Một thời họ đã sống và yêu như thế!

30/04/2019 06:13

Tôi gặp họ - những người lính đã đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong một ngày cuối tháng Tư lịch sử. Họ không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng đã dành cả tuổi thanh xuân để cứu chữa, chăm sóc cho các thương binh, nấu từng bữa ăn cho bộ đội, làm giao liên... Mặc bom rơi, mặc gian khổ, họ đã sống một cuộc đời ý nghĩa và cùng nhau viết nên những câu chuyện đẹp về đời lính và tình yêu.

1. Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn 5 (xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum), vợ chồng ông Lê Việt Hùng (73 tuổi) và bà Hồ Thị Hương (62 tuổi) - 2 người đồng đội, 2 người thương binh kể cho tôi nghe về những năm tháng họ đã sống, chiến đấu, gặp gỡ rồi yêu thương nhau thật đẹp và xúc động.

Ông Lê Việt Hùng quê ở huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) tham gia du kích địa phương từ lúc còn rất trẻ. Tháng 1/1966, chàng thanh niên Lê Việt Hùng lên đường nhập ngũ, biên chế vào Tiểu đoàn 304 làm chiến sĩ quân y. Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông Hùng được phân công về Phòng Hậu cần của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum làm nhiệm vụ trong Đội phẫu tiền phương chuyên cấp cứu, chữa trị cho thương binh.

Ông Hùng kể: Chiến trường Kon Tum - Bắc Tây Nguyên - lúc bấy giờ vô cùng ác liệt. Bộ đội mình bị thương nhiều lắm nên nhiệm vụ của những người lính quân y chúng tôi càng nặng nề, vất vả. Còn nhớ, khi ấy tôi bị sốt rét suốt mấy tháng trời, nhưng có một thương binh cần tiếp máu gấp, tôi không ngần ngại hiến máu để cứu sống anh. Ngoài nhiệm vụ cứu chữa cho bộ đội bị thương, thời điểm ấy, địch càn quét rất dữ, việc cung cấp lương thực, thực phẩm gặp nhiều khó khăn, chúng tôi còn đi mót thêm củ mì, kiếm rau rừng, xin gạo của dân để nuôi thương binh...

Ông Hùng bảo, chuyện chiến tranh thì dài lắm, chỉ biết rằng, mọi quả đồi, con suối ở Kon Tum bấy giờ ông đều thuộc hết. Cuộc sống người lính thiếu thốn, cơ cực và luôn đối mặt với hiểm nguy, nhưng tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc thì không có gì làm lung lay được. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1978, ông Hùng lại tiếp tục tham gia Quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Campuchia chiến đấu chống quân Pôn Pốt; đến hết năm 1979 ông trở về.

Vợ ông là bà Hồ Thị Hương, quê gốc ở huyện Phù Mỹ (Bình Định), nhưng bà theo chị ruột lên định cư ở xã Diên Bình (huyện Đăk Tô) từ khi còn rất nhỏ. Sau chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, cô thiếu nữ Hồ Thị Hương xung phong đi bộ đội và nhập ngũ ở đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Suốt những năm chiến tranh, bà đảm nhận rất nhiều công việc, từ việc nhận tin, truyền tin, làm giao liên, nuôi quân...

“Những ngày đầu vào đơn vị, tôi được đơn vị phân công làm giao liên; một mình băng rừng, lội suối, đi suốt đêm đưa công văn. Vẫn biết bom rơi đạn lạc, quân địch phục kích khắp nơi, nhưng trong lòng chỉ có một ý nghĩ duy nhất là làm sao để hoàn thành nhiệm vụ, nếu không may bị địch phát hiện dù có chết cũng phải hủy công văn để bảo vệ bí mật. Rồi những ngày làm chị nuôi với tôi cũng thật hạnh phúc, ngày ngày vào rừng đào từng cây măng, lấy từng nắm lá tàu bay, mót từng củ mì mang về nấu ăn cho bộ đội. Mình dù đói, dù thiếu, nhưng vẫn nhường cơm sẻ áo cho các chiến sĩ như cho chính anh em, người thân ruột thịt trong nhà vậy...” - bà Hương bồi hồi nhớ lại.

Cũng chính trong những tháng ngày làm chị nuôi ấy, ông bà đã bén duyên nhau. Dù rằng chỉ thỉnh thoảng mới gặp nhau, nói với nhau đôi ba câu, nhưng ông vì cảm kích tấm lòng, sự dịu dàng của cô gái nuôi quân mà để ý bà; còn bà thì ngưỡng mộ sự chững chạc, dũng cảm của “anh bộ đội già” mà xao xuyến yêu thương…  

“Chúng tôi quen nhau năm 1974, khi ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn nước rút nên cả hai bảo nhau hãy dành tất cả tâm trí cho nhiệm vụ cách mạng, hẹn sau ngày thống nhất đất nước sẽ cưới nhau. Sau giải phóng, vì nhiệm vụ nên chuyện tình yêu vẫn phải gác lại đến năm 1976, tôi mới “đưa nàng về dinh ” - ông Hùng chia sẻ.

43 năm về chung 1 nhà, có với nhau 5 người con, dù cuộc sống có nhiều lúc khó khăn, nhưng trong ngôi nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười và ông bà vẫn gọi nhau hai tiếng “mình ơi” ngọt lịm như hồi mới quen.

Ông Hùng, bà Hương sống thật vui vẻ, hạnh phúc bên con cháu của mình. Ảnh TH

 

2. Ông là một học sinh miền Bắc “xếp bút nghiên để theo nghiệp binh đao”. Bà là một học sinh Việt kiều yêu nước ở Campuchia. Họ đi theo tiếng gọi của Tổ quốc và là đồng đội trong Viện 1, Phòng Hậu cần B3 (Quân đoàn 3) suốt những năm kháng chiến. Đó là vợ chồng ông Hoàng Văn Hợi (73 tuổi) và bà Lê Thị Hồng Phương (65 tuổi) ở đường Thi Sách, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum.

Năm 1965, ông Hợi mới học lớp 8 (hệ 10 năm) đã xung phong lên đường nhập ngũ vào Tiểu đoàn 174, Sư đoàn 36, Quân khu Tây Bắc (đóng quân ở Điện Biên). Khi ấy, ông là một chiến sĩ pháo binh, huấn luyện rồi chiến đấu từ ngoài Bắc, qua Lào vào đến chiến trường Tây Nguyên là năm 1967. Sau đó, do bị thương, lẽ ra được ra Bắc điều trị, nhưng ông xin ở lại và được điều về Viện 1. Sau đó, ông Hợi được đơn vị cử đi học y tá, phân công làm nhiệm vụ tại Đội phẫu tiền phương Viện 1.

Bà Lê Thị Hồng Phương là con của một gia đình Việt kiều sống ở tỉnh Stung treng (Campuchia). Năm 15 tuổi, cô học sinh Phương đã tham gia vào hội Việt kiều yêu nước ở Campuchia, đến 16 tuổi thì viết đơn xin đi bộ đội. Bà được cử đi học lớp y tá và phân công về công tác tại Viện 1 cùng đơn vị với ông Hợi.

Trong ký ức của mình, ông Hợi, bà Phương vẫn còn nhớ rõ: Viện 1 là viện tuyến đầu nên bộ đội đi đến đâu thì đơn vị đi theo đó, chúng tôi cũng không còn nhớ đã bao nhiêu lần di chuyển. Nhiệm vụ của chúng tôi là cứu chữa cho bộ đội bị thương. Hồi ấy, ở trong rừng, mọi thứ đều thiếu thốn, cực khổ, máy bay oanh tạc suốt ngày, thế nhưng chúng tôi chẳng sợ gì cả, chỉ lo cứu chữa cho chiến sĩ bị thương. Nhiệm vụ ở tuyến đầu nên chúng tôi toàn cứu chữa cho các thương binh nặng; chăm sóc như người thân ruột thịt, giúp họ tắm gội, vệ sinh, đút từng miếng cơm, muỗng cháo...      

Khi được hỏi về câu chuyện tình yêu giữa 2 người, ông Hợi kể: Hai chúng tôi quen nhau từ năm 1971, dù cùng một đơn vị, nhưng lại ở 2 ban khác nhau nên cũng chẳng mấy khi gặp nhau. Chỉ những lần chuyển thương binh may ra mới gặp nhau trong chốc lát, đôi khi hỏi thăm nhau qua đồng đội… Mọi chuyện bắt đầu bình dị, nhẹ nhàng như thế đấy rồi yêu khi nào cũng chẳng biết.

Bà Phương chia sẻ: Hồi đó, chúng tôi đắn đo lắm vì chiến tranh mà, sợ kết hôn rỗi lỡ không may 1 trong 2 người hy sinh thì sẽ để lại nhiều mất mát, dở dang cho người kia. Nhưng rồi cả hai cũng hạ quyết tâm dù sống một ngày, một tháng cũng vẫn muốn được gắn bó với nhau. Trước ngày cưới, đơn vị cho 5kg đường, 2kg đậu phụng về anh em đơn vị giúp làm kẹo, dựng cho 1 cái lán nhỏ gọi là “nhà hạnh phúc”, hôm cưới mọi người hái được mấy bông sen về cắm vào bình thành hoa cưới. Đơn giản, mộc mạc vậy đấy mà hạnh phúc vô cùng.

Cưới nhau được mấy tháng, vào mùng 2 Tết, ông Hợi lại lên đường tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và Sài Gòn không hẹn ngày trở về. Lúc ấy, bà Phương đang mang thai được hơn 6 tháng. Như một “chỉ dấu tình yêu” của 2 người chiến sĩ, con trai đầu lòng của ông, bà sinh vào đúng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/1975.

“Có lẽ đó là ngày hạnh phúc nhất trong đời tôi, vừa đón đứa con đầu lòng, vừa thấy được cảnh đất nước thống nhất sau bao nhiêu năm kháng chiến. Chỉ có điều, mừng mà vẫn lo vì không biết ông ấy thế nào. Thật may là 3 tháng sau, ông ấy đã trở về và tiếp tục ở lại Bình Dương làm nhiệm vụ xây dựng chính quyền” - bà Phương chia sẻ thêm.

Tờ giấy kết hôn do đơn vị cấp vẫn được ông Hợi và bà Phương gìn giữ. Ảnh: TH

 

Chiến tranh kết thúc, họ trở về với cuộc sống đời thường nhưng luôn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ giải phóng quân anh dũng và là những cặp vợ chồng, gia đình cựu quân nhân mẫu mực.

Thùy Hương

Chuyên mục khác