Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế

06/01/2019 07:00

​Nâng cao chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ y tế là công việc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành Y tế, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Xác định được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã nỗ lực đào tạo, đào tạo lại cán bộ y tế, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà cho biết: Trung tâm Y tế huyện hiện có 189 cán bộ y tế. Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, trong năm qua, Trung tâm đã tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho 120 cán bộ y tế; tiến hành đào tạo 127 lượt cán bộ y tế về các nội dung có liên quan đến công tác chuyên môn; cử 12 lượt cán bộ y tế đi đào tạo về kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi và kỹ năng sử dụng tài liệu truyền thông; đào tạo 1 cán bộ y tế về vận hành trang thiết bị y tế; cử 5 cán bộ y tế đi đào tạo từ trung cấp lên cao đẳng, 6 cán bộ y tế đi đào tạo từ trung cấp lên đại học, 2 cán bộ y tế đi đào tạo bác sỹ chuyên khoa I.

Nhờ đó, đến nay, trình độ tay nghề cũng như năng suất và hiệu quả công việc của cán bộ y tế Trung tâm được nâng lên; cán bộ y tế nắm vững nghề nghiệp và có thái độ tích cực hơn trong thực hiện công việc.

Khám bệnh cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Tu Mơ Rông

 

Theo đánh giá của ông Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế, thực hiện Nghị Quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới”, trong những năm qua, Sở Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức, đặc biệt là ưu tiên đào tạo sau đại học các chuyên ngành. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà là đơn vị tuyến huyện luôn làm tốt công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế.

Hiện, Sở Y tế đã xây dựng Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2018-2020 nhằm đào tạo công chức, viên chức nâng cao trình độ sau đại học theo đúng lộ trình để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đồng thời, Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc đã được Bộ Y tế cấp mã đào tạo liên tục, tổ chức các lớp đào tạo liên tục cho công chức, viên chức trong ngành; thường xuyên cử viên chức đi đào tạo định hướng chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến Trung ương và các cơ sở đào tạo. Mặt khác, lãnh đạo Sở Y tế còn chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức bồi dưỡng chuyên môn thời gian 1 năm cho các bác sĩ cử tuyển nhằm củng cố và nâng cao trình chuyên môn.

Bên cạnh việc cử cán bộ y tế đi đào tạo và đào tạo lại, ngành Y tế tỉnh còn khuyến khích công chức, viên chức tăng cường nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp thiết thực, có hiệu quả về lĩnh vực khám, chữa bệnh và dự phòng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Hỗ trợ công tác đào tạo cán bộ, ngành Y tế tỉnh đã thực hiện đảm bảo các chế độ chính sách hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế thông qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn và năng lực quản lý ngắn hạn; đào tạo định hướng chuyên khoa; đào tạo chuyên khoa cấp I và chuyên khoa cấp II cho đội ngũ công chức, viên chức của ngành bằng nguồn kinh phí của Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2”, Dự án "Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế" và chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức sau khi tốt nghiệp sau đại học theo quyết định của tỉnh.

Nhờ chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ, đến nay, toàn ngành Y tế của tỉnh đã có 192 người có trình độ sau đại học, chiếm 8,3%; 517 người trình độ đại học, chiếm tỉ lệ 22,3%; 109 người trình độ cao đẳng, chiếm tỉ lệ 4,7%; 1.412 người trình độ trung cấp, chiếm tỉ lệ 61%... So với năm 2017, đội ngũ công chức, viên chức ngành Y tế tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Ông Đào Duy Khánh cho biết, để chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn, trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2021, ngành Y tế tỉnh cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm đội ngũ lãnh đạo và quản lý là cấp phó, đồng thời giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015.

Trong giai đoạn 2019 - 2021, ngành Y tế tỉnh sẽ giải thể một số trạm y tế nơi đã có cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế trên cùng địa bàn. Riêng kế hoạch năm 2019, ngành Y tế tỉnh sẽ giải thể 4 trạm y tế các xã: Đăk Long (huyện Kon Plông), Đăk Môn (huyện Đăk Glei), Đăk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông) và thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy); đồng thời chuyển chức năng nhiệm vụ đối với 3 trạm y tế: thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi), phường Quang Trung và phường Thống Nhất (thành phố Kon Tum) thực hiện công tác y tế dự phòng. Đến năm 2020, giải thể Trạm Y tế phường Duy Tân (thành phố Kon Tum) và đến năm 2021, giải thể 7 trạm y tế: thị trấn Đăk Glei, thị trấn Đăk Tô, thị trấn Đăk Hà, thị trấn Sa Thầy, xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông), xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) và xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai)...

Với quan điểm “Không có thầy thuốc giỏi, không có thuốc chữa bệnh tốt, thì không thể cứu người tốt được”, hy vọng, trong những năm tới, công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh được ngành Y tế tỉnh tiếp tục đặt lên hàng đầu và cùng với đó là sự sắp xếp bộ máy hành chính tinh gọn, khoa học để nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

                                                                   Bài và ảnh: Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác