12/06/2017 18:00
Em Y Thăm ở thôn Tân Rát 2, xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) đã 13 tuổi nhưng nhìn em nhỏ thó như học sinh lớp 4, lớp 5. Mái tóc em hoe hoe vì nắng, vì gió; gương mặt em gầy, đen nhẻm; chân tay lều khều như những ống điếu. Em bảo rằng, không như ở thành phố, ở đây, mùa hè của các em là ở trên rẫy. “Em lên rẫy phụ giúp bố mẹ làm cỏ, làm ruộng đến khi nào hết hè thì thôi”- Y Thăm nói.
Ngày nào cũng vậy, tờ mờ sớm, em đã dậy cùng bố mẹ ăn cơm rồi vác cuốc lên rẫy. Có hôm em phụ bố mẹ làm cỏ, tỉa chồi cà phê, hôm lại theo hướng dẫn của bố mẹ trồng sâm dây. Bố mẹ đi làm ruộng, em cũng chẳng nề hà xắn quần, lội xuống cấy lúa, làm cỏ.
Tâm sự với chúng tôi, em bảo rằng, vì em làm trên rẫy từ ngày còn nhỏ nên đến nay đã quen rồi. “Hôm nào mệt thì em xin ba mẹ ở nhà nghỉ chứ ba mẹ không bắt ép em phải đi làm. Em làm phụ ba mẹ, khi vào học ba mẹ mới có tiền cho em may quần áo, sắm sửa dụng cụ học tập để em đến lớp” – Y Thăm chia sẻ.
|
Hết hè năm nay, Y Tâm ở thôn Tân Rát 2, xã Ngọc Linh mới lên lớp 9, nhưng nhìn Y Tâm già dặn lắm. Vì phải lao động nhiều nên gương mặt em đen nhẻm, đôi bàn tay nhăn nheo, đầy vết chai sạn. Tâm chia sẻ, mỗi ngày, từ sáng sớm em phải cùng bố mẹ băng rừng, băng suối cả tiếng đồng hồ để lên rẫy. Lên đến nơi, bố mẹ làm như thế nào, em cũng cố gắng làm như thế ấy. Thậm chí, nhiều lúc em còn làm nhanh hơn cả bố mẹ.
Không chỉ làm trong nhà, như một lao động thực thụ, Y Tâm còn đi đổi công làm cỏ cà phê, đi làm cỏ lúa, cỏ bời lời thuê. “Đi làm cũng mệt lắm nhưng em quen rồi. Tiền đi làm thuê, em đưa để giúp đỡ ba mẹ” – Y Tâm cho hay.
Cũng như Ngọc Linh, ở Mường Hoong (huyện Đăk Glei), kì nghỉ hè cũng là lúc các “mặt trời bé con” theo bố mẹ lên rẫy lao động. Em A Trần Anh Duy ở thôn Làng Mới năm nay mới lững chững vào lớp 1, thế nhưng 8h sáng, chúng tôi đã thấy em theo mẹ lên rẫy, cầm cuốc làm rất thành thạo.
Em A Duyên, học sinh lớp 5 ở thôn Làng Mới cũng đã quen với những công việc… đồng áng. Em bảo rằng, ngày thường đi học nên em không phải làm, đến hè, cứ 7h sáng, em cùng bố mẹ lên rẫy làm cỏ cà phê, làm cỏ bời lời đến 5-6h tối mới về nhà. Hôm nào ở nhà, em lại phụ bố mẹ nấu cám heo, cho heo ăn, làm việc nhà… A Duyên chia sẻ: Nhiều khi làm mệt nhưng nghĩ đã giúp đỡ được bố mẹ nên em tiếp tục cố gắng.
Với những ông bố mẹ ở những mảnh đất còn nhiều khó khăn này, việc con trẻ lên rẫy, phụ giúp gia đình làm trong những ngày hè là chuyện bình thường. Như chị Y Bia ở thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, chị cho con của chị (học lớp 2) lên rẫy từ nhỏ. “Mình phải tập các cháu lao động cho quen, lớn lên còn biết giúp đỡ gia đình. Các cháu làm theo sức của mình, khi nào mệt thì mình nghỉ chứ mình không bắt phải làm theo sức người lớn” – chị Bia nói.
Tương tự, chị Y Hung ở xã Ngọc Linh cũng cho rằng việc để các con đi làm rẫy từ sớm là bình thường, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của các con. “Các cháu ở nhà cũng chạy dang nắng thôi. Ở đây điều kiện kinh tế còn khó khăn, các cháu phải giúp bố mẹ làm rẫy thôi. Thấy các con vất vả, mình cũng thương lắm nhưng khó khăn quá, phải chịu thôi chứ biết sao được” - chị Y Hung nói.
Nói về việc trẻ em lao động sớm, ông A Tiên – Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh cho rằng, từ trước đến nay, theo tập quán sinh sống của người Xê Đăng nơi đây, ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ đã địu con lên rẫy. Và khi con có thể cầm cuốc, cầm rựa, bố mẹ đã cho con tập dần với việc lao động. Tuy nhiên, ông cho rằng, vì nơi này còn nghèo, hè không tổ chức học thêm, đường sá đi lại khó khăn, sân chơi dành cho các em cũng ít nên đa số các em lên rẫy phụ bố mẹ. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình, các cháu cũng chỉ làm việc nhẹ thôi chứ không bị bắt làm việc nặng đâu” – ông Tiên cho biết.
Dẫu biết rằng những việc làm của các em để đỡ đần bố mẹ, đó là điều tốt, tuy nhiên, nhìn cảnh các em dãi nắng dầm mưa trên những mảnh đồi cũng không khỏi xót xa. Chưa kể, những việc làm tưởng chừng nhẹ nhàng ấy có thể ảnh hưởng không tốt đến thể chất, tâm sinh lý và đặc biệt là tâm hồn của trẻ thơ. Nhìn các em, chúng tôi sẽ hi vọng, nay mai ở những mảnh đất khó này sẽ có thêm nhiều những hoạt động, sân chơi bổ ích, để các em được vui chơi, để mùa hè của các em không chỉ ở rẫy, ở đồng.
Hoài Tiến