh - giai đoạn 1, hiện nay Sở Y tế đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2. Bên cạnh đó, xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi, trung tâm y tế các huyện Đăk Glei và Đăk Hà; nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Ia H’Drai. Tại tuyến xã đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng kiên cố; đến nay, 100% trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã.

Dưới sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến tỉnh, các trung tâm y tế huyện cũng đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới. Đối với các trạm y tế, đã đầu tư, bổ sung đầy đủ trang thiết bị theo quy định; 100% trạm y tế xã đã thực hiện quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần (quản lý điều trị ít nhất 2 bệnh trong số các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các rối loạn tâm thần); khám chữa bệnh y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.

 
Đầu tư trang thiết bị hiện đại nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ảnh: S.N

 

Trong những năm qua, mặc dù nguồn kinh phí tự chủ còn hạn chế nhưng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện đầu tư mua sắm, sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng các trang thiết bị hiện có hiệu quả, phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Võ Văn Thiện- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, việc đầu tư trang thiết bị hiện đại tại Bệnh viện đã mang lại những thay đổi tích cực trong công tác khám chữa bệnh. Những thiết bị tiên tiến đã đáp ứng phương tiện chẩn đoán và điều trị, giúp triển khai được nhiều kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, đồng thời rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh. Nhờ đó, tính chính xác trong việc đưa ra chẩn đoán và kế hoạch điều trị được nâng cao, góp phần bảo đảm an toàn cho bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.

Chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn

Thời gian qua, Sở Y tế đã từng bước xây dựng đội ngũ nhân viên y tế có số lượng, cơ cấu hợp lý và có trình độ năng lực theo vị trí việc làm; thực hiện các chính sách khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới.

Thực hiện đào tạo phù hợp, tạo điều kiện cho công chức, viên chức trong ngành được tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc được giao, tạo động lực cho công chức, viên chức người lao động yên tâm công tác và cống hiến.

Trong các năm 2021 - 2024, Sở Y tế đã phê duyệt đào tạo nâng cao trình độ sau đại học cho 151 công chức, viên chức. Trong đó có 20 bác sĩ đang công tác tại huyện đặc biệt khó khăn, biên giới tham gia đào tạo chuyên khoa I tại Đại học Y Dược Huế theo Đề án 585 của Bộ Y tế và 5 bác sĩ đi đào tạo chuyên khoa I Phục hồi chức năng theo Dự án Hoà nhập 2, 8 cán bộ y tế đang tham gia khóa học chuyên khoa cơ bản về phục hồi chức năng theo Dự án Hoà nhập 2.

Bác sĩ Chuyên khoa II Võ Văn Thiện cho biết: Xác định yếu tố con người là vấn đề cốt lõi trong tiến trình phát triển và thực hiện sứ mệnh, vì vậy từ khi thành lập đến nay, công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ nhân viên y tế nói chung và bác sĩ nói riêng luôn luôn được ban giám đốc bệnh viện quan tâm, triển khai xuyên suốt. Bao gồm cả kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp ứng xử, công nghệ thông tin trong y tế. Khuyến khích nghiên cứu khoa học, đăng kí sáng kiến cải tiến hàng năm nhằm khơi gợi năng lực phân tích, sáng tạo của đội ngũ nhân viên y tế.

Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Ái cho biết, để tiếp tục nâng cao công tác khám chữa bệnh tại tỉnh hiện nay, nhất là đối với vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, ngành Y tế tỉnh đề nghị Bộ Y tế tham mưu Chính phủ có cơ chế đặc thù để đào tạo bác sĩ là người DTTS, người sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và có chính sách thu hút bác sĩ nhằm khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở. Bổ sung thêm đối tượng là viên chức ngành Y tế công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được cử đi đào tạo trình độ đại học.

Song Ngân

Chuyên mục khác