Mưu sinh ngày tết

31/01/2017 14:20

Tết là thời điểm nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm trời vất vả làm việc với hầu hết mọi người. Nhưng với những người lao động tự do, người nghèo, gánh nặng mưu sinh vẫn còn nặng trĩu trên vai nên đây cũng là dịp để họ kiếm thêm thu nhập.

Sáng sớm ngày mùng Một tết, tôi cùng gia đình hoà vào dòng người ngược xuôi đi chúc tết, chơi xuân. Đi qua đường Trần Hưng Đạo đoạn chợ Trung tâm thương mại, tôi bỗng giật mình khi thấy ngay trong ngày đầu của năm mới vẫn có một số người đi bán đồ chơi trẻ em. Tôi dừng lại mua một món đồ cho con trai, cậu thanh niên chừng ngoài đôi mươi thỏ thẻ chào mời: Chị mua giùm em đi, năm nay không có pháo hoa nên người dân ít ra đường vào đêm giao thừa thành ra em ế quá.

Cậu thanh niên cho biết mình tên Huỳnh Hữu Hồng (ở đường Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Kon Tum), làm nghề tự do, năm nào đến tết, cậu cũng tranh thủ lấy ít đồ chơi trẻ em (loại bong bóng nilông) về để bán kiếm thêm chút thu nhập đỡ đần gia đình.

Hồng chia sẻ: Ngày tết, ai không muốn ở nhà quây quần bên người thân, nhưng cuộc sống còn khó khăn nên năm nào đến tết, em cũng cố gắng tranh thủ làm thêm. Công việc không mấy vất vả, vốn liếng không nhiều, mặt hàng này tết người dân lại mua nhiều nên dù hơi buồn một chút nhưng bù lại mỗi ngày cũng kiếm được 300.000 – 400.000 đồng, sau tết mình nghỉ bù cũng được chị ạ.

Huỳnh Hữu Hồng tranh thủ bán đồ chơi trẻ em trong dịp tết để có thêm thu nhập

 

Bên cạnh Hồng cũng có một số người bán đồ chơi dạo khác đang mời chào khách mua. Phía sau các kiốt, các cửa hiệu đều đóng cửa, trong gió hiu hiu, thấp thoáng những bóng người nhỏ thó bên những chiếc xe treo đầy đồ chơi dựng bên ven đường lặng lẽ mưu sinh.

Mấy ngày tết, tại cổng chùa Trung Khánh, tôi để ý, có một người đàn ông ngày nào cũng mang những món hàng lưu niệm và mấy cuốn sách tử vi để bán cho người dân đi lễ chùa đầu năm.

Đa số người dân sau khi lễ chùa đều ghé lại sạp hàng của anh mua một món đồ chỉ chừng mươi ngàn đồng vừa để lấy lộc đầu xuân vừa như một cách ủng hộ anh. Người bán không nói thách, người mua không mặc cả, mọi người thoải mái chọn rồi vui vẻ trả tiền.

“Quê em ở tận Cao Bằng, lặn lội vào đây kiếm sống, ngày thường em bán khăn mặt ở ngoài chợ, đến tết mua ít vòng tay, móc chìa khoá, vài cuốn sách tử vi đến chùa nhờ lộc Phật bán kiếm thêm chút tiền nuôi con. Mỗi món hàng em chỉ lời được vài ngàn đồng, nhưng được cái rất nhiều người ủng hộ nên mỗi ngày cũng cũng kiếm được vài ba trăm ngàn. Lên chùa bán hàng em còn có thêm niềm vui là được thấy mọi người rộn ràng chơi tết, nhìn thấy cảnh yên bình, người người hướng thiện mà lòng cũng thanh thản, đỡ tủi vì xa quê. Thế là em thấy hạnh phúc rồi” – anh Tô Văn Nam giãi bày.

Hạnh phúc của anh thật giản dị và chân thành, quanh năm làm lụng vất vả và khi tết đến xuân về, anh cũng như nhiều người còn khó khăn khác vẫn chưa thể nghỉ ngơi khiến tôi thấy cay cay sống mũi. Tôi được biết, 3 ngày tết ngày nào anh cũng có mặt tại chùa khi những người khách đến viếng còn lưa thưa để bán hàng cho đến đêm hết khách mới về.

Có mặt tại bến xe buýt (trên đường Nguyễn Huệ) từ sớm ngày mùng Hai Tết để đón một người thân từ Gia Lai lên chơi, tôi để ý bên cạnh từng tốp người vội vàng lên xe xuống bến, một số bác chạy xe ôm cũng vội vã chen lấn mời chào người đi. Họ cũng tranh thủ kiếm thêm chút tiền trong thời điểm mà nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

Bác Phan Công Rớt (nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Kon Tum) có thâm niên làm nghề chạy xe ôm 27 năm nay chia sẻ: Từ ngày mùng Một tôi đã chạy xe rồi, nhưng bữa nay hầu như ai cũng có phương tiện riêng, một số người họ đi taxi nên ít khách lắm. Hôm mùng Một tôi chở được vài vị khách đi chùa, kiếm được 80.000 đồng, hai hôm nay đông khách hơn, tôi kiếm được hơn 100.000 đồng. Ai cũng bảo, tết nhất sao không ở nhà, nhưng nói thật, cuộc sống còn khó khăn nên tôi cũng phải ráng thêm, được chút nào hay chút ấy, ít còn hơn không. Vả lại, chở khách đi ngày tết cũng là một cách mình dạo chơi du xuân, một số người còn lì xì thêm cho cũng thấy vui.

Bác Phan Công Rớt chờ đợi từng chuyến xe buýt để mong có khách đi xe ôm

 

Không chỉ mấy anh bán hàng rong, mấy bác xe ôm mà trong ngày tết còn rất nhiều người từ người già đến trẻ nhỏ, phụ nữ có, đàn ông có cũng đang tranh thủ mưu sinh. Họ có thể là những người bán vé số dạo hay những người bán đồ ăn vặt, nhặt rác... tất cả đều mong mỏi có thêm chút thu nhập cải thiện cuộc sống.

Phố xá rộn ràng trong những ngày tết, lòng người háo hức du xuân, dù rằng, lao động trong thời gian tết đem lại cho người ta nguồn thu khá hơn, nhưng những cuộc đời vất vả mưu sinh vẫn khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng.

Bài và ảnh: Thuỳ Hương

Chuyên mục khác