Năm tháng không quên

24/04/2023 06:15

Nhiều năm cầm bút, anh chị em làm báo chúng tôi không ít lần tuyên truyền kỷ niệm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972). Được ôn lại trang sử vẻ vang của quân và dân ta trong chiến dịch Xuân - Hè năm ấy để lại trong lòng dấu ấn về những năm tháng không quên.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta, Đăk Tô - Tân Cảnh là căn cứ quân sự mạnh nhất của Ngụy quyền Sài Gòn ở Bắc Tây Nguyên. Ông Lại Hợp Phường - 80 tuổi, ở tổ dân phố 3, thị trấn Đăk Tô nguyên là bộ đội H80 của tỉnh Kon Tum trong kháng chiến chống Mỹ, còn nhớ: Tháng 1/1972, đơn vị nhận nhiệm vụ vừa tiêu diệt các chốt nhỏ của địch ở chiến trường Đăk Tô - Tân Cảnh vừa dẫn đường, đón bộ đội chủ lực của ta vào chuẩn bị đảm nhiệm một hướng tấn công để giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh. Tháng 2/1972, anh em triển khai cho đồng bào hậu cứ (nay thuộc địa bàn xã Pờ Y, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) chuẩn bị thóc gạo, bố trí lực lượng dân quân, du kích, sẵn sàng vận chuyển vũ khí đạn dược phục vụ “đánh lớn”.     

Chiến dịch giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh mở màn từ cuối tháng 3/1972. Liên tiếp từ ngày 21-23/4/1972, pháo binh ta tập trung nã phá căn cứ Tân Cảnh. Cao điểm chiến dịch vào đêm 23/4/1972, xe tăng của Đại đội 7 thiết giáp xuất kích, tấn công cứ điểm của địch theo đường công binh mới mở, kết hợp với tấn công bằng xe tăng theo tuyến đường 14 về hướng Đông. 5 giờ 10 phút ngày 24/4/1972, pháo binh ta giáng đòn sấm sét kết hợp cùng với xe tăng cấp tập tấn công đánh chiếm các mục tiêu trong căn cứ Tân Cảnh. 5 giờ 55 phút ngày 24/4/1972, thị trấn Tân Cảnh được giải phóng. 11 giờ ngày 24/4, Trung đoàn 66 làm chủ căn cứ Tân Cảnh. Toàn bộ quân địch trong căn cứ bị tiêu diệt và bắt làm tù binh. Quân ta bắn rơi 8 máy bay, thu 9 xe tăng, 20 pháo 105 và 155 ly, gần 100 xe quân sự, hàng vạn quả đạn pháo và toàn bộ phương tiện chiến tranh của địch, bắt 429 tù binh ngụy.

Ông Nguyễn Khang Đàm kể chuyện Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh. Ảnh: T.N

 

Ngày cờ giải phóng được kéo lên ở khu căn cứ Tân Cảnh cũng là lúc anh bộ đội Lại Hợp Phường và cô thanh niên xung phong Trần Thị Hạnh gặp nhau giữa bộn bề công tác thu dọn chiến trường. Sau đó, họ nên duyên chồng vợ và đồng cam cộng khổ xây dựng gia đình hạnh phúc trên mảnh đất chiến trường xưa.

Tham gia chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh trong đội hình trinh sát của Mặt trận B3, Đại tá Nguyễn Khang Đàm (ở tổ dân phố 10, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum)- nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10, Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 kể lại: Từ cuối năm 1971, lực lượng trinh sát đã được lệnh triển khai công tác, chuẩn bị cho các lực lượng tấn công vào căn cứ 42 (E42) của địch. Với cương vị Trung đội phó Trung đội trinh sát (Tiểu đoàn 28, Mặt trận B3), tôi chỉ huy đơn vị đóng quân ở vùng rừng núi Mô Rai. Từ đây, phải đi bộ hai ngày mới đến E42 của địch ở Đăk Tô - Tân Cảnh. Đêm 23, rạng sáng 24/4/1972, tổ trinh sát của chúng tôi đảm nhận nhiệm vụ dẫn đường cho Tiểu đoàn đặc công của mặt trận B3 tiến vào E42 của địch. Trận đánh diễn ra thần tốc, ác liệt. Sau 10 giờ quyết chiến, quân ta đã đánh bại toàn bộ lực lượng hùng hậu tương đương một sư đoàn của địch, làm chủ E42”.

Góp phần giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, không thể không kể đến thắng lợi vang dội của quân và dân tỉnh Kon Tum tại Điểm cao 601, nay thuộc địa bàn xã Đăk La (huyện Đăk Hà). Theo ông Lê Việt Hùng (ở xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) nguyên chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 304 thuộc Tỉnh đội Kon Tum, Điểm cao 601 là chốt điểm quân sự quan trọng của địch trong hệ thống vành đai phòng thủ bảo vệ thị xã Kon Tum và đường 14 (Con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường Bắc Tây Nguyên), có vị trí rất quan trọng với cả ta và địch. Nhiều trận giao tranh quyết liệt đã diễn ra ở đây, nên khu vực này còn được gọi là “Dốc đầu lâu”.

Trong trận đánh lịch sử ngày 10-11/4/1972, bộ đội ta chờ sẵn, đợi địch hành quân qua vũng lầy phía Đông đường 14 đến đầu dốc thì nổ súng, “khóa kìm”, chiếm lĩnh trận địa. Ta bắn cháy 5 xe GMC của địch. Bị thương vong nặng, địch không thể tăng viện cho chiến trường Tân Cảnh.

Với chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, lần đầu tiên, “các lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên tiến công địch đã giành thắng lợi bằng hiệp đồng binh chủng quy mô lớn với tốc độ nhanh” và đánh dấu sự ra đời của Sư đoàn 10 (Đoàn Đăk Tô) anh hùng.    

Thanh Như

Chuyên mục khác