Mũ bảo hiểm và khẩu trang

18/04/2020 06:08

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, bên cạnh chiếc mũ bảo hiểm quen thuộc, người điều khiển mô tô, xe máy ngoài đường không thể thiếu chiếc khẩu trang - vật bất ly thân che mũi, che miệng. Dù chẳng có “họ hàng” gì với nhau nhưng đều mang ý nghĩa tích cực về trách nhiệm cá nhân với lợi ích cộng đồng.

Cách đây 13 năm, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông (theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP, ngày 29/6/2007 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông của Chính phủ) chính thức có hiệu lực.

Không thể kể hết những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề nảy sinh trong suốt quá trình thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ, song tính đúng đắn và sự phù hợp của một chủ trương lớn đã được khẳng định. Tỷ lệ người sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã tăng từ 30% (năm 2007) lên 90% (năm 2017) và ở mức cao hơn trong những năm sau đó. Thực tế đã chứng minh, đội mũ bảo hiểm có thể làm giảm hơn 40% nguy cơ tử vong và gần 70% nguy cơ chấn thương khi va chạm giao thông.

Và qua thời gian, những tiếng phản đối dần trở nên lạc lõng, thưa thớt và biến mất hẳn. Đội mũ bảo hiểm mỗi khi điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông đã trở thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày.

Tại tỉnh Kon Tum, trong 10 năm (2007 -2017) quy định đội mũ bảo hiểm đã được tích cực thực hiện trong từng trường học, lớp học, với trách nhiệm của từng phụ huynh, giáo viên, học sinh; đưa vào từng thôn làng đồng bào DTTS, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Đây là cả quá trình nỗ lực và huy động mọi nguồn lực từ hệ thống chính trị đến từng gia đình.

Mũ bảo hiểm và khẩu trang hiện là vật "bất ly thân" của người dân khi ra đường. Ảnh: TN

 

Có “xuất phát điểm” thuận lợi hơn chiếc mũ bảo hiểm, từ lâu nay, khẩu trang đã được nhiều người sử dụng, nhất là khi ra đường, khi đi chợ, đến những nơi công cộng. Tuy vậy, cũng như mũ bảo hiểm, chỉ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, nhất là từ khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (bắt đầu từ ngày 16/3/2020) thì đeo khẩu trang mới thực sự trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi người. Không chỉ chống nắng, chống bụi như thường ngày, trong “thời Covid-19”, khẩu trang còn có tác dụng tránh giọt bắn từ nước bọt (chứa nhiều loại vi rút) của người khác, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Thực tế chứng minh, sự chủ quan, xem thường vai trò của những chiếc khẩu trang bé nhỏ đã khiến nhiều nước trên thế giới phải trả giá đắt trong cuộc chiến chống đại dịch này.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, quy định đeo khẩu trang đã nhanh chóng được đa phần người dân chấp hành. Ngay cả những người trước đây hầu như chưa khi nào dùng đến khẩu trang cũng tự giác tuân thủ. Từ đó, việc đeo khẩu trang (dù là khẩu trang y tế hay khẩu trang vải) đã nhanh chóng trở thành thói quen sinh hoạt của mỗi người, từng gia đình và cả cộng đồng.

 Lẽ dĩ nhiên, để hình thành một thói quen mới bao giờ cũng cần thời gian và cả những chế tài xử lý, bởi sẽ có không ít đối tượng đi “ngược dòng”. Cùng với các địa phương trong cả nước, đi đôi với yêu cầu sử dụng khẩu trang, từ ngày 1/4/2020, tỉnh Kon Tum chính thức áp dụng chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với những người không nghiêm túc chấp hành quy định này, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Tổng hợp sơ bộ, từ ngày 1/4 đến 17 giờ ngày 13/4, các huyện thành phố trong tỉnh đã xử lý vi phạm hành chính 690 trường hợp không chấp hành các quy định phòng, chống Covid-19, trong đó, có 626 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Yêu cầu sử dụng khẩu trang như một biện pháp cần thiết, cấp bách phòng, chống Covid-19 cũng đã góp phần hình thành phong trào may khẩu trang để trao tặng lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ và cấp phát phục vụ người dân chống dịch. Đến nay, tất cả 10 Hội phụ nữ huyện, thành phố trong tỉnh đều đã có hoạt động thiết thực may và cấp phát khẩu trang vải cho hội viên, phụ nữ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Phong trào vận động đóng góp kinh phí, tổ chức may khẩu trang vì cộng đồng diễn ra sôi nổi ở các địa phương, trong các tổ chức hội đoàn thể và hội viên. Mới đây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Kon Tum đã tiếp nhận 120 triệu đồng ủng hộ từ các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn để may khoảng 100.000 chiếc khẩu trang cấp miễn phí cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Mũ bảo hiểm và chiếc khẩu trang - hai vật dụng riêng biệt, tưởng chẳng có gì liên quan đến nhau, song thực tế lại được kết nối bởi mang lại lợi ích cộng đồng to lớn. Vì vậy, khi ra đường, mỗi người trong chúng ta hãy luôn nhớ mang theo 2 vật “bất ly thân”: Mũ bảo hiểm và khẩu trang.         

Thanh Như              

Chuyên mục khác