Nâng cao chất lượng công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số

13/01/2019 17:05

Sáng 10/1, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân vận năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 do Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Ban cán sự Đảng Chính phủ tổ chức tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham gia hội nghị tại điểm cầu Trung ương khẳng định: Những năm qua, Tỉnh ủy Kon Tum đã chú trọng ban hành các kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết, phong trào, chủ trương nhằm nâng cao chất lượng công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh- quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Năm 2016, triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS", Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch lãnh đạo triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả tích cực.

Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành và lãnh đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 14-CT/TU ngày 2/4/2018 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum"; phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ, nhất là các hộ người DTTS.

Theo đó, mỗi cấp ủy từ tỉnh, huyện, xã đều phân công 1 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ làm Trưởng Ban Dân vận cấp ủy và 1 đồng chí Phó Bí thư cấp ủy phụ trách cơ sở trực triếp phụ trách công tác dân vận. Người đứng đầu cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp thường xuyên đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân để nắm bắt, giải quyết các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước tiếp tục được tăng cường và đổi mới. Ủy ban nhân dân các cấp đã phân công đồng chí chủ tịch trực tiếp phụ trách công tác dân vận của chính quyền; thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Các sở, ngành của tỉnh đã phân công 1 đồng chí phó giám đốc phụ trách công tác dân vận tại cơ quan, đơn vị; tiến hành công khai những việc người dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát, nhất là việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án ở địa phương có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân.

Cán bộ chiến sĩ ĐBP Đăk Nhoong hướng dẫn bà con trên địa bàn trồng sâm dây

 

Công tác chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần bà con vùng đồng bào DTTS được quan tâm. Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS được chú trọng đầu tư, hầu hết các xã đều có đường ô tô đi được hai mùa; thực hiện tốt việc hỗ trợ đồng bào các DTTS phát triển sản xuất như đã giải quyết, hỗ trợ 287,6 ha đất sản xuất cho 990 hộ dân; tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS và duy trì việc dạy tiếng Gia Rai và tiếng Ba Na cho học sinh trên địa bàn; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được đảm bảo; hệ thống thiết chế văn hóa vùng DTTS ngày càng đồng bộ (có 792/874 thôn có nhà văn hóa và khu thể thao, 449/539 thôn người đồng bào DTTS có nhà rông).

Các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan duy trì hằng năm tổ chức Lễ ra quân làm công tác dân vận; thường xuyên tổ chức các tổ, đội công tác tăng cường về cơ sở bám sát địa bàn, thực hiện phương châm "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với nhân dân; đồng thời thực hiện các cuộc hành quân dã ngoại gắn với nắm tình hình, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở...

Để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy cũng đã ban hành và lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XV về "Tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới". Theo đó, đã phân công các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia kết nghĩa xây dựng các xã đặc biệt khó khăn, trọng điểm về quốc phòng-an ninh; chỉ đạo các huyện, thành phố phân công các cơ quan, đơn vị cấp huyện tham gia kết nghĩa với các thôn, làng đồng bào DTTS để nắm tình hình, giúp cấp ủy và chính quyền các xã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và xử lý ngay khi có vấn đề đột xuất, phát sinh ngay từ cơ sở.

Những năm gần đây, Tỉnh ủy còn chỉ đạo tổ chức “Ngày hội bánh chưng xanh” vào dịp Tết Nguyên đán ở vùng đồng bào DTTS, đây cũng là dịp để tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng, nhất là ở vùng đồng bào DTTS gắn với thực hiện tốt phong trào "Dân vận khéo" với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo như: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với mô hình "hộ người Kinh kết nghĩa với hộ người DTTS để giúp đỡ nhau phát triển sản xuất", “Tổ hợp tác phụ nữ DTTS trồng Hồng đảng sâm”; Đoàn Thanh niên với mô hình “Phát triển bò vùng biên”; Hội Cựu Chiến binh với mô hình “Tập thể tiết kiệm, cá nhân tiết kiệm”... Thông qua các mô hình đã giúp các hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng...

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy còn chỉ đạo các cấp ủy phát huy vai trò đội ngũ già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, chức sắc các tôn giáo trong công tác vận động quần chúng; thường xuyên tổ chức gặp gỡ các già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong cộng đồng để thông tin về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh nhằm tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong năm 2018, kinh tế tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn đạt 13.443 tỷ đồng, tăng 9,28% so với năm 2017; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 31,96 triệu đồng (năm 2016) lên 37,49 triệu đồng (năm 2018); số hộ nghèo là người DTTS giảm còn 132.187 hộ, chiếm 16,18% tổng số hộ dân toàn tỉnh; một số xã có đông đồng bào DTTS như Ia Chim, Đăk Năng (thành phố Kon Tum) và Đăk Nông, Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới...

 Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc nâng cao chất lượng công tác dân vận vùng đồng bào DTTS, tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Tỉnh ủy Kon Tum tiếp tục tập trung đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dân vận; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở; tăng cường vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội thiết yếu, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống; lồng ghép nội dung, nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc với các chỉ tiêu phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác