Mùa thả trâu

20/02/2021 06:08

Con trâu của đồng bào Xơ Đăng, H’rê vùng Đông Trường Sơn thuộc huyện Kon Plông chính là vật thiêng, là tài sản quý. Dấu ấn tâm linh trong lễ ăn trâu được để lại từ thuở xa xưa. Mùa thả trâu đồng thường bắt đầu ngay sau vụ gặt.

Mặt trời đã lên. Từ nhà đến rẫy, ngày trước cuốc bộ, đoán giờ bằng bóng ngả, bây giờ đi xe máy cũng mất gần 1 tiếng đồng hồ. Tuổi gần 70, ông vẫn tự tin vào độ bền sức vóc. Hai mắt còn tinh. Đôi chân nhanh nhẹn. Ông mở chiếc thanh ngang cái chuồng bằng gỗ, tre lộc cộc. Bầy trâu đen bóng lững thững bước ra.

Hôm nay, vẫn khoảng đồng ấy. Đám ruộng mới gặt trà chín muộn, còn nguyên những gốc rạ dày. Trâu cả đám chen nhau, lưng phơi dưới nắng.

Tại vùng cực Bắc Tây Nguyên hùng vĩ, con trâu có từ bao giờ, hẳn là chẳng ai để ý. Cứ theo ý nghĩ của ông, thói quen nuôi trâu được truyền từ đời mẹ cha cho đến vợ chồng, con cái. Như nhà ông đây, thằng con đầu lòng, hai con gái giữa, đứa út cũng trai. Đứa làm giáo viên, đứa cán bộ xã, đứa theo cha mẹ giữ nghề làm nông…, nhà đứa nào cũng vài ba con trâu khi chăn, lúc thả.

Mùa thả trâu

 

Với người Xơ Đăng, H’rê vùng Đông Trường Sơn, con trâu chính là vật thiêng, là tài sản quý, là người bạn thân. Người H’rê có câu “Rơ gây tía pô”, nghĩa là “Khôn như trâu”. Từ xa xưa, người Xơ Đăng đã biết làm lễ “ăn trâu” trong những dịp lễ trọng đại như mừng nhà rông mới, mừng lúa mới, mừng giọt nước về…

Ông nhớ cái lần được đánh tiếng chiêng đầu tiên, chứng kiến con trâu là vật hiến sinh, dâng cúng thần linh trong ngày lễ hội. Vốn từ lâu đời, dân làng không làm thịt trâu để bán, để ăn bình thường, mà chỉ dùng quy đổi lấy các vật dụng khác tùy theo giá trị. Vì trâu dành để cúng Yàng nên 1 con thôi cũng có thể đổi lấy chóe, chiêng hay nhiều thổ cẩm… Váy, sáo, khố, khăn, tấm choàng, tấm đắp… đều từ trâu mà chuyển ra.

Ngày trước, trâu thường được thả vào rừng, không dắt không chăn, không nuôi không nấng. Ông làm sao quên những mùa giá rét, trâu “hao”; mỗi khi trâu “sa” đợt dịch… Làng từng không chỉ một lần “khóc trâu”. Thiếu trước hụt sau cũng vì họa ấy. Sau này, trâu đã có chuồng. Trâu thả rẫy xa, trâu chăn đồng gần, lớn bé trẻ già đều siêng năng, chịu khó. Vắc xin phòng bệnh cho trâu cũng nhớ theo kỳ.

Nói vậy, không có nghĩa rằng, chỉ gần đây thôi, trâu đàn trâu con mới được người nhà để ý. Ông kể say sưa rằng từ hồi xa xưa, vùng Đông Trường Sơn đã làm chuồng trâu, theo đúng tâm linh của người rừng núi. Hàng năm, lễ làm chuồng trâu thường được tiến hành vào tháng 2 dương lịch, có năm trùng vào dịp tết cổ truyền. Những bức tượng gỗ hình người được đặt trước cửa chuồng trâu, biểu trưng cho sự giữ gìn, canh gác; không để trâu bị hư hao, rủi ro, mất mát; cho trâu sinh sôi, phát triển.

Ông bảo, vùng Đông Trường Sơn mỗi năm chỉ cấy một mùa. Vụ lúa chính niên ngày trước nhờ trâu dẫm ruộng. Vào những năm sau ngày tỉnh Kon Tum được thành lập lại, có dịp về với Măng Cành, Măng Bút, Đăk Tăng…, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cảnh đàn trâu loi ngoi quần đồng đạp đất…

Bây giờ, trâu được đổi trao, trâu thành hàng hóa… Người làng con cái ra riêng, cửa nhà cũng nhờ từ đấy. 

Người Đông Trường Sơn mỗi năm chỉ cấy một lần, nên mùa thả trâu thường bắt đầu từ sau vụ gặt. Từng ngày Xuân cũng theo nhau trên những cánh đồng nông nhàn. Từ lâu lắm rồi đã vậy và mai này cũng thế… Ông bảo, chân lấm tay bùn cảm nhận rõ thời gian…./.     

Bài và ảnh: THANH NHƯ

Chuyên mục khác