Một vài suy nghĩ về nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính

31/03/2023 06:11

Cải cách thủ tục hành chính là một trong những nội dung quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, đem lại lợi ích, nâng cao niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính nhà nước.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai cải cách thủ tục hành chính, có nhiều sáng kiến với những mô hình mới, cách làm hay và đạt được một số kết quả nổi bật như: Cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; phê duyệt phương án cải cách hơn 1.100 quy định và phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699 thủ tục hành chính; xác định 59 thủ tục hành chính/nhóm thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước cần rà soát, đơn giản hóa trong năm 2023.

Việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng số hóa, không phụ thuộc vào địa giới hành chính được chú trọng, bước đầu có kết quả. Cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có 56 địa phương thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 53/63 địa phương đã thực hiện hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính duy nhất.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tham gia Hội thảo về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC do Văn phòng Chính phủ tổ chức. Ảnh: T.M

 

Nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các hệ thống thông tin được đẩy mạnh triển khai và phát huy hiệu quả, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã số hóa, cập nhật thường xuyên từ cấp xã, bảo đảm tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”.

Ở tỉnh ta, đến nay, 100% thủ tục hành chính được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; 1.746/1.752 thủ tục hành chính được phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết.

Đã có 92,99% thủ tục hành chính cấp tỉnh thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (tương ứng 1.313/1.412 thủ tục); 100% thủ tục hành chính cấp huyện (215) và cấp xã (100) được thực hiện tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã.

Những kết quả nêu trên đã từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành và tạo thuận lợi, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là một số lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên thời gian, nguồn lực và chưa có lộ trình, mục tiêu rõ ràng.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định còn hình thức, chưa chú trọng tham vấn chính sách các đối tượng chịu tác động, người dân, doanh nghiệp; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhiều nơi, công tác chỉ đạo, điều hành vẫn theo phương thức truyền thống, chưa đổi mới sáng tạo; việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại một số bộ, ngành, địa phương chưa tốt, hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu; nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Thông tin, truyền thông cho công tác này chưa được coi trọng, đầu tư thích đáng để góp phần thay đổi hành vi, ý thức của người dân, doanh nghiệp.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, thiết nghĩ bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ xác định tại Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 6/10/2022 các cấp, các ngành, địa phương cần có kế hoạch để tăng cường tiếp cận đối tượng người dân và doanh nghiệp, như tổ chức các cuộc hội thảo, buổi tư vấn trực tuyến, khảo sát để lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp về các thủ tục hành chính. Điều này sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn tổng quan về những khó khăn mà người dân và doanh nghiệp gặp phải và cũng giúp họ tìm ra những giải pháp để giải quyết vấn đề.

Tiếp tục đánh giá hiệu quả của các thủ tục hành chính hiện có để tìm ra những điểm yếu và đưa ra các giải pháp cải tiến. Yêu cầu thủ tục hành chính mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện đặc biệt đối với các thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công toàn trình và dịch vụ công một phần. Việc này giúp cải thiện quá trình thực hiện thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng tính minh bạch của hành chính công.

Đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu thời gian xử lý thủ tục, tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu các sai sót trong quá trình xử lý. Điều này giúp tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt phải triển khai thực hiện kết nối, đồng bộ các hệ thống thông tin chuyên ngành, nhất là sử dụng có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp cho người dân, doanh nghiệp giảm giấy tờ; thực hiện tái sử dụng các kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, nhân viên thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp đào tạo về các kỹ năng quản lý, sử dụng công nghệ thông tin, giao tiếp, để giúp họ cải thiện quá trình thực hiện các thủ tục hành chính và phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn.

Tăng cường giám sát và đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính để đảm bảo rằng các cải cách được thực hiện một cách đầy đủ và đạt được mục tiêu đề ra. Theo dõi chặt chẽ quá trình giải quyết thủ tục hành chính để chỉ đạo, đôn đốc các bộ phận chuyên môn đảm bảo thủ tục hành chính được giải quyết đúng quy định; thực hiện nghiêm việc lập xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả đối với hồ sơ trễ hạn.        

Trịnh Minh

Chuyên mục khác