Năm học mới

05/09/2023 17:19

Dừng xe trước cổng một ngôi trường, tôi xúc động nghe hồi trống trầm hùng vang vọng ngày khai giảng. Tiếng trống như giục giã, như cổ vũ, như động viên ấy đã in đậm trong trái tim, trong ký ức bao thế hệ.
Sân trường ngày khai giảng. Ảnh: TH

 

Ngắm nhìn những cổng trường rộn ràng, rực rờ sắc cờ hoa, những tốp học sinh như đàn chim nhỏ tung tăng, ríu rít, tôi nhớ lại những lễ khai giảng của mình, khi còn là một học sinh trường làng.

Khi ấy, chúng tôi cũng phải đến trường từ cuối tháng 8, gọi là tựu trường. Nếu nói như bây giờ, thì từ ngày ấy, năm học đã bắt đầu trước ngày khai giảng.

Ngay buổi đầu tiên, cô giáo chọn ra đội văn nghệ của lớp để tập một số tiết mục “cây nhà lá vườn” góp vui cho lễ khai giảng sắp tới.

Sau đó, suốt một tuần, đứa nào tập văn nghệ cứ tập, những đứa còn lại sẽ có những ngày lao động “mệt mà vui”.

Đám con gái được phân công quét sân trường, dọn dẹp phòng học, lau bảng, bàn ghế. Còn bọn con trai thì phát cỏ dại, trồng dặm cây trong vườn trường, rồi hò nhau “càn quét” từng đám cây mắc cỡ, mặc cho tay chân bị gai cào bỏng rát.

Dù vậy, đứa nào cũng háo hức, cũng chộn rộn chờ đến ngày 5/9, là ngày diễn ra lễ khai giảng, và năm học mới chính thức bắt đầu.

Bởi nếu như chưa nghe thư của Chủ tịch nước gửi đại diện học sinh đọc quyết tâm thư, chưa nghe thầy hiệu trưởng đáng kính đánh hồi trống tưng bừng, rộn rã thì vẫn chưa vào năm học mới.

Nhưng ngày cứ qua ngày một cách đủng đỉnh, chậm chạp. Có đứa càu nhàu, không biết ông trời sinh ra mấy ngày 3, 4 làm chi?

Mãi rồi lễ khai giảng cũng đến trong sự trông ngóng. Hôm ấy, chúng tôi dậy sớm hơn, gọi nhau í ới từ khi còn mờ sương. Tụ tập nhau ở đầu làng, chúng tôi rồng rắn đi trên con đường làng khấp khểnh vết chân trâu đến trường.

Cũng là con đường đi học thân thuộc và yên bình ngày nào, mà sao thấy khấp khởi, thấy vui đến lạ. Bây giờ nhớ lại, thấy sao mà giống trong truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh: “Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.

Buổi khai giảng được tổ chức đơn giản, gọn gàng mà trang trọng. Ngày ấy, lễ khai giảng không có bóng bay, rất ít học trò có quần áo mới. Sân trường được trang trí bằng những chùm hoa dại, do đám con gái hái trên đồi, hoặc xin trong vườn các nhà xung quanh.

Học sinh ngồi xếp theo khối lớp trong sân trường, dưới cột cờ cao vút, trên đỉnh cột là cờ Tổ quốc tung bay. Bố mẹ thì vây vòng trong vòng ngoài. Thỉnh thoảng, có đứa bật kêu lên sung sướng vì nhìn thấy bố hoặc mẹ, hoặc bất cứ người thân nào, đưa tay lên vẫy rối rít. Vài đứa lén lút chọc ghẹo nhau mỗi khi cô giáo chủ nhiệm không để ý.

Phần văn nghệ “cây nhà lá vườn” trôi qua trong tiếng vỗ tay vang dội của “khán giả”.

Khăn quàng đỏ trên vai, mắt nhìn cờ Tổ quốc, chúng tôi hát vang Quốc ca sau khẩu lệnh của thầy giáo dạy thể dục. Hát to nhất có thể, chứ không phải mấp máy môi cho có lệ.

Thầy hiệu trưởng đáng kính, với dáng người gầy gò, với mái tóc hoa râm, áo sơ mi đã bạc màu, đọc thư của Chủ tịch nước gửi thầy và trò cả nước nhân dịp khai giảng năm học mới.

Và rồi hồi trống chính thức khai giảng năm học mới vang lên. Từng tiếng trống trầm hùng khiến chúng tôi- những đứa học trò nơi thôn quê cảm thấy máu chảy rần rần trong người. Và tôi luôn tự hứa thầm rằng, sẽ luôn cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt.

Sau đó, sân trường như vỡ tung bởi đủ trò nghịch ngợm của những đứa trẻ chỉ xếp sau “ma quỷ”. Còn thầy cô giáo thì ngồi trong lớp nhìn ra, cười hiền từ.

Sáng nay, 5/9, là ngày khai giảng năm học mới, không kìm nổi lòng mình, tôi chạy xe lòng vòng qua mấy ngôi trường nằm trong nội thành.

Trời hôm nay không thể nói là đẹp, bởi nhiều mây đen, không có nắng. Nhưng không mưa và mát mẻ là một điều tốt, với cả nhà trường, phụ huynh và học sinh. Bởi nếu mưa thì không tổ chức khai giảng được, nếu nắng thì thầy cô và học sinh mệt mỏi, phụ huynh lo lắng.

Dừng xe trước cổng trường trên đường Lê Hồng Phong, tôi xúc động nghe hồi trống trầm hùng vang vọng trong sáng thu nay. Tiếng trống như giục giã, như cổ vũ, như động viên ấy đã in đậm trong trái tim, trong ký ức bao thế hệ.

Tôi chợt nghĩ về một khung cảnh tuyệt vời. Buổi sáng hôm nay, tất cả học sinh trên khắp dải đất hình chữ S, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, sẽ cùng mặc đồng phục thật tinh tươm, lòng phấp phới và nô nức cùng nhau đi đón ngày khai giảng.

Buổi khai giảng được tổ chức đơn giản mà gọn gàng, không rườm rà, cầu kỳ nhưng giữ vững được sự trang trọng và ý nghĩa đặc biệt vốn có của nó. Lễ chào cờ diễn ra thật trang nghiêm vào một khung giờ được định sẵn trên toàn quốc, học sinh sẽ cùng nhau chăm chú lắng nghe thư của Chủ tịch nước, rồi khi tiếng trống trường rộn rã vang lên, cả nước sẽ hòa mình vào giây phút đón năm học mới.

Những chiếc khăn quàng đỏ tung bay trong gió, màu áo trắng kín sân trường. Trên mọi miền Tổ quốc, tất cả học sinh hòa chung một không khí náo hức, chia sẻ cùng một niềm vui.

Còn gì ý nghĩa hơn khi mọi giáo viên, học sinh trên cả nước sẽ đón tiếng trống khai trường thiêng liêng cùng nhau. Âm thanh đầy trang trọng đó sẽ được vang lên khắp đất nước mình vào đúng ngày 5/9.

Dù không ít ý kiến cho rằng, lễ khai giảng bây giờ đã không còn ý nghĩa, thậm chí, có người còn đặt câu hỏi: Còn cần ngày khai giảng nữa không khi học sinh ở nhiều nơi vào đầu tháng 8 đã đến trường, và nhiều nơi thực ra đã học ngay trước ngày 5/9?

Cũng có người nói, lễ khai giảng cũng chẳng còn giá trị thực tiễn nữa, một khi người ta có thể cho trẻ mặc đẹp hàng ngày.

Nhưng hãy nhìn ánh mắt con trẻ, hãy nhìn các em xúng xính trong bộ đồng phục mới, vui vẻ tập trung ngày khai giảng sẽ biết, các em vẫn cần ngày khai giảng, vẫn yêu ngày khai giảng.

Và hãy nghe các em hát Quốc ca, ngắm các em tung tăng chơi đùa, ta sẽ thấy ngày khai giảng vẫn đẹp đến nhường nào.

Ngay đám trẻ xóm tôi, dù đã đến trường từ cuối tháng 8, gọi là tựu trường, nhưng vẫn cứ háo hức, cứ chộn rộn chờ đến ngày 5/9 với lễ khai giảng. Sáng hôm nay, chúng vẫn dậy sớm hơn, gọi nhau í ới, xúng xính trong bộ đồng phục mới tinh, giục bố mẹ đưa đến trường.

Cùng con đến trường dự lễ khai giảng. Ảnh: TH

 

Ngay những phụ huynh mà tôi quen biết, dù cả tuần nay đã đưa con đến trường, thì sáng nay đều nhẹ nhàng nắm tay đưa con trẻ vào sân trường. Sau đó ngồi hoặc đứng xung quanh, xem lễ khai giảng với ánh mắt vui sướng.

Tiếng trống trường lại vang lên, kiêu hãnh và tự hào, dìu bước khoảng 166.470 học sinh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh trong hành trình tìm tri thức mới.

Nghe tiếng trống khai giảng càng thêm vững tin, với sự nỗ lực của toàn xã hội và mỗi gia đình, chúng ta sẽ có một năm học thành công.

Và như mỗi năm học qua đi, lễ khai giảng luôn là một dấu mốc quan trọng, để rồi vào đúng ngày này, những ai đã và đang cắp sách đến trường cũng đều nhớ tới. 

Thành Hưng

Chuyên mục khác