30/12/2019 13:04
Ngày 23/8/2016, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh nhằm từng bước nâng cao dân trí và tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội ở vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.
Từ khi Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của ngành Giáo dục, chính quyền và các tổ chức đoàn thể các địa phương, công tác nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS được đẩy mạnh và đã tạo ra những bước phát triển rõ rệt. Mạng lưới trường, lớp các bậc học, cấp học ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS ngày càng được đầu tư mở rộng; cơ sở vật chất phục vụ dạy học, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh, điều kiện ăn, ở ngày càng được chú trọng, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
|
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách phát triển giáo dục đối với vùng đồng bào DTTS được quan tâm thực hiện khá đầy đủ cho cả 2 nhóm đối tượng là học sinh và giáo viên. Các chính sách cho học sinh, sinh viên vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm chính sách học bổng; miễn giảm học phí; trợ cấp xã hội, hỗ trợ học tập; chính sách ưu tiên tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; chính sách phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người... được thực hiện có hiệu quả. Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn được hưởng các chính sách ưu đãi theo đúng quy định của Nhà nước… Việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi đã góp phần quan trọng, là trợ lực trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 100% các thôn, làng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS có lớp mầm non; 100% các xã có trường tiểu học và trường THCS ở khu vực trung tâm.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT, PTDTNT tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nhằm không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, tiếng DTTS tại chỗ, tiếng Anh cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tổ chức hiệu quả các giờ sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề theo kế hoạch bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo...
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chất lượng giáo dục đối với học sinh vùng đồng bào DTTS trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ trẻ em DTTS từ 3 - 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 90,3%, vượt 0,3% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2020; tỷ lệ trẻ DTTS 5 tuổi đi học mẫu giáo duy trì ở mức 99,6%, vượt 0,1% mục tiêu Nghị quyết; tỷ lệ trẻ DTTS trong độ tuổi tiểu học vào học tiểu học duy trì ở mức 99,9%; tỷ lệ học sinh DTTS tiểu học hoàn thành chương trình tiểu học tiếp tục vào học THCS duy trì ở mức 98,9%; tỷ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp THCS đi học nghề kết hợp với học THPT hệ giáo dục thường xuyên đạt 27,3%; tỷ lệ học sinh DTTS cấp THCS có hạnh kiểm trung bình trở lên duy trì ở mức 99,7%, vượt 0,2% so với Nghị quyết; tỷ lệ học sinh DTTS cấp THPT có học lực từ trung bình trở lên duy trì ở mức 90,9%, vượt 0,9% so với mục tiêu Nghị quyết; tỷ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp THPT đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề tăng từ 62,8% lên 66,8%...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS, bên cạnh việc đề ra các giải pháp cơ bản, ngành Giáo dục- Đào tạo tỉnh chỉ đạo các phòng Giáo dục- Đào tạo, các đơn vị giáo dục trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với học sinh DTTS; quan tâm công tác tổ chức quản lý, nuôi dưỡng học sinh bán trú, đảm bảo đúng, đủ chế độ chính sách cho học sinh DTTS, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh vùng đồng bào DTTS. Làm tốt những điều nêu trên là góp phần nâng cao dân trí, từng bước tạo ra và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng sâu vùng xa, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Đắc Vinh