12/06/2018 18:00
Kít…, chiếc xe dừng lại, một người phụ nữ với dáng vẻ tần tảo nghiêng chiếc xe cho 1 em nhỏ tầm 10 tuổi cầm lỉnh kỉnh những gói đậu phộng, bì xoài, trứng cút ghé vào một quán nhậu trên đường Nguyễn Viết Xuân. Người phụ nữ ngồi bên ngoài đợi, em nhỏ tiến vào trong, đi từng bàn mời, nài nỉ bán đậu, bán xoài. Tầm 20 phút, số đậu, xoài, trứng cút vơi đi ít nhiều, em ra ngoài, tiếp tục lên xe để được chở đi quán khác.
Hỏi chuyện hồi lâu, em mới thủ thỉ, do hoàn cảnh khó khăn, em phải nghỉ học từ sớm để phụ mẹ. Không kể trời mưa hay nắng, mỗi ngày, mẹ nấu trứng, cắt xoài rồi đưa em đến các quán để bán từ khoảng 10h sáng đến tầm 13-14h chiều. Về nghỉ ngơi được vài tiếng, đến 15-16h lại rong ruổi bán đến khoảng 21-22h mới lò dò trở về. Em cho biết, vì công việc đã quen nên em không thấy mệt nhọc. Em chỉ buồn vì lúc đi bán, bị nhiều người la mắng, nói nặng.
Hình ảnh các em nhỏ đi bán hàng rong dường như không còn xa lạ với người dân phố núi. Nhất là 2 tuần nay, ngay khi nghỉ hè, hình ảnh ấy càng thêm phổ biến.
Sáng sớm, có mặt tại ngã tư Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, chúng tôi đã bắt gặp nhiều em nhỏ cầm trên tay những rổ quả chà rang, trâm, chanh, các mớ rau đi dạo khắp tuyến đường để bán. Như em Cam (12 tuổi), ở làng Kon Hra Chót, phường Thống Nhất, cả tuần nay, mỗi sáng em được mẹ đưa cho 1 rổ quả trâm đi bán. “Hôm nào đông người mua, bán hết thì được về sớm. Hôm nào ế thì bán đến chiều mới về” – Cam chia sẻ.
|
Không riêng gì Cam, cứ vào hè, hai chị em Đảo (14 tuổi) cũng ở làng Kon Hra Chót, phụ mẹ đi bán kiếm tiền. Em cho biết, năm ngoái em đi bán rau, năm nay, em đi bán quả chà rang rừng. “Sáng ba đi hái về, bó thành từng chùm rồi đưa hai chị em đi bán (em trai 9 tuổi). Chị em con đi dạo khắp chợ, bán hết rồi về” – Đảo nói.
Đảo cho biết, mỗi ngày em bán được khoảng hơn 100 ngàn. “Đi bán cũng mệt nhưng vui lắm! Bọn con bán, lấy tiền về đưa cho mẹ lo bữa ăn hàng ngày và mua quần áo mới, sách vở để đi học” – Đảo chia sẻ.
2 tuần nay, em A Kinh ở xã Đăk Rơ War, thành phố Kon Tum cũng ra phố phụ mẹ bán chanh. Để bán nhanh, em đi bộ dọc các tuyến đường, ghé vào các quán cà phê, mời mọi người mua hàng. Em cho biết, những ngày nắng em bán nhanh, những ngày trời mưa, bán ế lại vất vả. “Mùa hè được nghỉ, nhiều bạn cũng đi bán như con. Vào năm học, ngày nào rảnh con cũng đi bán” – A Kinh nói.
Bên cạnh việc đi bán hàng rong, nhiều em nhỏ tìm đến các hàng quán bưng bê kiếm thêm tiền. Như tại một quán phở trên đường Phan Châu Trinh, nhiều em mới ở lứa tuổi cấp II, cấp III đã bưng bê thành thạo. Số tiền kiếm được, các em đưa về phụ giúp ba mẹ.
Với mong muốn phụ giúp ba mẹ, nhiều em nhỏ tại các phường Quang Trung, Thống Nhất, Lê Lợi còn lặn lội đi hái nấm mối, đi tìm cây diệp hạ châu (cây chó đẻ), đi bẻ măng rừng, bắt ốc về bán kiếm tiền. Nhiều em khác lại đi theo ba mẹ lên đồng chăn bò, đi trồng mì, trút mủ cao su…
Mùa hè là thời điểm để các em nghỉ ngơi sau những giờ học căng thẳng. Tuy nhiên, với nhiều em, việc vui chơi, giải trí không còn quan trọng, hè là thời điểm các em gắn liền với việc mưu sinh để đỡ đần ba mẹ cũng như có thêm chi phí mua sách vở cho năm học mới.
Bình An