Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS: Huy động hết học sinh vùng khó ra lớp

11/01/2017 18:04

HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 83/2016/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở GD&ĐT trong thời gian đến...

Triển khai thực hiện Nghị quyết 83/2016/NQ-HĐND, cùng với việc tập trung tham mưu UBND tỉnh, Sở GD&ĐT chủ động chỉ đạo các phòng, ban rà soát, đưa ra các giải pháp và đề xuất các địa phương, sở, ngành phối hợp tuyên truyền, vận động phấn đấu từng năm, tiến đến cả giai đoạn 2016 – 2020 (theo Nghị quyết đề ra), huy động học sinh dân tộc thiểu số đến trường từ 99,5% trở lên. Trong đó, bậc mầm non có 10% trở lên học sinh dưới 3 tuổi đến nhà trẻ và 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt tỷ lệ 90% trở lên, 100% trẻ dân tộc thiểu số 5-6 tuổi được chuẩn bị các điều kiện vào học lớp 1.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 45 trên 140 trường tiểu học có phòng máy vi tính để dạy tin học cho học sinh. Ảnh: M.T

 

Đối với giáo dục phổ thông, huy động 100% trẻ dân tộc thiểu số trong độ tuổi tiểu học vào học tiểu học; 100% học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình tiểu học vào học trung học cơ sở và có ít nhất 30% sau tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề, kết hợp với học trung học phổ thông hệ giáo dục thường xuyên.

Bên cạnh đó, ngành phấn đấu trên 99,5% học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông có hạnh kiểm và học lực từ trung bình trở lên; 90% học sinh cấp trung học phổ thông có học lực từ trung bình trở lên và trên 80% các em tốt nghiệp trung học phổ thông được học đại học hoặc cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề.

Cơ sở để đưa ra chỉ tiêu và quyết tâm nỗ lực thực hiện thành công Đề án chính là kết quả giai đoạn vừa qua (2008-2015), ngành Giáo dục và đào tạo đã phối hợp với các cấp, ngành tham mưu tỉnh phấn đấu đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số.

Cụ thể, từ các nguồn vốn trung ương và địa phương, các cấp ưu tiên đầu tư sửa chữa và xây dựng mới đối với 402 trường học ở 10 huyện, thành phố Kon Tum, tăng 88 trường so với cuối năm 2007. Hệ thống trường học này đã và đang đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập cho gần 84 ngàn học sinh dân tộc thiểu số (chiếm khoảng 60% tổng số học sinh toàn tỉnh).

Học sinh Trường PTBTDT THCS Đăk Rơ Nga (Đăk Tô) luyện tập thể thao sau giờ học trên lớp. Ảnh: M.T

 

Những điều kiện thuận lợi này góp phần huy động trẻ em trong độ tuổi ra lớp trong giai đoạn vừa qua đạt hơn 95%; chất lượng giáo dục học sinh vùng dân tộc thiểu số được nâng lên khá rõ nét, học sinh mầm non 5 tuổi đạt yêu cầu chiếm 99%, học sinh tiểu học xếp loại môn tiếng Việt và Toán từ trung bình trở lên chiếm 96,55% (tăng 14,3%), học sinh trung học cơ sở đạt học lực trung bình trở lên 89,1% (tăng 26,2%), học sinh trung học phổ thông đạt trung bình trở lên 80,3% (tăng 33%) và đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông 87,56 (tăng 27,6%).

Bên cạnh những dấu hiệu khả quan, ngành GD&ĐT cũng nhận định, thách thức thời gian đến vẫn là giữ vững kết quả có được, mặt khác cần khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng ở vùng sâu, vùng khó khăn. Số liệu theo dõi năm học 2014 – 2015 đến nay, toàn tỉnh còn 361 học sinh bỏ học (chiếm 0,34% tổng số học sinh), trong đó có 248 em dân tộc thiểu số. Nhiều nơi, tỷ lệ các em đi học không chuyên cần (qua kiểm tra đột xuất ở các trường THCS vùng dân tộc thiểu số) bình quân 8% - 10%.

Nguyên nhân của tồn tại trên, theo ông Nguyễn Phúc Phận – Giám đốc Sở GD&ĐT là do điều kiện kinh tế gia đình của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp nên còn xao lãng trong việc chăm lo cho con cái học tập. Nhiều học sinh trung học cơ sở là lao động giúp đỡ gia đình trong sản xuất vào mùa vụ, nên thường nghỉ học một số buổi. Sau đó, các em đến lớp không theo kịp chương trình, về lâu dài dẫn đến thiếu hụt kiến thức, chán học, bỏ học giữa chừng.

Tình trạng trên diễn ra khá phổ biến ở các địa phương, tuy nhiên công tác phối hợp và chỉ đạo của các cấp chính quyền và đơn vị chuyên môn chưa thường xuyên. Nhiều nơi, cấp ủy chưa đưa nhiệm vụ thực hiện chỉ số nâng cao chất lượng giáo dục, sự chuyên cần của học sinh để đánh giá xếp loại thi đua, quy trách nhiệm cán bộ, phòng ban, chi ủy cấp cơ sở. Hơn nữa, một lượng không ít sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường thất nghiệp cũng tác động đến tâm lý, thái độ học tập của học sinh phổ thông, làm tăng số lượng các em bỏ học giữa chừng.

Triển khai Nghị quyết 83, Sở GD&ĐT sẽ đề xuất UBND tỉnh tăng trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể trong công tác tuyên truyền, phối hợp và thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể về nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, sớm tham mưu triển khai các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học đã được phê duyệt, đáp ứng kịp thời nhu cầu dạy học, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh dân tộc thiểu số. Ở các trường học đặc thù, ngành lưu ý thực hiện tốt công tác quản lý dạy học, đổi mới phương pháp dạy học và tăng thời lượng dạy học cho học sinh.

Mai Trâm

Chuyên mục khác