18/10/2017 06:02
Đầu tháng 10, đất trời Sa Thầy chợt nắng, chợt mưa. Theo một ngã rẽ của tỉnh lộ 675, chúng tôi về xã Sa Sơn. Dù trong nắng gió mưa nguồn, nhưng cuộc sống của người dân ở nơi vùng đệm này vẫn bình yên. Dọc đường, tôi thấy nhiều điểm thu mua mủ cao su. Trên ngọn cây, chốc chốc lại vang lên tiếng kêu và vỗ cánh phành phạch của chim rừng; tiếng hạt cây rơi lộp bộp làm cho không gian vùng đệm càng xanh và thâm u hơn. Trời Sa Sơn vẫn lất phất mưa. Tôi ghé vào một căn nhà nhỏ ở thôn Ba Đờ Gốc. Những hạt mưa ngoài đường len lỏi chảy vòng quanh ngôi nhà, tạo thành những vũng nước, nhưng trong chốc lát lại rút sạch.
Mưa tạnh, bà Y Dở tháo dây đưa bò lên rừng. Đàn bò của bà có 12 con. Bây giờ rừng Vườn quốc gia Chư Mom Ray được bảo vệ nghiêm ngặt. Người dân sống ở làng Ba Đờ Gốc chỉ phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê hay vào rừng tìm hái nấm, măng le, bắt các loại cá, tép, cua, ốc từ các khe suối trong rừng. Nhưng tuyệt đối không được bẫy thú- bà Y Dở nói một câu chắc nịch.
|
Theo ông A Grái- Trưởng thôn Ba Đờ Gốc, thôn nhận giao khoán và bảo vệ gần 900 ha rừng. Số tiền được chi trả từ nguồn Quỹ dịch vụ môi trường rừng được phân bổ cho các hộ trực tiếp nhận khoán. Hàng ngày, người dân chia nhau thành từng nhóm đi tuần tra, bảo vệ rừng cũng như các loài động, thực vật trong Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Trong lúc tuần tra, bà con đã tháo gỡ các bẫy thú, phát hiện đối tượng săn bắt thú trong vườn, những vụ phát rừng làm nương rẫy hay khai thác gỗ trái phép thì báo về Trạm Kiểm lâm của Vườn để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Ông Tiêu Trung- Chủ tịch UBMTTQVN xã cho biết: Xã Sa Sơn có 4 thôn nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Chư Mom Ray là thôn 1, thôn 2, thôn Ba Đờ Gốc và thôn Tăm An. Thông qua công tác khoán bảo vệ đã từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong xã, từ đó mang lại hiệu quả tốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đến nay, ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, các loài động, thực vật của bà con địa phương được nâng lên, giảm thiểu tình trạng săn bắn, đặt bẫy động vật và khai thác trái phép nguồn thực vật quý hiếm. Các hình thức tuyên truyền được áp dụng như lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi họp thôn, làng. Ngoài ra, chính quyền xã còn phối hợp với Ban giám đốc Vườn giao diện tích rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ. Mỗi ha giao khoán quản lý, bảo vệ được chi trả khoảng 400.000 đồng/năm, vừa giúp bà con tăng thu nhập, vừa nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong nhân dân. Từ đầu năm đến nay, trong xã không có vụ nào xâm phạm đến rừng.
Vùng đệm là khoảng cách 2km đất rừng tính từ vùng lõi của vườn quốc gia. Đó cũng là khoảng cách để ngăn ngừa sự tác động từ bên ngoài vào rừng. Tính từ khoảng cách này, phần lớn diện tích vùng đệm được bà con nhận khoanh nuôi, làm kinh tế rừng theo Quyết định 178 của Chính phủ (được giao thuê đất rừng và đất lâm nghiệp). Nguồn thu nhập chủ yếu của người dân sống ở vùng đệm dựa vào cây cao su và chăn nuôi là chính.
Là già làng cao tuổi nhất (88 tuổi) của thôn Kà Đừ (thị trấn Sa Thầy), ông A Ghin cho rằng từ bao đời nay, người dân nơi vùng đệm vẫn phải đi rừng để kiếm sống. Cuộc sống của người dân trong làng còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu từ cây nông nghiệp hằng năm nên thời gian rảnh rỗi trong năm người dân thường vào rừng thu hái lâm sản phụ, săn bắt chim, thú, cá biệt có các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn phụ thuộc rất nhiều vào rừng (săn, bẫy chim, thú; bắt cá; lấy rau rừng; rà sắt phế liệu). Tuy nhiên, thông qua công tác khoán bảo vệ đã từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân. Dù làng có trên 100 hộ dân với trên 380 người, nhưng ít ai vào rừng tìm kiếm lâm sản từ rừng. Tuy nhiên, để tài nguyên đất đai của rừng mang lại lợi ích cho nhân dân sinh sống ở dưới tán rừng, Nhà nước nên có nhiều giải pháp như cho nhân dân trồng dược liệu, trồng song mây…Giờ đây, vào rừng tìm đọt mây cũng thấy hiếm.
|
Ông Đào Xuân Thủy- Phó giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết, có tới 60% số hộ sinh sống trên địa bàn Vườn quốc gia Chư Mom Ray là hộ nghèo, dân trí thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức để người dân chấp hành các quy định về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, cuộc sống của người dân vùng đệm vườn quốc gia còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu từ cây nông nghiệp hằng năm nên thời gian rảnh rỗi họ thường vào rừng thu hái lâm sản phụ…Trong những năm qua Vườn đã thực hiện trồng mới 5 triệu héc-ta rừng. Theo đó, Vườn giao khoán bảo vệ rừng cho 564 hộ dân và 5 tổ chức sống gần ranh giới Vườn với tổng diện tích gần 16.000ha nhằm khuyến khích và nâng cao trách nhiệm của người dân trong hoạt động bảo vệ rừng. Thông qua công tác khoán bảo vệ đã từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân và đã mang lại hiệu quả tốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Về những giải pháp bền vững cho vùng đệm, Vườn đang triển khai dự án trồng thí điểm 20ha cây dược liệu sa nhân tím ở huyện Sa Thầy. Cây này hiện đang phát triển tốt, thời gian tới có thể được nhân rộng. Cùng với việc chia sẻ lợi ích từ rừng, công tác quy hoạch, giao đất, giao rừng cho người dân cụ thể để giúp họ có tư liệu sản xuất, ổn định cuộc sống cũng là cách giữ rừng bình yên…
Chiều muộn, tôi rời vùng đệm. Gió rừng bắt đầu thổi mạnh khiến tấm áo mưa phủ lên người bay phần phật. Ngoài kia vọng lại tiếng con chim rừng ỉ ôi gọi bạn tình về tổ; tiếng ếch nhái lao nhao xen lẫn tiếng suối róc rách chảy... Cuộc mưu sinh của người dân nơi vùng đệm Vườn quốc gia Chư Mom Ray vẫn cứ tiếp diễn nhưng theo một hướng khác, ít xâm phạm về rừng.
Dương Lê